Hiện các huyện của tỉnh Cà Mau đã có dịch gồm: Phú Tân, Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển, Năm Căn. Ổ dịch mới nhất vào ngày 16/6 được ghi tại nhận huyện Thới Bình. Ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy tổng số 252 con lợn của 37 hộ nuôi nhiễm DTLCP trên toàn tỉnh.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai một số biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP nhưb rà soát, bố trí lại lực lượng thực hiện phòng,chống dịch; biện pháp kiểm soát dịch bệnh; phương pháp tiêu hủy; giảm tổng đàn để tránh thiệt hại; bảo vệ đàn lợn nái, kiểm soát chặt chẽ trong tái đàn.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành, địa phương liên quan rà soát thống kê số lượng Trạm, Chốt, lực lượng trên tất cả tuyến đường (bộ, thủy) từ tỉnh đến xã. Qua đó, xác định kinh phí hoạt động của lực lượng tham gia trực, chi phí cho dụng cụ, hóa chất, nhiên liệu hỗ trợ tiêu độc, khử trùng…để tổng hợp kinh phí thực hiện công tác phòng, chống bệnh DTLCP.
Thống nhất phương án kiểm soát dịch bệnh theo 3 bước là sử dụng nhiệt kế đo thân nhiệt để đánh giá sức khỏe lợn (phục vụ cho kiểm soát dịch bệnh và kiểm soát trước khi giết mổ); nếu như thân nhiệt lợn trên 40 độ C, chuyển sang lấy mẫu để test nhanh đối với bệnh DTLCP (chi phí test nhanh do Nhà nước chi); nếu như kết quả test nhanh dương tính thì lấy mẫu, gửi mẫu đi xét nghiệm tại các cơ sở xét nghiệm có chỉ định.
Tăng cường sản xuất, cung ứng các nguồn thực phẩm là thủy hải sản, gia cầm để thay thế thịt lợn |
Bên cạnh đó, việc giảm tổng đàn lợn để tránh thiệt hại cũng được ngành chức năng Cà Mau quan tâm, quản lý chặt chẽ. Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ đàn lợn nái để tái đàn sau khi đủ điều kiện được UBND tỉnh giao cho Sở NN&PTNT xây dựng phương án bảo vệ.
Trên cơ sở số liệu thống kê tổng đàn lợn trong tỉnh, xác định nhu cầu số lượng lợn nái phục vụ cho tái đàn; xác định các cơ sở đủ điều kiện tham gia bảo vệ đàn lợn nái trong thời gian có dịch bệnh. Đơn vị này cũng phải nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở tham gia kế hoạch bảo vệ đàn lợn nái chờ tái đàn.
UBND tỉnh Cà Mau cũng giao ngành chức năng tỉnh này phải nhanh chóng có kế hoạch bổ sung nguồn thực phẩm thay thế và có phương án tăng cường sản xuất, cung ứng các nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn sau khi giảm tổng đàn. Trong đó, có việc khuyến khích nhân dân trong tỉnh tăng cường sản xuất gia cầm (chú ý an toàn dịch bệnh), thủy sản để thay thế thịt lợn.