Công tác cải cách hành chính của Cà Mau được triển khai thực hiện trên tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện, với mục tiêu trọng tâm là: “Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm tính trách nhiệm, chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công”.
Có thể nhận thấy công tác cải cách hành chính của tỉnh Cà Mau trong giai đoạn 2011 - 2020 đã đạt được nhiều tiến bộ đáng phấn khởi: Hệ thống thể chế, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của tỉnh từng bước được hoàn thiện; có trên 1.000 thủ tục hành chính được rút ngắn thời gian giải quyết (chiếm trên 50% tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh); số hồ sơ giải quyết sớm và đúng hẹn đạt tỷ lệ rất cao (trên 98%); tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị được sắp xếp tinh gọn, phù hợp và hiệu quả hơn; thực hiện giảm biên chế công chức đạt 11,43% (theo quy định là 10%).
Sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên lĩnh vực giáo dục, y tế đạt 95% (quy định là trên 80%); việc xây dựng và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công trực tuyến, Hệ thống thông tin một cửa 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) góp phần đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tổ chức, cá nhân về giải quyết thủ tục hành chính...
Đặc biệt, theo quyết định công bố của Bộ Nội vụ, Chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh đạt 91,57%, xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đứng đầu các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân phát biểu tại Hội nghị tổng kết cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. |
Mặc dù có nhiều nỗ lực thực hiện cải cách hành chính, tuy nhiên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân, thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều mục tiêu của Kế hoạch chưa hoàn thành; nhiều nhiệm vụ tiến độ thực hiện còn chậm như: ban hành văn bản quy phạm pháp luật trung bình chỉ đạt 72%/năm, một số văn bản chất lượng còn hạn chế; còn 480 công chức, viên chức bố trí chưa bố đúng đề án vị trí việc làm được phê duyệt (tỷ lệ 2,02%);
Tỷ lệ hồ sơ thực hiện trực tuyến của các cơ quan hành chính còn thấp, chỉ đạt 4,32% (yêu cầu là từ 10% trở lên); việc thực hiện cơ chế tự của đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế, có đến 471/642 đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách đảm bảo toàn bộ chi hoạt động thường xuyên;
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước chưa được sâu, rộng (gần như chỉ mới triển khai ở việc xử lý văn bản và cung cấp dịch vụ công trực tuyến); vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh có vị trí xếp hạng thấp...
Cải cách hành chính tại Cà Mau góp phần nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức, đồng thời tạo thuận lợi và niềm tin cho người dân. |
Những nỗ lực trong cán bộ, công chức của Cà Mau trong việc thực hiện cải cách hành chính thời gian qua đã mang lại những hiệu quả tích cực, góp phần làm cho nền hành chính trở nên dân chủ, minh bạch, có tính chuyên nghiệp hơn.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau nhận thức rõ hiệu quả của cải cách hành chính góp phần đổi mới và nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức, đồng thời tạo thuận lợi và niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế -xã hội của Cà Mau.
Do đó, để nâng cao hiệu quả các kế hoạch cải cách hành chính, hỗ trợ tích cực cho người dân, các nhà đầu tư, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, nhất là những khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, Cà Mau sẽ tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ, nhất là cán bộ công chức làm việc thuộc các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân, vì dân” và “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ” nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, của cán bộ công chức.