[links()]Phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” đối với bị cáo Đoàn Văn Vươn và các đồng phạm xảy ra tại xảy ra tại xã Vinh Quang, Tiên Lãng, TP Hải Phòng hồi tháng 1/2012 do TAND TP Hải Phòng tổ chức hôm qua bước sang phần xét hỏi đối với các bị hại.
Vật chứng vụ án tại phiên tòa. Ảnh: Doãn Tấn (TTXVN) |
Đoàn công tác làm việc theo đúng nhiệm vụ được phân công
Các bị hại có mặt tại tòa và được xét hỏi gồm Vũ Anh Tuấn, Lê Văn Mải, Đỗ Xuân Trường, Vũ Văn Phong và Đào Văn Đức (là công an huyện Tiên Lãng thời điểm xảy ra cưỡng chế, được huy động để bảo vệ cưỡng chế ngày 05/1/2012 tại khu đầm gia đình ông Đoàn Văn Vươn).
Trả lời trước Tòa, bị hại Vũ Anh Tuấn cho biết, khi tham gia vào Tổ công tác số 3, đảm bảo an ninh trật tự cho cưỡng chế, anh không mang vũ khí, không mặc áo giáp mà chỉ mặc trang phục Cảnh sát nhân dân đi vào khu đầm. Lý giải về điều này, anh Tuấn nói: “Đây là cưỡng chế hành chính nên Tổ công tác áp dụng phương pháp động viên, khi tiến vào đã dùng loa phóng thanh kêu gọi người nhà ra mở cửa, làm việc với đoàn cưỡng chế”.
Anh Tuấn cho biết, để vào khu đầm của anh em Vươn - Quý chỉ có một con đường bê tông độc đạo, theo đường này vào thì Tổ công tác chưa xâm phạm vào tài sản.
“Khi Tổ công tác tới gần hàng rào thứ nhất khoảng chục mét, bình gas thứ nhất phát nổ và tung lên. Tổ công tác tiếp tục tiến đến hàng rào thứ hai thì thấy anh Quý mở cửa sổ, bắn súng về phía chúng tôi. Tôi bị thương ngay phát súng đầu tiên, sau tôi còn nghe thêm 2-3 phát nổ nữa”, anh Tuấn tường trình.
Theo bị hại Vũ Anh Tuấn, việc vào khu đầm là do mệnh lệnh cấp trên và thực hiện đúng nhiệm vụ của người cảnh sát, bảo vệ an ninh trật tự cho cưỡng chế.
Tại phiên tòa, bị hại Lê Văn Mải (nguyên Trưởng Công an huyện Tiên Lãng) nói: “Lực lượng công an tham gia bảo vệ cưỡng chế là thực hiện đúng trách nhiệm của lực lượng nhằm bảo đảm an ninh trật tự”.
Theo đó, ông là người cùng Tổ công tác số 3 vào khu vực cưỡng chế, trong Tổ này có 2 người mặc áo giáp làm nhiệm vụ rà mìn, một cảnh sát hình sự có súng K54, những người khác có dùi cui hỗ trợ và có người cầm loa đi trước kêu gọi, động viên. Việc cưỡng chế hành chính chủ yếu là thuyết phục, động viên để anh Vươn chấp hành làm việc chứ không có việc dùng vũ lực hoặc có phương án nào khác.
Sau khi nhận được thông tin về việc có mìn nổ, ông Mải yêu cầu cán bộ tiếp tục rà mìn. Khi đến gần hàng rào thứ hai thì xuất hiện phát súng thứ hai. Ông Mải nói mình bị bắn vào sườn trái sau phát súng bắn vào anh Tuấn, trong khi thời điểm đó chưa có người nào trong lực lượng cưỡng chế dùng súng.
Theo bị hại này, khi được cõng ra phía ngoài, ông có nghe thêm một số tiếng nổ chát chúa. Ông Mải nói lực lượng của ông không được trang bị. Còn về hình ảnh cảnh sát cơ động trang bị súng AK tại khu vực cưỡng chế, ông cho biết, “sau này mới được biết là lực lượng tăng cường khi tôi bị thương”.
Người bị hại Đào Văn Đức khẳng định trước Tòa rằng, người nổ súng bắn anh bị thương ở ngón tay trái là Đoàn Văn Quý. Tại phiên tòa sáng 3/4, các bị hại Đỗ Xuân Trường, Nguyễn Văn Phong, Đào Văn Đức cùng khẳng định việc tham gia bảo vệ cưỡng chế trong vụ án này là đúng kế hoạch, theo mệnh lệnh của cấp trên và không được trang bị vũ khí và áo giáp.
Khi Tòa hỏi về yêu cầu bồi thường vật chất và tinh thần đối với người bị hại, cả 5 bị hại trên đều từ chối vì lý do “công tác trong ngành vũ trang, chi phí khắc phục đã được Nhà nước chi trả”.
Nổ mìn, bắn súng chỉ để cảnh báo?
Mặc dù các bị cáo nhận thức được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm cho lực lượng cưỡng chế, nhưng Đoàn Văn Quý vẫn cho rằng căn nhà đang ở là toàn bộ công sức của vợ chồng; bên cạnh đó, ngoài đầm bị cáo không còn chỗ nào khác để làm vì đã bán hết để dồn vốn vào đầm. Quý vẫn một mực cho rằng việc tạo mìn, bắn súng chỉ nhằm mục đích để cảnh báo, chứ không nhằm mục đích giết người.
Trả lời câu hỏi của Luật sư Trịnh Đình Triển, bị cáo Quý vẫn khẳng định vợ bị cáo (tức Hiền) và vợ Đoàn Văn Vươn là Nguyễn Thị Thương không được biết, bàn bạc, phân công nhiệm vụ trong việc chống lại đoàn cưỡng chế vì thời điểm làm hàng rào chưa có kế hoạch cưỡng chế mà chỉ để chống trộm. Bị cáo Quý đã đổ lỗi cho đoàn cưỡng chế bắn trước.
Theo kết quả giám định pháp y, các nạn nhân trong vụ án đều bị nhiều vết thương và giảm sức lao động, trong đó ông Lê Văn Ghi bị 16 vết thương, giảm 43% sức lao động; ông Đỗ Xuân Trường bị 9 vết thương, giảm 35% sức lao động; ông Lê Văn Mải bị 8 vết thương, giảm 25% sức lao động... Riêng bị hại Đỗ Xuân Trường còn một số viên đạn chưa lấy được, một số viên ở hốc mắt thì không lấy ra được. Ngày mai (4/4), HĐXX tiếp tục làm việc.
Hoài Lam