Báo Pháp luật Việt Nam vừa nhận được đơn khiếu nại của anh Nguyễn Xuân Diện (hiện là giáo viên của trường THPT Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) phản ánh việc Bệnh viện ĐKKV huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) thiếu trách nhiệm, đã dẫn đến cái chết thương tâm của vợ anh – chị Huỳnh Hồng Thu – thai phụ đã nhập viện và được đỡ đẻ tại Bệnh viện ĐKKV Trần Văn Thời từ ngày 23/12/2014.
Sáng ngày 4/1, trao đổi với PV, anh Diện cho biết, cả anh và vợ hiện đều là giáo viên, vợ anh mang thai đứa con thứ hai vào cuối tháng 3/2014. Đến ngày dự sinh theo phiếu siêu âm thứ nhất tại Bệnh viện ĐKKV Trần Văn Thời (10/12/2014) nhưng không có dấu hiệu sinh nở, vợ anh rất lo lắng nên đã đến bệnh viện kiểm tra và được báo là hoàn toàn bình thường (theo phiếu siêu âm lúc kiểm tra thì thai 38 tuần).
Do chưa yên tâm nên chị Thu đã đến cơ sở khám bệnh tư nhân để siêu âm và nhờ tư vấn. Kết quả siêu âm chưa đến 40 tuần và thai nhi hoàn toàn bình thường nên gia đình yên tâm hơn. Ngày dự sinh theo các phiếu siêu âm ở cơ sở này là vào ngày 21/12.
|
Phiếu siêu âm ngày 19/12 tại Bệnh viện ĐKKV Trần Văn Thời. |
Những dấu hiệu bất thường
“Đến ngày 23/12, vợ tôi có lo lắng về con của mình, vì theo một số phiếu siêu âm thì đã quá mấy ngày, nên đã nhập viện tại bệnh viện ĐKKV huyện Trần Văn Thời. Ngày hôm ấy vợ tôi không có dấu hiệu sinh nở. Lúc này sức khỏe vợ tôi hoàn toàn bình thường.
Đến ngày 24/12, bác sĩ CKI Nguyễn Ánh Nguyệt trực, vào lúc 14 giờ chiều, vợ tôi được truyền nước biển để kích thích quá trình quá trình sinh diễn ra nhanh hơn”- anh Diện kể lại.
Đồng thời, anh Diện cũng mô tả lại diễn biến biến tiếp theo của sự việc như sau:
Vào lúc 14 giờ chiều ngày 24/12/2014 vợ anh được đưa vào phòng sinh để truyền nước kích thích sinh. Anh Diện phải ở ngoài để chờ, chỉ có em dâu tên Như ở bên cạnh.
Đến khoảng 14 giờ 30 phút, chị Như bị gọi ra ngoài phòng sinh vì lúc đó có một ca sinh bị sót nhau cần xử lí. Lúc này vợ anh chỉ có một mình trong phòng sinh.
Sau khi chị Như ra ngoài tầm 15 phút, cảm thấy không an tâm nên cô em dâu đã vào phòng sinh thì chứng kiến cảnh cửa mình của vợ anh đang chảy. Chị Như có hỏi bác sĩ và được trả lời là bình thường. Chị Như tin lời bác sĩ nên không hỏi gì thêm.
“Đến 17 giờ, chị Thắm – chị ruột vợ tôi trông thay cho em Như. Chị Thắm cho biết hộ lí đã tiêm vào cơ thể vợ tôi một mũi thuốc và có nói: Tiêm vào cho sanh nhanh đi, tối rồi. Tôi và các chị em vợ tôi không hề được thông báo cho biết gì về mũi tiêm này. Lúc này tử cung vợ tôi chỉ mới mở được 3 phân và bụng rất ê”- anh Diện nhớ lại.
Người chồng này kể tiếp: Đến 18 giờ, tôi rất lo lắng cho tình trạng của vợ mình vì không biết như thế có sanh được không nên đã đến hỏi bác sĩ Nguyệt. Bác sĩ này cho biết đã tiêm thuốc nở tử cung và chờ đến 19 giờ, đến lúc này mà tử cung chưa nở đủ để sinh thì tiến hành mổ. Tôi đặt niềm tin vào bác sĩ và tiếp tục chờ.
Đến khoảng 19 giờ 30 phút, cô ấy sinh được một bé gái nặng 3,2 kg. Con tôi được đưa ra ngoài, tôi không được vào phòng sinh nên đứng chờ bên ngoài để đón vợ mình. Nhưng mọi chuyện đã không như mình mong đợi.
Sản phụ từ bình thường dần nguy kịch rồi qua đời
Sinh xong, sức khỏe vợ tôi vẫn bình thường nhưng cô ấy than đau. Lúc này khoảng 20 giờ 30 phút, tôi ở bên ngoài lo cho cháu nhỏ. Khi được báo là vợ tôi trở mệt, tôi chạy về nhà cách đó 200m để lấy sữa cho cô ấy rồi trở lại bệnh viện thì hay tin vợ tôi đang trong cơn nguy kịch, máu tuôn ra rất nhiều và không cầm lại được.
“Đến khoảng 21 giờ 30 lãnh đạo bệnh viện yêu cầu gặp tôi, thông báo tình trạng nguy kịch của vợ tôi. Họ yêu cầu tôi kí giấy để tiến hành cắt bỏ tử cung. Tôi rất hoang mang, lo lắng và đã kí để họ tiến hành mổ cắt bỏ tử cung. Lí do thì họ nói máu cô ấy loãng không đông nên không cầm được.
Đến khoảng 23 giờ vợ tôi được đưa lên phòng mổ trong tình trạng hôn mê sâu. Mổ xong, các bác sĩ thông báo cho tôi biết về sự nguy kịch của vợ tôi. Bác sĩ Thùy – khoa sản - nói rằng trường hợp như vợ tôi ngay bệnh viện Từ Dũ cũng có xảy ra, họ cũng thống kê số phần trăm những trường hợp như vậy theo năm.
Cuối cùng lãnh đạo bệnh viện đã cho tôi biết là họ không còn đủ khả năng có thể cứu được vợ tôi, họ cho chuyển viện lên tuyến trên trong tình trạng như vậy. ”-anh Diện đau lòng nhớ lại sự việc.
Tiếp theo đó, vẫn theo lời kể của anh Diện, Bệnh viện phụ sản Cà Mau tiếp nhận sản phụ trong tình trạng hôn mê sâu, tim đập nhưng huyết áp và mạch không đo được. Họ tiến hành phẫu thuật lại một lần nữa và truyền đến 7 đơn vị máu. Phẫu thuật xong, vợ anh được đưa ra ngoài thở ô xi và theo dõi bằng máy.
Trong lúc này, tim đập yếu ớt, mạch và huyết áp lúc có lúc không. Anh Diện cho hay, tình trạng đó kéo dài đến 8 giờ sáng hôm sau thì tim vợ anh ngừng đập (25/12/2014). Trong lúc này, bác sĩ Nam, lãnh đạo bệnh viện phụ sản Cà Mau, yêu cầu anh ghi nhận tình trạng của vợ mình.
Không được bác sỹ tư vấn
Anh Diện cho biết: Vợ tôi không có tiền sử mắc bệnh máu không đông. Tại sao bệnh viện không xét nghiệm máu để tránh rủi ro xảy ra nếu như vợ tôi mắc bệnh đó thực sự mà lại võ đoán như vậy?
|
Kết quả sàng lọc trước sinh. |
“Tôi không biết về chuyên môn y khoa nên xin được các ông trả lời cho câu hỏi: Nếu bệnh nhân trong tình trạng suy kiệt, hôn mê sâu, huyết áp xuống thấp,… thì đưa vào mổ, nguy cơ sẽ đến đâu? Khi tình trạng xảy ra, các ông biết khả năng mình không cứu chữa được, tại sao không chủ động đưa vợ tôi chuyển viện lên tuyến trên để cứu chữa kịp thời mà lại tiến hành mổ cắt bỏ tử cung trong điều kiện thiếu máy móc hỗ trợ và thời gian kéo dài như thế? Điều này có phải là trách nhiệm của các ông hay không?”- anh Diện nói.
“Nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của vợ tôi? Ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của vợ tôi? Trách nhiệm của các vị với con thơ của tôi như thế nào cho thỏa đáng? Tôi mong nhận được sự phản hồi của Ban giám đốc Bệnh viện ĐKKV Trần Văn Thời (bằng văn bản)”- anh Diện nhắc lại câu hỏi và lời đề nghị của mình.
Ngày 4/1, trao đổi với PV, anh Diện cho hay, đã 5 ngày trôi qua kể từ ngày anh gửi đơn đến Bệnh viện ĐKKV Trần Văn Thời nhưng hiện vẫn chưa nhận được câu trả lời. Từ khi sự việc xảy ra, phía Bệnh viện cũng không hề có sự hỗ trợ hoặc thăm hỏi đối với gia đình.
Báo Pháp luật Việt Nam đề nghị Thanh tra Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Cà Mau, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa khu vực Trần Văn Thời tiến hành thanh tra, kiểm tra và trả lời đơn khiếu nại của công dân Nguyễn Xuân Diện.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin thêm về vụ việc./.