Vác cây đập chết bé gái 7 tuổi
Khu vực nhà Trung có khoảng hơn 10 gia đình sống cạnh nhau, quây thành một xóm. Ở đây bà con đều thuộc diện hộ nghèo, nhiều căn nhà cấp bốn lụp xụp nằm xen kẽ với chuồng trâu, chuồng bò. Thế nhưng từ ngày Trung được Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng trả về, dù nghèo cỡ nào, nhà nào cũng ráng bấm bụng xây thêm cổng, ai túng quá đành mua thép lưới rào nhà.
Thấy Trung “lúc nắng lúc mưa”, có thể đánh người bất cứ lúc nào, người dân trong thôn vô cùng cảnh giác. Riêng gia đình người hàng xóm Đỗ Đình Dũng (SN 1976) vừa có mối quan hệ xóm làng, vừa là cháu ruột, thì lại không.
Thương xót người chú bất hạnh, gia đình anh Dũng thường qua lại chăm sóc, đỡ đần từng bữa ăn. Đôi lần, Trung chữa bệnh trở về, có vẻ tâm trí trở lại bình thường, vợ chồng con cái trong nhà anh Dũng chủ quan. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến cái kết cục đau lòng của bé Đỗ Mai Thanh Thuận (7 tuổi, con gái anh Dũng).
Sự việc đã qua, nhưng ngồi trước bàn thờ con, anh Dũng cứ đưa tay đấm ngực thùm thụp tự trách mình chủ quan mới để đứa con gái bé bỏng chết tức tưởi.
Di ảnh bé gái xấu số |
Thường ngày, cháu Thuận vẫn gọi ông Trung là “nội Sáu”. Khoảng một tuần trước khi bị đánh chết, bé Thuận để lạc mất sợi dây buộc tóc, tìm mãi không được. Đến chiều tối ngày 17/6/2014, Trung sang nhà cháu xem vô tuyến như thường lệ. Cháu Thuận phát hiện trên tay “nội Sáu” có đeo dây buộc tóc của mình, mới giận dỗi hỏi: “Sao nội Sáu lấy dây buộc tóc của con?”.
Đòi được dây buộc tóc xong, bé Thuận nói tiếp: “Thôi nội Sáu đi về ngủ đi”. Nghe con nói như vậy, anh Dũng mắng con không được hỗn với ông. Trung bỏ về nhà, không hề tỏ thái độ gì.
Khoảng 6h sáng ngày hôm sau 18/6/2014, anh Dũng gọi bé Thuận dậy chuẩn bị đến trường học. Thấy con thức dậy ra giếng rửa mặt, anh đi chợ mua đồ ăn sáng cho con. Một lát, anh đạp xe về đến cổng, điếng hồn thấy con gái đã gục ngã dưới đất.
Trung đứng bên cạnh, tay cầm khúc cây, chỉ về phía Thuận, ra hiệu cho anh Dũng biết mình vừa đánh cháu. “Thấy chú Trung chỉ về con gái, tôi hốt hoảng chạy lại dìu con, nhưng cháu đã bất tỉnh, đầu sưng vù, máu chảy đẫm tóc”, cha đứa trẻ thuật lại.
Vội gọi người thân cùng đưa cháu đi cấp cứu. Đến trưa cùng ngày, trên đường từ Quảng Ngãi chuyển ra Đà Nẵng, đứa bé trút hơi thở cuối cùng.
Công an tỉnh Quảng Ngãi vào cuộc điều tra. Từ kết quả khám nghiệm tử thi, xác định nạn nhân bị đánh bảy nhát vào đầu dẫn đến tử vong. Hung khí là khúc gậy gỗ Trung chuẩn bị sẵn từ đêm trước.
Công an bắt tạm giam Trung, đối tượng cho biết, vì cháu Thuận “mắng” mình nên bực tức cả đên, sáng ra rình lúc vắng người đã ra tay đánh đập.
Cha nạn nhân nức nở: “Tối đó tôi cũng sợ chú Trung sẽ nổi điên, nhưng sau đó thấy chú đi về, tôi không lo lắng gì nữa, cứ chủ quan xem mọi việc như thường. Không ngờ vừa thức dậy, bé Thuận đã bị ông đánh chết”.
Nhà nghèo, ngày bé Thuận mất, hàng xóm mỗi người góp một ít tiền để lo hậu sự cho đứa bé bất hạnh. Chôn con xong, mẹ bé gái vừa để nguôi ngoai nỗi đau, vừa để trả nợ nên vào Sài Gòn bán vé số.
Tháng 10/2015, Trung chữa trị xong, bị trả về địa phương. Tháng 11, Trung có biểu hiện thần kinh không bình thường trở lại. Từ ngày Trung bị trả về quê, cuộc sống cả làng đảo lộn.
Vô số lần truy sát người vô tội
Ông Nguyễn Lân, trưởng thôn Kim Lộc cho biết, người dân làm vậy vì lo sợ án mạng có thể tiếp xục xảy ra. Đặc biệt, hơn một tuần nay, Trung lại có biểu hiện nói nhảm, đi lang thang trắng đêm, ban ngày cưỡi xe lạng lách. Bà con viết đơn thỉnh cầu nhờ các cấp chính quyền can thiệp, nhưng đều được trả lời đại ý “không có cơ sở và năng lực giải quyết”.
Trung chỉ còn người mẹ hơn 80 tuổi |
Trung bị bệnh tâm thần phân liệt từ năm 2006. Mỗi lần lên cơn, Trung thường chửi bới, đánh đập vợ con. Vì không chịu đựng được người chồng lúc mê lúc tỉnh, năm 2008, vợ con Trung dọn về bên ngoại. Trung sống nhờ vào tiền hỗ trợ của anh chị em và sự giúp đỡ của họ hàng, làng xóm.
Sát vách nhà Trung là nhà người mẹ đẻ. Từ ngày con dâu cháu ngoại bỏ đi, người mẹ già đã hơn 80 tuổi ở một mình phải “chịu trận” thay. Không ít lần trưởng thôn phát hiện cụ bà bị Trung đánh bầm chân, sưng trán. Thế nhưng vì không muốn bỏ rơi con trai tâm thần, nên ai khuyên bảo kiểu gì, cụ cũng không chịu rời đi.
Không còn vợ con để đánh, Trung quay ra “xử” hàng xóm. Chị Nguyễn Thanh Danh (SN 1981, hàng xóm, từng là một trong nhiều nạn nhân của Trung), còn nguyên nét mặt kinh hoàng khi kể lại “kỷ niệm” bị Trung vác dao truy sát, chém đứt lìa ngón tay.
Đó là năm 2009, mẹ chồng chị đang ở nhà, bất ngờ bị Trung cầm cây xông vào tìm đánh, phải đến trạm xá xã cấp cứu. Chị Danh đang đi làm đồng, nghe tin chạy về nhà, tiếp tục bị Trung một tay cầm rựa, một tay cầm dao rượt đuổi.
Chị Danh bỏ chạy được một đoạn, bị vấp ngã, Trung bắt kịp vác rựa chém thẳng vào đầu. Thiếu phụ lấy hai tay ôm đầu nên nhát chém làm đứt lìa một ngón bàn tay phải. Sau lần gây án này, Trung được đưa đi chữa bệnh tại Bệnh viện tâm thần Quảng Ngãi sáu tháng.
Năm 2010, Trung tiếp tục lên cơn điên truy sát, đánh hai hàng xóm gồm bà Lê Thị Mai (SN 1967), và ông Đỗ Đình Thanh (SN 1944) thương tích nặng, phải nhập viện. Gia đình đưa Trung đi chữa trị lần hai hơn sáu tháng. Sau đó Trung khỏi bệnh, trở về, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại tái phát.
Cuối năm 2012, Trung dùng cây đánh vào đầu cháu Đỗ Thành Nam (lúc này mới tám tháng tuổi) phải đưa ra tận Đà Nẵng cấp cứu. Qua nhiều lần gây án, chính quyền địa phương và Công an huyện Sơn Tịnh đưa Trung ra Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng, thời gian điều trị được hơn một năm.
“Nếu chính quyền không đưa ông Trung vào trại cải tạo hay đi chữa trị, chắc nhiều hộ tính dỡ nhà chuyển đi nơi khác. Sống mà cứ nơm nớp lo sợ mất mạng, bỏ công việc để trông chừng người điên, thì sao sống được”, anh Dũng nói.
Ông Đào Dương Minh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Châu cũng vò đầu bứt tóc: “Ông Trung càng khó hơn vì không có người thân quản lý. Chính quyền rất lo lắng khi ông này đi ra ngoài và lên cơn bất thường. Luật hình sự chỉ quy định bắt buộc chữa bệnh tâm thần khi người bệnh có hành vi phạm tội, chứ không thể vô cớ cách ly họ. Biết làm sao bây giờ?”./.