Cái kết đẹp của những “vầng trăng khuyết”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ba mươi lăm cặp đôi vợ chồng người khuyết tật tiêu biểu xuất hiện trong chương trình “Hạnh phúc vầng trăng khuyết” là ba mươi lăm hoàn cảnh khác nhau, họ đều phải trải qua nhiều thử thách, khó khăn. Dưới đây, là câu chuyện của anh Nông Văn Chuân – chị Nông Thị Huyến, anh Đỗ Duy Hưng – chị Đỗ Diệu Hương là hai câu chuyện đáng ngưỡng mộ trong số đó...

Những đám cưới vượt lên mọi rào cản

“Không những gia đình nhà ngoại phản đối, mà rất nhiều bà con hàng xóm trong thôn của vợ tôi đều ngăn cản cuộc hôn nhân này”. Đó là chia sẻ của anh Nông Văn Chuân (sinh năm 1979) – một người khuyết tật bẩm sinh, hiện đang là Bí thư Chi bộ tại thôn Khau An – huyện Na Rì – tỉnh Bắc Kạn. Anh Chuân gặp chị Nông Thị Huyến (sinh năm 1982) trong một lần đi chơi với bạn bè khi cả hai còn là học sinh. Hai anh chị sống chung một xã, nhưng khác thôn.

Anh Chuân vốn là một thanh niên ham học, thông minh, nhưng trầm tính, tự ti về bản thân. Vợ anh lại là một cô gái gần gũi, thân thiện, chị chính là người chủ động đến với chàng thanh niên đã thu mình khỏi thế giới. Dần dần, anh Chuân mở lòng với chị Huyến, hai người thường xuyên viết thư trao đổi về học tập, cuộc sống với nhau. Chẳng biết từ bao giờ, hai anh chị đã yêu thương nhau.

Tuy nhiên, không phải ai ở trong xã cũng như chị, vào những năm 2000 đổ về trước, tại nơi anh Chuân sinh ra và lớn lên, bà con trong thôn còn lạc hậu, mọi người coi những người khuyết tật là xui xẻo. Anh thường xuyên bị kỳ thị, rất nhiều người không muốn đến gần hay tiếp xúc với anh. Thời gian đầu, hai anh chị cũng chưa thể vượt qua được rào cản gia đình, dị nghị xã hội, nên đành âm thầm kéo dài mối quan hệ. Phải mất đến bốn năm, cặp đôi mới được gia đình chị Huyến chấp thuận để làm đám cưới và về chung một nhà.

Trải qua nhiều thử thách, anh Hưng và chị Hương đã có được cuộc hôn nhân viên mãn. (nguồn: NVCC)

Trải qua nhiều thử thách, anh Hưng và chị Hương đã có được cuộc hôn nhân viên mãn. (nguồn: NVCC)

Giống với câu chuyện của gia đình anh Nông Văn Chuân, anh Đỗ Duy Hưng (sinh năm 1977) – chủ một trại nuôi ong, hiện đang sinh sống tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cũng đã từng gặp rất nhiều rào cản khi đến với chị Đỗ Diệu Hương (sinh năm 1983). Anh Hưng nhập ngũ năm 1998, sau đó được phân công về Tiểu đoàn Pháo binh 703. Trong một chuyến đi công tác, anh không may gặp tai nạn, dẫn đến thương tật vật lý đến 71%. Anh trở về quê, từ bỏ ước mơ trở thành một sĩ quan pháo binh.

Năm 2002, anh Hưng quen chị Đỗ Diệu Hương – lúc đó đang là một cô cán bộ đoàn năng nổ, hiền lành, nhanh nhẹn. Chị Hương khi đó mười tám tuổi, còn anh Hưng đã hai mươi sáu tuổi. Anh quen biết chị Hương khi được bạn bè chung của hai người giới thiệu. Còn chị Hương đã nghe kể về chàng quân nhân tên Hưng, ngay từ khi anh còn đang phục vụ trong Tiểu đoàn Pháo binh. Chị Hương từng kể với anh: “Ngay từ lần đầu gặp nhau, em đã có ấn tượng không thể nào quên đối với anh”. Và ấn tượng đó cứ dần nuôi dưỡng tình cảm trong chị Hương, để rồi chị bắt đầu thương nhớ chàng trai giàu nghị lực từ khi nào không hay.

Anh kể lại: “Cuộc hôn nhân của chúng tôi nhận được sự phản đối mạnh mẽ từ hai người em vợ đến tận phút cuối cùng”. Ban đầu, gia đình, họ hàng nhà chị Hương phản đối quyết liệt. Lý do duy nhất vì anh là người khuyết tật, bố mẹ chị Hương lo anh không thể đảm bảo cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ được cho con gái họ. Dù sau đó, anh Hưng thuyết phục được bố mẹ chị, nhưng hai người vẫn còn đứng trước sự phản đối từ nhiều thành viên trong gia đình nhà gái. Thậm chí, anh chị còn bị dùng dao uy hiếp ngay trong đám cưới của mình.

Hôn nhân không chỉ có màu hồng

Sau khi kết hôn, anh Chuân và chị Huyến dọn ra ở riêng. Anh tâm sự: “Thời gian đó, hai vợ chồng rất khó khăn, không có việc làm, chưa có một kỹ năng nào nổi trội, đặc biệt là không có thu nhập”. Chị Huyến tốt nghiệp trường nghề nhưng chưa có việc làm. Anh Chuân gặp khó khăn khi xin việc, đi đến đâu, họ cũng từ chối, lý do vì anh là người khuyết tật. Lúc ấy, có việc lặt vặt nào trong thôn, trong xã cần người, anh đều nhận làm để có thêm tiền bạc chi trả cho cuộc sống. Sau một thời gian, hai vợ chồng anh cũng đón đứa con đầu lòng. Thế nhưng vì còn trẻ, không có kinh nghiệm chăm con, lại thêm kinh tế gia đình bấp bênh, nên con anh đã bị suy dinh dưỡng.

Anh chia sẻ lại kỷ niệm: “Con tôi sinh ra vốn bình thường, nhưng thấy cháu ngày một yếu đi, hai vợ chồng lo lắng, liệu con bị khuyết tật như bố không?”. Hai anh chị dù nghèo, nhưng vẫn cố gắng chạy chữa cho con khắp nơi. Anh Chuân nhớ về kí ức mà anh sẽ không bao giờ quên. Đó là một đêm mưa gió, mái nhà lợp đơn sơ bị thổi tung, hai vợ chồng co ro trong căn nhà nhỏ: “Lúc ấy, chồng cầm ô che, vợ ngồi dưới ôm con nhỏ đang bị bệnh”. Hai anh chị cũng tủi thân, cũng buồn, nhưng chỉ biết cười và động viên nhau hy vọng vào tương lai: “Cố gắng lên, ngày mai rồi bầu trời sẽ lại sáng!”.

Khác với anh Chuân, sau đám cưới, anh Đỗ Duy Hưng dần có được tình cảm của gia đình, họ hàng nhà vợ. Những người em vợ sau khi tiếp xúc và hiểu anh hơn, đã phải nói: “Anh là con người được quân đội đào tạo ra, cách sống của anh khiến bọn em rất nể phục”. Bản thân anh Hưng cũng là người tháo vát, dù khuyết tật, không làm được những việc nặng nhọc, nhưng anh quyết tâm học nghề cắt tóc, nuôi ong – những nghề nghiệp đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo phù hợp với tính cách và sức khỏe của anh lúc bấy giờ.

Bằng nghị lực phi thường, anh Chuân và chị Huyến đã vượt qua mọi khó khăn để có thể về chung một nhà. (nguồn: NVCC)
Bằng nghị lực phi thường, anh Chuân và chị Huyến đã vượt qua mọi khó khăn để có thể về chung một nhà. (nguồn: NVCC)

Tuy nhiên, không phải lúc nào, cuộc sống cũng dễ dàng đối với anh. Anh Hưng kể lại: “Gia đình chúng tôi vốn làm nông, vợ tôi lại tham công tiếc việc, ruộng người khác bỏ đến đâu, vợ tôi lập tức thuê lại, sau đó cào đất, trồng 5-6 tấn ngô”. Đối với anh, khổ nhất khi vào mùa gặt, đặc biệt là vào tháng mưa bão, vợ anh một mình làm không xuể, bao nhiêu lúa, ngô bị thiệt hại. Đó là những lúc anh cảm thấy nản chí trong cuộc sống này, vì không thể cùng vợ gánh vác những khó khăn, nặng nhọc trong việc đồng áng. Những lúc ấy, hai anh chị chỉ biết cùng động viên nhau nỗ lực để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống này.

“Cảm ơn em đã đồng hành bên anh!”

Đối với anh Hưng, chị Hương là một hậu phương vững chắc. Từ một chàng trai bất ngờ bị tai nạn tước mất đi hoài bão, ước mơ, hiện nay, anh có thể tự tin bước đi bằng đôi chân giả của mình. Anh Hưng đã mở trang trại nuôi ong lấy mật, anh chị đã nuôi trên 80 đàn ong, ngoài việc bán mật ong, anh còn dạy nghề miễn phí cho người khuyết tật và cả những người bình thường khác.

Anh chia sẻ: “Tôi luôn mong ước được giúp đỡ mọi người. Một phần vì chính bản thân tôi thấu hiểu được sự khó khăn trong cuộc sống này, mặt khác, tôi cũng từng là quân nhân, từng mơ ước được bảo vệ đồng bào, hỗ trợ mọi người”. Vì vậy, anh thường giúp đỡ cho rất nhiều người, đặc biệt là dạy nghề: “Dạy nghề giống như cho họ một cái cần câu, giúp họ có thể tự mưu sinh”. Còn chị Hương lặng lẽ đồng hành bên anh trên mỗi hành trình, san sẻ khó khăn, ủng hộ những quyết định của chồng.

Dù đã hơn hai mươi năm trôi qua, anh chị vẫn nắm chặt tay nhau, mỉm cười hạnh phúc. Trong khoảnh khắc hai anh chị nhìn nhau, khi được hỏi về một kỷ niệm hạnh phúc nhất, anh Hưng tâm sự: “Một kỷ niệm lập tức hiện lên trong đầu tôi, là khoảnh khắc chúng tôi chào đón đứa con đầu lòng. Đó là kết tinh hạnh phúc mà hai vợ chồng vun đắp lại, minh chứng tình yêu chúng tôi”. Lúc đó, anh thật sự cảm thấy biết ơn vợ mình, biết ơn vì chị đã dịu dàng đến bên anh, trao cho anh hiện tại và cả tương lai. Đặc biệt hơn, cùng anh xây dựng một gia đình hạnh phúc như anh đã từng mơ ước.

Tương tự, anh Nông Văn Chuân cũng khẳng định chắc nịch: “Vợ là một động lực to lớn cho bản thân tôi!”. Chị Huyến đến với anh, đưa cậu thanh niên tự ti, thu mình trước bạn bè đến với cuộc sống đầy sắc màu của tình yêu. Sau những nỗ lực của hai vợ chồng, kinh tế gia đình dần ổn định, anh quyết định “tách hộ, nhập thôn”, tham gia phong trào, sinh hoạt cộng đồng trước ánh mắt nghi ngờ của mọi người, rất nhiều lần anh tưởng sẽ bỏ cuộc. Nhưng, bằng cố gắng không ngừng nghỉ của bản thân, anh đã được người dân trong bản làng mở lòng. Vào năm 2013, anh trở thành trưởng thôn, với tổng số phiếu bầu lên đến hơn 50%.

Anh kể lại: “Đôi khi hàng xóm, láng giềng điều ra tiếng vào rất nhiều. Họ nghĩ rằng việc gia đình tôi lo chưa xong, sức khỏe lại không có, mà cứ muốn tham gia vào các công tác xã hội, thôn xóm”. Thậm chí có nhiều người nói thẳng như vậy với vợ anh. Nhưng chị Huyến bỏ mặc ngoài tai tất cả điều đó, chị luôn sát cánh bên anh Chuân, tin tưởng chồng sẽ thành công trên con đường mà anh đã chọn.

Thực tế đã chứng minh, vào năm 2020, nhờ vào uy tín của bản thân và sự yêu mến của mọi người, anh Chuân đã tiếp tục được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Khau An, đến nay được hai nhiệm kỳ. Hiện tại, anh đã có sự nghiệp vững chắc của riêng mình, chị Huyến cũng mở một cửa hàng may nhỏ, con trai lớn của anh chị đang học tại Trường sĩ quan chính trị, con út năm nay 5 tuổi, cả hai cháu đều ngoan ngoãn và khỏe mạnh.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.