Đến công ty có giấy tờ hợp pháp cũng làm giả nước đóng chai
Theo tin từ Đội Kinh tế, Công an quận Hoàng Mai, chiều ngày 24/12 công an phát hiện và bắt giữ Phạm Thanh Bình (29 tuổi, ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) điều khiển xe máy mang biển kiểm soát 30F6-7186 chở 10 bình nước khoáng thiên nhiên nhãn hiệu Lavie nghi là hàng giả.
Bình khai nhận, anh ta là nhân viên vận chuyển nước khoáng thiên nhiên cho Công ty cổ phần Hoàng Sa Việt Nam (ở số 26/230 đường Định Công, phường Định Công, quận Hoàng Mai) do Phạm Kim Thành làm Giám đốc. Tiến hành khám xét tại xưởng sản xuất nước uống đóng chai theo địa chỉ Bình khai, cảnh sát phát hiện nhiều nhãn Lavie và màng co nghi là giả.
Tại trụ sở công an, Phạm Kim Thành đã khai nhận về hành vi làm giả nước đóng chai Lavie của mình. Theo đó, Công ty cổ phần Hoàng Sa Việt Nam do Phạm Kim Thành làm Giám đốc có trụ sở và xưởng sản xuất tại số 26 ngõ 230 Định Công, phường Định Công (Hoàng Mai) đã làm giả rất nhiều sản phẩm nước khoáng thiên nhiên của nhãn hiệu Lavie. Tháng 2/2015, Thành tiếp quản xưởng sản xuất nước uống đóng chai Aloha. Lợi dụng việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm Lavie với Công ty TNHH Lavie, Thành có thể dễ dàng sản xuất, tiêu thụ hàng giả.
Bằng cách lấy vỏ bình nước khoáng thiên nhiên Lavie cũ, Thành cho nhân viên đóng nước vào rồi dán màng co, nhãn Lavie dán lên miệng bình. Sau đó, công ty mang đi tiêu thụ với giá ngang bằng sản phẩm thật là 55 nghìn đồng/bình.
Phía Công an quận Hoàng Mai cho biết, bằng cách làm giả này, Thành có thể chỉ mất dưới 10.000 đồng chi phí, trong khi chi phí sản xuất hàng thật gấp 2 – 3 lần số đó. Thấy lợi nhuận lớn từ việc làm giả nước khoáng Lavie, công ty này đã sản xuất hàng giả làm nhiều đợt, bán hết lại sản xuất tiếp. Với danh sách khách hàng 1.000 cơ sở nên lượng nước Lavie giả bị tuồn ra ngoài có thể rất lớn và khó có thể biết có bao nhiêu người đã sử dụng hàng ngày những bình nước không đảm bảo chất lượng từ Công ty cổ phần Hoàng Sa Việt Nam.
Màng bọc, nhãn mác giả. |
Cách phân biệt nước uống đóng chai thật – giả
Nước uống đóng chai ngày càng được nhiều người tin dùng vì được kiểm định chất lượng nguồn nước. Tuy nhiên, ngay cả với những sản phẩm được ghi đầy đủ các thông số theo quy định thì người tiêu dùng vẫn có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Như công ty của Thành, dù có uy tín, có hợp đồng hợp pháp nhưng vì lợi nhuận, Thành bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, sẵn sàng làm giả nước đóng chai Lavie bằng nước máy.
Mặc dù thủ đoạn làm giả nước đóng chai của các đối tượng rất tinh vi nhưng người tiêu dùng vẫn có thể phân biệt sản phẩm thật – giả bằng mắt thường. Chia sẻ với PLVN, Trung Tá Nguyễn Văn Trác (Đội Kinh tế, Công an quận Hoàng Mai) cho biết, hiện nay Công ty TNHH Lavie đã sử dụng màng co mới, công nghệ sản xuất nước đóng chai cũng tiên tiến. Màng co mới của Công ty TNHH Lavie hiện đang lưu hành có nền đỏ, chữ trắng, màng co dày, nhăn. Trong khi đó, màng co cũ của công ty cách đây 3 năm mỏng, phẳng hơn, có thể bóc dễ dàng.
Ngoài ra, với sản phẩm Lavie thật, nhãn không hề có chất dính vì nhà máy Lavie đã sử dụng công nghệ dán bằng nhiệt. Ngược lại, tem nhãn giả được bóc từ đề can ra để dính vào bình, người tiêu dùng khi bóc tem nhãn ra thấy có chất dính thì nên cẩn thận. Với 2 đặc điểm trên, người tiêu dùng có thể phân biệt được hàng thật, hàng giả dễ dàng.
Trên thực tế, không ít người khi phát hiện bị mua phải những sản phẩm giả, kém chất lượng tại các siêu thị, đại lý, cửa hàng kinh doanh... nhưng lại cam chịu, im lặng. Hành động này chẳng khác nào tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái lộng hành. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho chính bản thân mình, việc cần thiết là phải liên hệ với đại diện Hội Bảo vệ người tiêu dùng để phản ánh sản phẩm lỗi, có vấn đề./.