Giảm mật độ dân cư khu nội đô lịch sử
Phát triển không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm có vai trò quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô lồng ghép với mục tiêu phát triển bền vững. Mục đích tổ chức thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận là xây dựng và duy trì không gian mang tính cộng đồng, cải thiện môi trường sống và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể góp phần bảo tồn, tôn vinh và giới thiệu về lịch sử, văn hóa và con người Hà Nội; tạo lập các hoạt động văn hóa, du lịch, thương mại, tinh hoa ẩm thực khu vực hồ Hoàn Kiếm và nghiên cứu mở rộng sang khu vực phố cổ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của người dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước.
Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long – Phó Chủ tịch UBND quận nhận định, sau hơn 3 tháng tổ chức thí điểm không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm, đã tách giao thông cơ giới, giảm tiếng ồn, khói bụi cho khu vực trong 3 ngày cuối tuần, tạo không gian tĩnh cho người dân chiêm ngưỡng những giá trị nổi trội của khu vực và “thoát” được sự ồn ào, ô nhiễm, thiếu an toàn của dòng phương tiện giao thông những ngày trong tuần.
Đồng thời, không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm bổ khuyết cho không gian công cộng vốn rất thiếu ở trung tâm nội đô lịch sử của Hà Nội và đem được “tính chất tĩnh” cho trung tâm Thủ đô dù ban đầu có ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực. Chính vì thế, không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm kết nối với không gian đi bộ khu phố cổ đã có sức hấp dẫn mạnh mẽ, thu hút người dân và du khách.
Điều đó được minh chứng bằng số lượng du khách đến với không gian này vào khoảng 1,5 triệu lượt người, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2015. Tính trung bình có khoảng 3.000 – 5.000 người/ngày và khoảng 1,5 đến 2 vạn người/tối đã đến đây. Số lượng cửa hàng kinh doanh chuyển sang phục vụ cho dịch vụ, du lịch tại đây tăng 12 cửa hàng.
UBND quận cho biết, việc tổ chức không gian đi bộ ở trung tâm TP đã hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, góp phần tăng cường hoạt động của các tuyến xe công cộng. Gián tiếp tác động đến chủ trương đầu tư các công trình xây dựng trong khu vực trung tâm để từng bước giảm tải giao thông vào nội đô, giảm ùn tắc vào giờ cao điểm. Các hộ dân trong khu vực cũng từng bước điều chỉnh mặt hàng kinh doanh cho phù hợp với khu vực sang trọng, văn hóa này.
Cùng với đó, TP cũng nghiên cứu từng bước giãn dân ra ngoài khu vực để thuận tiện cho sinh hoạt, giảm mật độ dân cư khu vực nội đô lịch sử theo quy hoạch đã được phê duyệt. “Khi đó sẽ chỉ còn là các chức năng kinh doanh dịch vụ mà không còn chức năng ở tại các không gian sinh hoạt công cộng này” – đại diện UBND quận nhận định.
Tiếp tục thí điểm để hoàn thiện không gian đi bộ
Song theo TS.Nguyễn Hồng Sơn – Viện trưởng HISED, vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức không gian này, nhiều giá trị chưa được khai thác, phát huy hiệu quả, nhất là giá trị của những kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể vô giá, gắn liền với lịch sử của Thủ đô. Theo nhìn nhận của quận Hoàn Kiếm, hạn chế của không gian đi bộ là sản phẩm chất lượng và tiêu biểu, các dịch vụ tiện ích, phân luồng giao thông động và bố trí các điểm giao thông tĩnh (bãi đỗ xe). Giải quyết được những vấn đề này sẽ tạo ra một không gian đi bộ thực sự có ý nghĩa và đúng mục đích đề ra khi thí điểm tổ chức không gian này.
Giải đáp những băn khoăn của cử tri quận Hoàn Kiếm về tổ chức không gian đi bộ ở khu vực này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, ngày mai (19/12), TP sẽ có văn bản xin ý kiến Thường trực Thành ủy về việc tiếp tục tổ chức không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thêm 6 tháng (năm 2017) để có thêm thông tin về điều tiết giao thông, khắc phục một số tồn tại.
TP cũng đã xác định nhiều đầu việc để khai thác giá trị của không gian đi bộ để tạo không gian vui chơi thực sự cho người dân. Theo đó, trong năm 2017, Sở VHTT&DL và Vietnam Airline đang phối hợp chuẩn bị để tổ chức Lễ hội hoa anh đào (20-23/3), tổ chức biểu diễn của giàn nhạc giao hưởng của Anh; hàng tháng, hàng quý mời các địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa vùng, miền tại không gian đi bộ.
Hàng năm sẽ tổ chức văn hóa ẩm thực các nước (do đại sứ quán các nước mời đầu bếp, ban nhạc biểu diễn); sắp xếp lại văn hóa ẩm thực, phi vật thể của Hà Nội tại khu phố đi bộ; tổ chức cho các văn nghệ sỹ trưng bày tác phẩm tại các khu vực nhất định. Tổ chức mô hình bán hàng cung cấp dịch vụ cho người dân (máy bán hàng tự động, quầy bán hàng lưu động…); cải tạo gạch lát bằng đá tự nhiên; sửa lại hệ thống chiếu sáng, bổ sung thêm ghế, bố trí cây nước uống tự động (theo mẫu từ thời Pháp)…
Chỉnh trang vườn hoa Lý Thái Tổ. Hàng năm có lễ hội làng nghề (giao Sở Công Thương) được thông tin kế hoạch để người dân cả nước và khách du lịch có thể tham quan. Chụp ảnh miễn phí ở một số di tích quanh hồ. Đặc biệt, 57 hộ quanh hồ sẽ được cải tạo mặt tiền để làm đẹp cảnh quan chung, tạo không gian văn hóa yên bình. Xử lý toàn diện môi trường nước hồ Hoàn Kiếm bằng công nghệ hóa chất của Đức.
Sở VHTT&DL đang xây dựng quy chế phố đi bộ và TP cũng sẽ cấm đỗ xe ở phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt vào các tối cuối tuần, mở rộng một số điểm trông giữ xe cho phố đi bộ.
TP cũng sẽ vận dụng cơ chế yêu cầu người bán hàng trong khu vực phố đi bộ đóng góp kinh phí trồng hoa, trang trí xung quanh khu vực hồ để góp phần tạo cảnh quan và tăng cường trách nhiệm của họ đối với không gian chung mà họ được khai thác, kinh doanh.