Nỗi ân hận tiếc tiền không tiêm phòng dại
Sau cái chết thương tâm của chị Hoàng Thị Hảo (38 tuổi, ngụ xóm 2, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), người dân nơi đây đang sống trong sợ hãi bởi không ít trong số họ từng bị chó cắn, chưa đi tiêm phòng. Nhiều người còn tiếp xúc gần gũi với gia đình nạn nhân khi chị này đang ủ bệnh.
Vẫn chưa hết sốc vì mất vợ đột ngột, anh Phan Trọng Cao (44 tuổi, chồng chị Hảo) ngồi ôm đứa con út mới 9 tháng tuổi, nghèn nghẹn: “Cũng vì chúng tôi chủ quan không đưa cô ấy đi tiêm phòng dại nên mới xảy ra bi kịch này. Cô ấy ra đi oan quá…”.
Theo chia sẻ của người đàn ông này, cách đó khoảng 2 tháng, vợ anh vào một nhà dân ở xóm khác mua phế liệu và bị con chó từ trong nhà xông ra cắn. Chị Hảo bỏ chạy nhưng vẫn bị con chó rượt theo, cắn vào gót chân chảy máu. Nghe vợ kể chuyện khi về nhà, anh Cao liền chở vợ đến Trạm Y tế xã Hưng Trung để băng bó vết thương.
Sau khi sơ cứu, nhân viên y tế khuyên vợ chồng anh nên đến bệnh viện huyện tiêm phòng dại. Tuy nhiên, vì đang cho đứa con 7 tháng tuổi bú sữa mẹ nên sau một hồi đắn đo, chị Hảo xin các bác sỹ chỉ tiêm phòng uốn ván, chứ không tiêm phòng dại.
Nói thêm về điều này, anh Cao cho hay: “Chúng tôi có chút e ngại vì trước đó có nghe một số người nói nếu tiêm phòng dại rồi con sẽ phải cai sữa, nếu không sau này sẽ ảnh hưởng đến trí não. Hơn nữa, trong nhà lúc đó cũng không đủ số tiền 1 triệu đồng để tiêm phòng dại nên mới xin thôi”.
Để đỡ lo, anh Cao đã đánh xe xuống thị xã Cửa Lò (Nghệ An) bốc thuốc nam của một thầy lang cho vợ. Nạn nhân sau khi uống vài thang đã khỏe hơn khiến người chồng có phần yên tâm. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, cũng đôi lần chị Hảo có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, nước miếng chảy ra.
Người chồng biết điều đó nhưng vì hoàn cảnh, 6 đứa con đang còn nhỏ nên chủ quan không đưa vợ đi khám lại. Mãi đến ngày 27/9, thấy vợ lên cơn co giật, sùi bọt mép, cơ thể mệt mỏi…anh Cao mới hốt hoảng gọi xe đưa vợ xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nghệ An cấp cứu, song đã quá muộn. Bác sỹ cho hay, nạn nhân đã phát bệnh dại nặng, không thể cứu chữa được.
Sau khi bị bệnh viện trả về, đến 13h cùng ngày, chị Hảo đã tử vong trong sự đau đớn tột cùng của gia đình, người thân.
Sự ra đi của người phụ nữ trẻ bị chó cắn khiến người dân địa phương hoang mang, lo lắng. Bởi chị Hảo không phải là trường hợp duy nhất tại địa phương bị con chó dại đó cắn.
Sau khi cắn chị Hảo, con chó bị bệnh dại đã cắn thêm một em bé ở xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), đồng thời cắn nhiều con chó khác trong làng. Nhiều người bị cắn và những người liên quan không đi tiêm phòng dại mà chỉ tiêm phòng uốn ván, đồng thời lấy thuốc nam, thuốc bắc về nhà sắc uống như chị Hảo.
Nguy cơ bùng phát ổ dịch
Cùng tâm trạng sống trong sợ hãi sau cái chết của chị Hảo, anh Nguyễn Danh Trung (37 tuổi, ngụ xóm 8, xã Hưng Trung) cho biết, hai tháng trước anh bị chó cắn, nhưng không đi tiêm phòng. Ít ngày sau, một số người biết chuyện liền khuyên anh đi bốc thuốc nam về uống để tiết kiệm chi phí.
Theo người đàn ông này, con chó cắn anh đã từng cắn 4 người khác, giờ nó bỏ đi đâu không ai biết. Tuy nhiên những người bị chó cắn đều rủ nhau đi bốc thuốc nam chứ không tiêm phòng.
Khi được hỏi lý do, người này không ngần ngại cho biết vì thuốc nam giá thành rẻ hơn nhiều so với đi tiêm phòng. Hơn nữa, nếu các thành viên trong gia đình anh đi tiêm cũng mất gần chục triệu đồng. Đó là khoản tiền không hề nhỏ khi thu nhập chỉ dựa vào nông nghiệp.
Lại nói về gia đình nạn nhân Hảo, sau khi chuyện buồn xảy ra, người thân vô cùng lo lắng bởi có khoảng hơn 20 người trong gia đình từng tiếp xúc với chị Hảo trong vòng 2 tháng qua. Họ cũng mới mua thuốc nam về uống chứ chưa đi tiêm phòng dù ai cũng lo sợ.
Nguy hiểm hơn cả là anh Cao và 6 đứa con, bởi từ khi chị Hảo đổ bệnh nặng, các con cứ quấn bên mẹ suốt ngày. Gia đình muốn đưa những đứa trẻ đi tiêm cho an toàn, nhưng tiền gom chưa đủ.
Đến 29/9, toàn xã Hưng Trung mới chỉ có thêm một người bị chó cắn đi tiêm phòng, số còn lại đang theo dõi vì con chó… đang còn sống.
Ngay sau khi nhận được tin nhiều người bị chó cắn và một người phụ nữ đã tử vong, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Nghệ An và Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên đã về họp cùng xã Hưng Trung để tìm biện pháp giải quyết.
Biện pháp khẩn cấp được xã đề ra là phải bằng mọi cách phải đưa số người bị chó cắn đi tiêm phòng. Đồng thời, tập trung theo dõi giám sát đàn chó và huy động nguồn lực tiêm phòng cho toàn bộ đàn chó trên địa bàn.
Trước sự việc đang gây xôn xao dư luận, ông Nguyễn Hữu Vịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Trung thừa nhận, trách nhiệm chính để xảy ra ổ dịch bệnh dại thuộc về chính quyền địa phương. Khi có chủ trương tiêm phòng cho đàn vật nuôi, xã đã có nhiều hình thức tuyên truyền cho người dân.
Tuy nhiên số lượng vật nuôi tiêm phòng tỷ lệ đạt thấp (chỉ có 400 con chó trên tổng đàn 2.246 được tiêm phòng; cá biệt nhiều xóm như xóm 2 chỉ có 10 con được tiêm); bị chó dại cắn, dẫu đã được tuyên truyền nhưng vẫn để người dân đi uống thuốc lá, thuốc bắc.
Ông Vịnh còn cho rằng hệ thống y tế xã và cán bộ xóm còn kém nhận thức. Cụ thể, trạm trưởng trạm y tế biết chị Hảo bị chó cắn đã lâu mà chưa phát bệnh nên chủ quan. Riêng bản thân ông trưởng xóm 2 cũng bị chó nghi dại cắn song không đi tiêm mà cũng sử dụng thuốc nam.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Nghệ An là một trong những tỉnh có số người mắc dại cao trên cả nước và có số ca tử vong đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn Nghệ An có 39 người tử vong do bệnh dại.
Bác sĩ khuyến cáo, khi bị súc vật nghi dại cắn, cần sơ cứu và đến các điểm tiêm phòng. Sau khi khám và hỏi han kỹ, bác sĩ sẽ chỉ định là tiêm văcxin hay không. Sẽ phải tiêm ngay nếu:
- Con vật lên cơn hoặc có biểu hiện nghi dại.
- Vết cắn ở đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục, kể cả khi chỉ bị sây sát nhẹ.
- Có nhiều vết cắn nguy hiểm, sâu.
- Không theo dõi được con vật.
- Tại nơi bị cắn có súc vật bị dại.
Trong các trường hợp sau, bác sĩ sẽ không tiêm mà dặn bệnh nhân theo dõi con vật trong 15 ngày:
- Vết cắn nhẹ, xa não.
- Con vật vẫn sống bình thường khỏe mạnh.
- Không phát hiện bệnh dại ở súc vật trong khu vực.
Người bị súc vật cắn cần rửa ngay thật kỹ vết thương bằng xà phòng đặc, nước muối đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn và iốt đậm đặc nhằm sát khuẩn, giảm thiểu lượng virus dại ở vết thương. Không làm dập nát vết thương và chỉ khâu trong 3-5 ngày.
Thuốc Nam không chữa được bệnh dại. Biện pháp duy nhất để cứu người bị súc vật dại cắn là tiêm văcxin và huyết thanh dại càng sớm càng tốt. Khi đã lên cơn dại thì 100% bệnh nhân tử vong.