Còn 1 tháng nữa là đến ngày cưới nhưng chị Ngô Thị Kim T., ngụ Long An bỗng dưng... muốn hủy hôn. Khi gia đình hỏi lý do, chị T. không nói được, chỉ biết là rất khó chịu, thấy không hợp nhau, không muốn đám cưới nữa.
Chị bảo, ngày nào cũng cãi cọ nhau những chuyện lặt vặt liên quan đến đám cưới, rồi cuộc sống chung sau này. Chị cảm thấy bất mãn vì chồng sắp cưới vô tư quá, không lo toan như chị, nhà chồng thì có những ý kiến vô lý... Chỉ những chuyện lặt vặt như thế cũng khiến chị mệt mỏi, muốn bùng nổ, muốn hủy hôn.
Sau khi đi khám tâm lý, chị mới biết mình đang rơi vào trạng thái “khủng hoảng” tiền hôn nhân mà rất nhiều cặp đôi chuẩn bị cưới mắc phải. Thời điểm ban đầu, mới quyết định kết hôn thì vô cùng hạnh phúc, vui vẻ cùng nhau chuẩn bị đám cưới nhưng sau đó một trong hai người đối mặt với nhiều vấn đề sẽ cảm thấy chán nản, mệt mỏi, mất cảm hứng với đối phương, luôn tỏ ra cáu gắt, bực dọc.
Ngày cưới càng đến gần thì tâm trạng càng trở nên khó chịu, bức bí và bồn chồn. Đó chính là các dấu hiệu của trạng thái trầm cảm trước hôn nhân. Nguyên nhân gây trầm cảm trước hôn nhân có thể đến từ nhiều yếu tố. Như sự căng thẳng từ việc chuẩn bị đám cưới vì đột nhiên phải “gánh” nhiều việc, nhiều thứ phải lo, nhiều bất đồng phát sinh trong việc chuẩn bị.
Cạnh đó, còn có hàng chục mối lo lắng ngổn ngang như sự thích ứng với gia đình mới như gia đình chồng, gia đình vợ, từ bỏ cuộc sống tự do, thoải mái của người độc thân, lo sợ ảnh hưởng đến việc phát triển sự nghiệp, bất an cho cuộc sống gia đình sắp tới…
Những cơn trầm cảm trước hôn nhân cũng có thể đến khi một trong hai bên quyết định đám cưới quá đột ngột, chưa chuẩn bị tâm lý sẵn sàng. Nhiều trường hợp, kết hôn do sự mai mối hoặc thúc ép của hai bên gia đình, kết hôn do hợp năm, hợp tuổi. Đôi khi, một trong hai hoặc cả hai bên đều còn những ước mơ, dự định dang dở chưa làm được, chưa thực sự sẵn sàng cho hôn nhân. Điều này khiến những cảm xúc trước hôn nhân càng trở nên khó chịu, khổ sở hơn.
Theo các chuyên gia, để tránh hoặc chấm dứt trầm cảm trước hôn nhân, điều quan trọng là hai người nên hoàn toàn tự nguyện và sẵn sàng khi bước vào cuộc hôn nhân. Quan trọng là hai người đến với nhau bằng tình cảm đích thực chứ không vì áp lực hay mưu cầu gì khác.
Nếu những cảm xúc khó chịu kéo đến, cần xác định đó là những cảm xúc “thường xuất hiện” ở giai đoạn chuẩn bị kết hôn và tiếp nhận nó với tâm thái nhẹ nhàng. Cố gắng không “làm quá” mọi chuyện, đẩy cảm xúc lên cao trào để dẫn đến những hành động gây tổn thương lẫn nhau.
Hiện nay, có nhiều lớp học tâm lý “tiền hôn nhân” do các chuyên gia tâm lý uy tín hoặc các bệnh viện phụ sản mở, các cặp đôi sắp kết hôn cũng có thể tìm hiểu, tham khảo và cùng học để có thể chuẩn bị tinh thần tốt nhất, bước qua những cảm xúc khó chịu để đến với hôn nhân một cách vui vẻ, hạnh phúc.