Từ chiều 12/5, đại diện Công ty CP mía đường Hòa Bình đã phối hợp với UBND huyện Thạch Thành tiến hành chi trả tiền đền bù cho các hộ nuôi cá lồng tại xã Thành Vinh, Thành Trực. Đây là địa phương bị thiệt hại nặng nhất với số cá chết trên 10 tấn.
Ngày 13/5, Công ty tiếp tục tiến hành chi trả tiền đền bù cho bà con nhân dân các xã Thạch Quảng, Thành Mỹ, Thạch Cẩm. Chính quyền huyện Thạch Thành cũng có công văn chỉ đạo, yêu cầu các tổ giám sát phải có trách nhiệm phối hợp với Công ty cổ phần mía đường Hòa Bình và UBND các xã chỉ đạo giám sát việc cấp tiền bồi thường cho bà con nuôi cá lồng bị thiệt hại theo quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Do (trú tại, thôn Lộc Phượng 1, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành) một trong những hộ bị thiệt hại cá lồng cho biết: "Ở đây bà con sống nhờ vào tôm cá, khi xảy ra sự việc chúng tôi đau xót lắm. Nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của các ngành, các cấp, được báo chí phản ánh kịp thời, chúng tôi cũng thấy được an ủi phần nào. Đến nay, chúng tôi thấy vui mừng khi được nhận tiền bồi thường từ nhà máy đường để quay trở lại nuôi trồng. Hy vọng, nguồn nước sông Bưởi sớm được khắc phục để bà con an cư lạc nghiệp”.
Người dân nhận tiền đền bù vụ cá chết trên sông Bưởi |
Trước đó, vào chiều ngày 11/5, Tổ công tác do Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình chủ trì đã tiến hành kiểm tra ô nhiễm môi trường nước sông Bưởi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tổ công tác cũng đã tiến hành làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình.
Tại buổi làm việc, đại diện Công ty Cổ phần mía đường Hòa Bình thừa nhận việc xả thải của công ty là có và cam kết sẽ bồi thường những thiệt hại do việc xả thải gây nên, theo đúng kết luận của cơ quan chức năng.
Theo lãnh đạo Công ty, nguyên nhân là do thời gian xây dựng nhà máy quá gấp, nên công ty chưa kịp xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Ông Nguyễn Khắc Chuyện - Giám đốc Công ty mía đường Hòa Bình cho biết thêm, sau khi sự việc cá chết xảy ra, phía công ty đã có đoàn vào thăm làng chài ở huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).
Theo lãnh đạo nhà máy đường thông tin, đơn vị này sản xuất từ 15/3, đến 25/4 thì kết thúc. Những hóa chất của công ty sử dụng đều được cho phép. Lãnh đạo nhà máy cũng đề nghị các cơ quan chức năng 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa điều tra làm rõ, liệu có phải chỉ mỗi nhà máy đường của họ xả thải?
Trước nguy cơ hàng ngàn hộ dân sống ven sông có thể thiếu nước sinh hoạt, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ráo riết chỉ đạo các ngành chức năng tập trung xử lý tiêu hủy số cá chết, vớt xác cá dưới lòng sông và nghiên cứu phương án cấp nước sạch cho các hộ dân bị thiếu. Đồng thời, chỉ đạo Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình điều tra và sớm hoàn thiện hồ sơ khởi tố vụ án hình sự với hành vi xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng của Nhà máy mía đường Hòa Bình.
Theo thống kê, có 34 hộ dân nuôi cá lồng bị thiệt hại, với tổng số lượng cá chết khoảng 17 tấn. Căn cứ vào giá thị trường hiện nay là 80.000/kg, nên nhà máy đồng ý đền bù hơn 1,4 tỷ đồng.