Hàng trăm ngôi nhà mới
Năm 1993, quần thể di tích Huế được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Khu Eo Bầu, Thượng Thành và các di tích nằm trong Kinh thành Huế trở thành khu vực I bảo vệ di tích. Theo Luật Di sản, đây là nơi cấm xây dựng, giữ nguyên hiện trạng. Tuy nhiên, trước và sau năm 1975, hàng nghìn hộ dân đã lên khu vực Thượng Thành, Eo Bầu và các khu di tích nằm trong Kinh thành Huế sinh sống, xây dựng nhà cửa.
Nhiều năm qua, người dân khu vực này đều mong muốn được di dời tới nơi ở mới vì nơi đây nhếch nhác, ô nhiễm. Đến ngày 10/12/2018, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực được Thủ tướng phê duyệt.
Ngoài việc hỗ trợ 100% giá trị về đất bằng giá trị đền bù với những trường hợp lấn chiếm đất di tích làm nơi ở, dự án còn kèm theo nhiều ưu đãi khác có lợi cho dân như: Hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tiền thuê nhà ở tạm cư, hỗ trợ đối tượng chính sách và hộ nghèo – cận nghèo, hỗ trợ di chuyển chỗ ở và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, hỗ trợ khi Nhà nước giao đất…
Theo đề án, sẽ di dời 4.200 hộ dân với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ. Chính quyền thu hồi gần 78ha đất ở phường Hương Sơ để bố trí 3.526 lô đất tái định cư (gồm cả dự phòng), diện tích mỗi lô từ 60-200m2.
Dự kiến, dự án di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh thành Huế gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2019-2021) hoàn thành khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh thành Huế gồm Thượng Thành, 24 Eo Bầu, hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ).
Từ 2022-2025 (giai đoạn 2) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (1.263 hộ).
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cho biết, hiện nay, TP đã hoàn thành công tác phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư cho gần 3 nghìn hộ dân. Trong đó, có 732 hộ đã được bố trí đất tái định cư và có chừng 300 hộ đã xây dựng nhà ở ổn định. Đồng thời, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đồng loạt cho người dân yên tâm xây nhà.
Các hộ dân đã được di dời chủ yếu là lao động phổ thông nên đời sống khó khăn, nhiều thế hệ phải chung sống trong những căn nhà tạm bợ, chật hẹp, điều kiện vệ sinh môi trường không đảm bảo. Do vậy, khi tới nơi ở mới ổn định cuộc sống lâu dài, an cư lạc nghiệp, ai cũng đồng thuận, vui mừng.
Hạnh phúc, khang trang
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, thời tiết ở Huế nắng ráo, tìm về khu tái định cư Hương Sơ (phường Hương Sơ, TP Huế) dành cho cư dân Thượng Thành sang sinh sống, hình hài các dãy nhà được xây dựng kiên cố, liền kề hiện ra trước mắt với những tuyến đường được quy hoạch bài bản. Hệ thống điện, đường đều đã hoàn thành. Cách đó không xa, trường mầm non đang được xây dựng.
Cuối năm qua, 25 ngôi nhà dành cho hộ nghèo được chính quyền xây dựng theo hình thức “chìa khoá trao tay”, hỗ trợ từ tiền đất đến xây dựng. Mỗi căn nhà có diện tích khoảng 60m2, bao gồm 1 tầng và 1 gác lửng, kinh phí xây dựng khoảng 200 triệu đồng.
Các căn nhà tái định cư được xây dựng kiên cố cùng với những tuyến đường được quy hoạch bài bản. |
Bên cạnh các dãy nhà thẳng tắp, gia đình anh Đặng Thành (26 tuổi) đang dựng rạp để cúng Tất niên, chủ nhà rất vui khi qua ở nơi mới. “Trước đây có đất đâu mà làm, giờ có nhà lại rộng rãi nên tôi làm gần chục mâm để cúng, mời khách. Nơi đây khang trang khiến ai nấy đều hạnh phúc”.
Như anh Thành, hàng xóm nơi đây cũng đã bắt đầu rộn tiếng cười và niềm vui hân hoan của người dân từng ở chốn Thượng Thành đến đây sinh sống, đón cái Tết đầu tiên. Những ngôi nhà kiểu mẫu đã chính thức làm “nhân chứng” chứng kiến cuộc di dân lịch sử ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, đánh dấu cuộc đời sang trang mới của các thế hệ người dân sống ở đất di tích.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, người dẫn bà con đi xem vị trí đất, cũng là người trao tận tay chìa khoá, dẫn người dân vào ngôi nhà mới của chính họ. Toàn bộ số tiền được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế huy động từ nhiều nguồn để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho bà con.
Ông Thọ cho biết, đề án di dời dân cư khu vực 1 Di tích Kinh thành Huế đã có những thành công rõ ràng. Quá trình xây dựng, triển khai đề án đã nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng Chính phủ rất ủng hộ, chia sẻ khó khăn của bà con cũng như việc bảo tồn Di sản Huế.
“Các hộ dân ở Thượng Thành cơ bản đã làm nhà và ổn định cuộc sống. Đây là năm đầu bà con được ăn Tết trên khu tái định cư. Với cá nhân tôi nhìn nhận, cái Tết năm 2021 này, chắc cũng là cái Tết vui vẻ nhất của bà con từ trước đến nay khi đến nơi ở mới. Bên cạnh việc an cư của người dân, chúng tôi sẽ có tính toán và hướng dẫn để bà con về lâu dài có thể làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực vừa về tái định cư. Cuộc sống ổn định, công ăn việc làm của bà con sẽ được chúng tôi tiếp tục quan tâm”, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định.
Giấc mơ thành sự thật
Hầu hết người dân được nhận nhà thuộc diện nghèo khó, sống bằng các công việc lao động phổ thông. Cuộc đời nhọc nhằn buộc họ phải sống trên Thượng Thành trong tình trạng kham khổ và thấp thỏm chuyện di dời.
Bà Võ Thị Nhật (68 tuổi, ngụ khu E40) cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn trong ngôi nhà mới xây trên diện tích đất tái định cư của gia đình mình. Vợ chồng bà xây căn nhà 250 triệu đồng được Nhà nước cùng doanh nghiệp ủng hộ hết.
Bà Nhật nói: “Ở chỗ cũ, căn nhà chỉ 30m2 nhưng là nơi sinh sống của vợ chồng tôi cùng với 4 người con và 12 đứa cháu; vào mùa mưa thì ướt dột, mùa nắng chật chội và nóng nực. Khi được chuyển đến đây, chúng tôi thấy cuộc sống đỡ vất vả hơn, sau này con cái có tương lai hơn, lấy vợ, lấy chồng có chỗ để ở”.
Trước đây bà sống bằng nghề bán rau hành, giờ có thêm nghề bán xôi, thu nhập ổn hơn. “Từ chỗ ở cũ trên Thượng Thành đến ngôi nhà xây mới trên khu tái định cư Hương Sơ là một hành trình, vào nhà mới rồi tôi vẫn cứ nghĩ mình đang mơ. Phận đời cơ cực cũng sẽ qua, rồi đây thế hệ con cháu chúng tôi sẽ thôi những đêm trằn trọc, âu lo…”.
Bà Nhật tiếp tục: “Lãnh đạo tỉnh đã thực hiện đúng lời hứa với dân nghèo Thượng Thành. Từ ngày khởi công cho đến nay, lãnh đạo tỉnh thường xuyên ra kiểm tra, chỉ đạo tiến độ công trình. Đây thực sự là ngôi nhà trong mơ của những người dân nghèo như chúng tôi”.
65 tuổi là 65 năm gắn bó với “ổ chuột” ọp ẹp ở đường Ông Ích Khiêm, nơi vợ chồng ông Phan Văn Tuyền (ngụ khu D20) sinh sống, giờ ông cùng các thành viên trong gia đình đã đến nơi ở mới này được hơn 3 tháng. Những ngày đầu ở đây, cụ ông này cảm nhận được sự thoải mái, dễ chịu nơi mảnh đất mới.
Gần Tết, ông Tuyền thấy ấm cúng vì bàn thờ ông bà khang trang, nhà cửa ổn định. Tết tới sẽ vui vẻ hơn, con cháu đoàn tụ. Ra Tết, ông sẽ gả con gái đầu lòng; giờ đã tự tin để mời bà con, lối xóm tới dự.
“Đời mình nghèo, mô dám mơ về một căn nhà như ri. Nên chừ đã vô ở mấy tháng trời vẫn cứ ngỡ ngàng, sướng như trúng số. Đây sẽ là cái Tết đầu tiên của tôi trong nhà mới, cả nhà sẽ tụ họp, chụp ảnh kỷ niệm để nhắc nhở con cháu sau này về một cái Tết không thể nào quên”, ông Tuyền nói.
Sống “bám” vào di tích, hầu hết đều là người nghèo, đạp xích lô, xe thồ, thợ hồ, bốc vác, làm mướn… Nhiều năm qua, họ luôn có giấc mơ có nơi ở mới, khang trang, sạch sẽ hơn, cho đến khi Đảng, Nhà nước, chính quyền cùng quyết tâm thực hiện. “Những người dân cùng cực chúng tôi đã có một ngôi nhà mới, nhờ sự nỗ lực của chính quyền, trong đó có sự góp sức không nhỏ của Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ. Chúng tôi biết ơn bác Thọ rất nhiều”, một người dân nói.
Những hàng cây nơi con đường chạy ngang trước nhà của họ, chỉ một thời gian nữa sẽ đâm chồi nảy lộc, rồi vươn cao, chẳng mấy chốc mà phủ xanh rợp bóng. Cuộc sống của những người dân nghèo từng bám Kinh thành Huế đã sang trang mới, chắc chắn sẽ tươi đẹp hơn.