Hôm cưới trời bất ngờ đổ mưa tầm tã càng khiến cho người làng tin rằng hai người sẽ khó mà sống được với nhau. Thế nhưng trải qua 10 năm chung sống, đến giờ, đôi vợ chồng đã có với nhau hai đứa con trai kháu khỉnh, thông minh và đang chung sống rất hạnh phúc.
Chứng kiến cảnh cả hai vợ chồng bước đi khập khiễng, khó nhọc, đạp xe chỉ được nửa vòng vậy mà dù đời có nghiệt ngã đến thế nào, họ vẫn đứng trên mọi gian khó để hướng tới tình yêu và hạnh phúc nhỏ nhoi.
Hai con người chung một nỗi đau
Tôi tìm về Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc ở phường Sao Đỏ, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương trong cái nắng gắt gao. Ông Lê Minh Đức, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Hồng Ngọc cho biết: “Đã ngót ngét 10 năm trôi qua kể từ ngày hai vợ chồng Xuân – Luân lấy nhau, đến nay 300 con người ở trung tâm vẫn không ngớt lời ca tụng tình yêu của đôi bạn trẻ…”.
Hà Duy Luân là con thứ ba trong gia đình có 6 anh em. Vốn nhanh nhẹn, thông minh nhưng sự đùa nghịch đã làm cho một đứa trẻ bình thường trở thành tật nguyền. Sự cố xảy ra vào năm 3 tuổi, anh bị gãy xương ống chân do vấp ngã. Qúa hốt hoảng khi thấy con bo chân khóc, lại do không hiểu biết người bố đã lấy mật gấu thoa lên chân.
Vết thương không những không khỏi mà càng nặng thêm, chỗ gãy bị sùi ra. Dù rất thương con nhưng gia đình lại không đủ điều kiện đưa đi chữa trị. Cũng vì đường đến bệnh xá quá xa nên đứa trẻ đành chấp nhận chịu đau đớn với chiếc chân gãy hàng tháng trời. Khi đến được nơi chữa trị thì chiếc chân không thể phẫu thuật được nữa.
Điều còn lại trong ký ức tuổi thơ của anh Luân là những tháng ngày nằm lì trên giường, nhịn ăn, nhịn uống, mãi đến khi mẹ vào dỗ dành anh mới gắng ăn hết bát cháo. Đang học lớp 3 anh phải bỏ học vì không đủ sức đi bộ 10km đến trường, vả lại cảnh nhà túng thiếu không đủ điều kiện cho anh theo học tiếp. Ngày nào cũng vậy, nằm nghe tiếng bạn í ới gọi nhau đi học, nước mắt anh lại trực trào ra.
Luân đã nhiều lần định tìm đến cái chết để cho gia đình đỡ khổ. Anh đã từng lấy chiếc xe đạp cũ kỹ của bố lao nhanh trên con đường làng, chỉ mong tông phải ô tô hay xe máy nào đó phía trước chết đi cho xong. Nhưng khi lao xuống ruộng, vùi mặt xuống bùn, sực nhớ đến cha mẹ đang gồng mình gánh nợ, anh mới thấy hối vì hành động dại dột.
Những tháng ngày sau đó, anh dò dẫm ra cánh đồng trước nhà tập đi. Anh nhờ bố chặt cho chiếc gậy có chãng để tiện cho việc đi lại. Ngày nào cũng thế, cứ mỗi khi nghe tiếng mõ trâu ra đồng, anh lại tự mình cầm gậy tìm đường ra cánh đồng bao quanh thôn Trại Sắt (xã Bắc An).
Số phận Bùi Thị Xuân cũng cùng chung cảnh ngộ, chị sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo ở xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, Hải Dương. Đôi chân của chị bị quặt quẹo sau một trận ốm thập tử nhất sinh nên không thể đi lại được.
Gia đình đã cố gắng chạy vạy, vay mượn khắp nơi để chữa bệnh cho chị, cứ nghe ở đâu có thuốc hay, thầy giỏi là gia đình chị tìm đến. Mong muốn cho con khỏi bệnh nhưng tiền mất mà vết thương ở chân vẫn không hề thuyên giảm.
Sau 6 tháng nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội chị nằng nặng đòi bố mẹ cho về quê. Chị không giám trách ai, chỉ trách số phận đã gieo cho mình cái kiếp tật nguyền vĩnh viễn.
Hai mảnh đời khác nhau nhưng cùng chung một nỗi đau tật nguyền. Chị Xuân, anh Luân đều khao khát sống. Rồi vô tình một ngày kia họ vô tình biết nhau.
Cà kheo nâng đỡ tình yêu
Năm 1997, vì không chịu được cảnh sống tù túng nên anh Luân quyết định tìm đến Trung tâm Nhân Đạo Hồng Ngọc xin học đục đá nghệ thuật. Sau một thời gian làm việc thấy mình không đủ sức, anh chuyển sang học thêu tranh nghệ thuật.
Cũng chính tại đây, số phận đã run rủi cho anh gặp chị Xuân. Hôm đó, vừa tan giờ làm đang loay hoay bước đi với chiếc nạng trở về khu nhà trọ bất ngờ chiếc nạng bị trượt, chới với trực ngã về phía sau thì một bàn tay mềm mại nắm lấy tay anh kèm theo giọng nói nhẹ nhàng: “Anh có sao không?”. Chưa kịp gửi lời cảm ơn thì người ấy cũng gắng gượng bước đi trong sự khó nhọc.
Sau lần ấy, chính anh Luân cũng không ngờ gặp lại chị Xuân: “Một buổi sáng bắt đầu vào giờ làm, một cô gái nước da hơi ngăm đen ngồi đối diện với mình. Khi đã nhận ra người đỡ mình hôm trước, anh định hỏi rồi lại ngập ngừng thôi. Hôm đó về nhà trọ biết phòng Xuân đối diện phòng mình càng làm cho anh suy nghĩ nhiều hơn”.
Kể từ đó, anh Luân thấy trái tim mình đập nhanh hơn mỗi lần gặp chị, định ngỏ lời yêu nhưng sợ bị chê cười. Những cảm xúc trái ngược cứ đan xen.
Lễ tình nhân năm 2002, anh Luân được nghỉ nên về quê. Nghĩ tới chị, anh quyết định đạp xe 10 cây số từ nhà lên khu trọ tìm gặp người trong mộng, nhưng chị đi ăn sinh nhật chưa về. Mãi đến gần 11h đêm khi chị Xuân vừa bước vào phòng thì một bóng hình khập khiễng ướt như chuột lột nắm lấy tay chị, run run nói: “Anh không có những món quà đắt tiền, chỉ có bông hoa dại hái ven đường tặng em, chúc em vui vẻ”.
Bất ngờ vì món quà giản dị ấy, chưa kịp mời vào nhà thì bóng anh Luân đã mất hút sau màn mưa đêm. Thấy anh Luân có ý với mình, nhưng chị Xuân cũng chỉ nghĩ rằng anh trêu đùa, vì chị biết có rất nhiều cô gái lành lặn để ý đến anh, lẽ nào anh lại bỏ qua những cơ hội tốt với mình như vậy.
Cũng từ đấy, chị Xuân tìm mọi cớ tránh mặt anh. Mỗi lần đi làm về, chị lại đóng chặt cửa. Một lần anh Luân nhấp nhổm ngồi chờ đến 12 giờ khuya mà vẫn chưa thấy chị Xuân về nên đánh bạo sang gọi cửa mãi mà không thấy người thưa. Chỉ khi anh nhờ người phá cửa ra mới biết chị Xuân bị sốt li bì hai ngày, anh vội hô hoán đưa chị đi bệnh viện.
Những ngày được anh chăm sóc, chị Xuân cảm thấy lòng mình ấm áp, gần gũi hơn nhưng chị cảm vẫn mắc cỡ nên bảo anh Luân về đi thì bất ngờ anh cầm tay chị nói: “Hãy để anh chăm sóc cho em cả đời, được không?”. Nước mắt chị Xuân trào ra và chị biết rằng trái tim chị cũng đang thổn thức những nhịp đập yêu thương.
Vượt qua rào cản xã hội
Sau bữa đó, anh Luân điện về báo tin cho gia đình: Sẽ đưa con dâu về ra mắt. Nhận được tin con trai báo, bố mẹ anh rất hoang mang, ngờ vực vì ông bà luôn muốn con trai lấy vợ người làng.
Khi đưa chị Xuân về, ai cũng kịch liệt phản đối, dèm pha vì “khối gì đứa lành lặn để ý đến không lấy, lại đi rước một đứa què quặt về”. Nghe thấy vậy, lòng chị Xuân đau như cắt nhưng khi nghe anh Luân bất chấp tất cả tin rằng: “Chỉ có những người cùng cảnh mới có thể cảm thông được cho nhau và nếu yêu nhau thật lòng thì sẽ vượt qua được tất cả” chị mới vũng tin hơn.
Dù đã hết lời giải thích nhưng bố mẹ anh Luân một mực phản đối nhất là bởi nỗi lo cho hai người tật nguyền lấy nhau không thể trông cậy vào nhau mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Cảm thấy mình bị tổn thương, chị Xuân nức nở bỏ về, vừa về đến nhà được một ngày thì anh Luân vượt 70 km tìm đến tận nhà.
Bất ngờ không hiểu tại sao anh Luân lại biết nhà mình nhưng sự giận giữ vẫn còn nên chị Xuân bảo: Anh về đi, sẽ chẳng bao giờ bố mẹ anh đồng ý em đâu. Sau vài lần đó, chị Xuân cứ nghĩ anh Luân sẽ quên chị và nghe lời bố mẹ thì bất ngờ vào một ngày chị nhận được điện thoại của bố đẻ gọi lên với lời lẽ trách móc: “Con làm ăn kiểu gì mà nhà trai lên giàn xếp lại không nói với bố mẹ một câu?...”.
Ngạc nhiên vì không biết ai lại làm như thế. Đến khi biết anh Luân bảo gia đình bên đó lên “thu xếp”, chị Xuân đã rất giận và thẳng thừng: “Bố mẹ cứ để đồ lễ đấy, con về con trả cho.
Khi thấy gia đình anh Luân bỗng dưng thay đổi, lại thêm chuyện anh tự ý quyết định chuyện hôn nhân khi chưa có sự đồng ý của mình, chị Xuân cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương. Những tháng ngày sau đó, anh Luân giải thích và thuyết phục chị Xuân cũng khó khăn không kém gì sự cản trở của gia đình.
Thế nhưng, với sự kiên trì, cuối cùng anh Luân đã làm cho chị Xuân hiểu rằng anh chỉ muốn dành cho chị sự bất ngờ, hơn nữa anh còn quả quyết nếu cha mẹ anh không đồng ý thì anh sẽ tự đi cưới chị.
Cảm động bởi tấm chân tình của người con trai nên cuối cùng ngày cưới cũng diễn ra, khách đến ăn cưới thì ít, người đến xem, chê bai thì nhiều. Suốt hai tháng, lễ cưới của cặp đôi Xuân - Luân là chủ đề bàn luận cho những cuộc nói chuyện khắp các ngang cùng ngõ hẻm ở xã Bắc An và các xã lân cận.
Ông Hà Duy Phiên bố đẻ của anh Luân cho biết: “Hôm đó trời mưa không ngớt, đường lầy lội đến đầu gối, những người bạn của nó bẩn từ đầu tới chân, còn thằng Luân không đi xe được phải nhờ chú ruột đèo cả cô dâu và chú rể”. Bữa đó ai cũng lo cho đôi vợ chồng trẻ không biết có sống được với nhau dăm bữa nửa tháng hay không?
Những nụ cười hạnh phúc
Sau khi cưới nhau, hai người quyết định ra thuê nhà ra ở giêng. Tháng 10 năm 2004, chị Xuân sinh bé trai đầu lòng đặt tên là Hà Duy Dương. Hạnh phúc vừa nảy sinh trong căn nhà nhỏ thì hai vợ chồng lại phải đối mặt với khó khăn về đồng tiền bát gạo.
Đã thế đứa con của hai người lại bị viêm phế quản sau một lần cả ba cùng bị ngã khi đèo nhau đi xe đạp dưới trời mưa. May mắn được sự trợ giúp của bạn bè trong Trung tâm Nhân đạo Hồng Ngọc nên anh chị đã vượt qua những tháng ngày túng thiếu: “Cơm đong từng bữa, sữa đong từng ngày”.
Năm năm sau, chị lại sinh tiếp cho anh một bé trai. Cả hai đứa con đều lành lặn và rất ngoan ngoãn. Hai người vẫn tiếp tục làm công việc thêu tranh nghệ thuật trong Trung tâm nhân đạo Hồng Ngọc. Để tăng thêm thu nhập hai vợ chồng lại dậy thật sớm để bán đồ ăn sáng ở ngã ba phường Chí Linh, tối đến lại bán trà đá ven vỉa hè. Cuộc sống gia đình dù vẫn còn khó khăn nhưng anh chị chưa hề to tiếng, nặng lời với nhau.
Anh Luân không dám nghĩ nhiều về cuộc sống phía trước, anh có dự định sẽ gom góp tiền để mua cho vợ thêm một chiếc máy lạnh để phục vụ việc bán hàng nước. Chị Xuân thì muốn có một chiếc xe lăn để anh chị đi lại được thuận tiện hơn nhưng điều quan trọng là các thành viên trong gia đình mình ai cũng được bình yên là chị rất hạnh phúc rồi.
Chia tay đôi vợ chồng tật nguyền khi anh chuẩn bị đi làm, còn chị Xuân đèo hai đứa con đến trường. Nhìn hai đứa trẻ hôn tạm biệt người cha mẹ mình chúng tôi biết gia đình anh đang rất hạnh phúc. Trải qua hơn 10 năm chung sống, đối mặt với biết bao nhiêu thử thách, mặc dù khó khăn vẫn đè nặng lên mái ấm gia đình nhưng tôi tin rằng quyết tâm không gì ngăn cản được của đôi vợ chồng tật nguyền sẽ chiến thắng được số phận.