Xây dựng kế hoạch sản xuất phục vụ xuất khẩu
Ngay từ đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm nhằm gia tăng sản lượng thủy sản đạt kế hoạch đảm bảo nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu thủy sản.
Đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận với các sản phẩm chủ lực (tôm, cua, sò huyết…). |
Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết: Để phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước trong thời gian tới, nhất là hướng đến xuất khẩu, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đã triển khai, xây dựng kế hoạch sản xuất trên các lĩnh vực ngư – nông – lâm nghiệp, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp phát triển như: Quy hoạch, phân vùng sản xuất ngư – nông – lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, phân ra các vùng sản xuất tập trung theo điều kiện lợi thế của từng vùng, từng địa phương phù hợp với quy hoạch 3 vùng sinh thái của tỉnh.
Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết nông hộ, liên kết vùng để sản xuất tập trung, quy mô lớn có tổ chức, quản lý để hình thành các vùng nguyên liệu đánh giá chất lượng vùng, kiểm soát vùng nuôi, kiểm soát an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc, gắn với mã số vùng trồng, vùng nuôi phục vụ xuất khẩu.
Đẩy mạnh củng cố, thành lập các HTX, đào tạo nâng cao năng lực hoạt động cho các HTX gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp nhất là phát triển các sản phẩm OCOP.
Khai thác quản lý, phát huy tốt các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đã xây dựng được bảo hộ với các sản phẩm “Tôm sú Cà Mau”, “Cua Năm Căn”, “Lúa sinh thái Cà Mau”, “Chuối Xiêm sinh thái Cà Mau”…. Cấp quyền cho các tổ chức cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất chế biến nông sản gắn với xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu chứng nhận nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Nâng cao năng lực sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn hướng đến xuất khẩu cho các chủ thể OCOP. Đồng thời, thiết kế lại mẫu mã bao bì và tem OCOP; xây dựng Kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, 5 sao. |
Cùng với đó, tỉnh Cà Mau cũng mời gọi các doanh nghiệp chế biến đầu tư vào các vùng nguyên liệu, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cải tiến thiết bị máy móc chế biến sâu nông sản, chế biến đa dạng các sản phẩm, phụ phẩm cây lúa, chuối nhằm nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng nông sản.
Phối hợp với các Sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại giới thiệu tiềm năng lợi thế sản xuất nông nghiệp của tỉnh, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng có chứng nhận các tiêu chuẩn, nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý hàng hóa nông sản trong hội nghị, hội chợ triễn lãm, phiên chợ… trong nước và Quốc tế.
“Để nâng cao năng lực sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn hướng đến xuất khẩu cho các chủ thể OCOP, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh lồng ghép các chương trình, dự án, chính sách để hỗ trợ Chủ thể phát triển sản phẩm như: thiết kế lại mẫu mã bao bì và tem OCOP; xây dựng Kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, 5 sao, hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, khuyến khích các chủ thể OCOP mở rộng quy mô sản xuất; đầu tư, ứng dụng thiết bị, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, hiện đại để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm, đảm bảo tăng trưởng bền vững” - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau nói.
Xuất khẩu tôm luôn là ngành đi đầu của tỉnh Cà Mau và mang lại kim ngạch xuất khẩu thuộc nhóm đứng đầu cả nước. |
Nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, hàng hóa xuất khẩu
Để nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, hàng hóa xuất khẩu, phát triển các mặt hàng phục vụ xuất khẩu trong thời gian tới, theo ông Dương Vũ Nam – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, chia sẻ: tỉnh Cà Mau đã xây dựng các nội dung hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu của tỉnh có thế mạnh như tôm đông lạnh, mực, cá, phân bón, bánh phồng tôm, cua biển, gạo, chuối,... phù hợp với các quy định của thị trường, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết; Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế; hỗ trợ, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp...
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng từ mặt hàng tôm và duy trì mặt hàng phân bón. Cùng với đó, phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới như: may mặc, chuối sấy, mít sấy, cua biển, gạo, các chế phẩm từ đầu vỏ tôm, bột cá,... Xây dựng thương hiệu sản phẩm; giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại các hội chợ quốc tế hoặc thông qua Thương vụ/Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức các hoạt xúc thương mại của khu vực, thế giới.
Tỉnh cũng hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn hữu cơ và các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, phát triển nền sản xuất xanh, sạch, bền vững...
Đến nay, tỉnh Cà Mau đã công nhận 128 sản phẩm OCOP của 61 chủ thể, trong đó có 06 sản phẩm đạt 04 sao, 122 sản phẩm đạt 03 sao, có 42 sản phẩm của 14 chủ thể được đưa vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh như: liên kết, phân phối cho các Trung tâm Thương mại - siêu thị - cửa hàng (Siêu thị Big C, Siêu thị CO.OPMART, CO.OP FOOD, cửa hàng thực phẩm an toàn, Siêu thị Aeon, MEGA Market, siêu thị Finelife supermarket, Fuji Mart, Top Go, siêu thị Tứ Sơn - An Giang, chuỗi cung ứng Nutrimart...).
Đặc biệt, tỉnh Cà Mau có 4 chủ thể (HTX Sông Đầm, Công ty TNHH SX-TM-XD Phúc Thịnh, Công ty CPXNK Vĩnh Hòa Phát, Công ty TNHH SX TM SK NONI) xuất khẩu các sản phẩm như tôm khô, bánh phồng tôm, nước cốt trái nhàu nguyên chất SK NONI qua các thị trường: Mỹ, Úc, Canada, Singapore, Hàn Quốc...