Lào là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình 8%. Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong nhấn mạnh, lợi ích AEC mang lại cho Lào là rất lớn, bởi các thị trường đều trở nên rộng mở và hấp dẫn hơn. Việc các nước thành viên ASEAN xóa bỏ rào cản thuế quan sẽ tạo cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Lào ra thị trường nội khối, và ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN vào Lào sẽ có giá thành rẻ hơn.
Theo các chuyên gia, Lào sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm khi gia nhập AEC, nhất là trong các lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực, lao động có tay nghề cao cũng như nâng cao kiến thức, khả năng trong quản lý kinh tế, quản lý lao động, quản lý đầu tư, quản lý xuất nhập cảnh. Áp dụng hiệu quả những kinh nghiệm này sẽ có lợi cho sự phát triển của đất nước, giúp Lào giải quyết tình trạng đói nghèo và phát triển kinh tế - xã hội, bắt kịp với các nước thành viên khác trong ASEAN.
Ngoài ra, giới chuyên gia cho rằng nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào sẽ là lợi thế giúp Lào đẩy mạnh xuất khẩu điện. Bên cạnh đó, với tiềm năng du lịch sẵn có, Lào cũng sẽ thu hút thêm nhiều du khách quốc tế khi bước chân vào AEC.
Tuy nhiên, cũng có không ít những thách thức, khó khăn. Kinh tế Lào chưa đủ mạnh để cạnh tranh với các thành viên ASEAN khác nên việc hình thành AEC, hay nói rộng hơn là Cộng đồng ASEAN, sẽ khiến Lào đứng trước nguy cơ ngập tràn hàng nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN. Các nhà đầu tư trong nước cũng đứng trước sự cạnh tranh ngày càng lớn của các nhà đầu tư nước ngoài. Hàng hóa xuất khẩu của Lào ra thị trường ASEAN cũng đối mặt với thách thức tương tự.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và dịch vụ chưa phát triển cùng hệ thống ngân hàng còn nhiều hạn chế có thể đặt Lào vào thế bất lợi khi hội nhập.
Để khắc phục những mặt hạn chế trên và nhanh chóng hội nhập với AEC, các bộ, ban, ngành của Lào đang nỗ lực chuẩn bị về mọi mặt. Lào đang đẩy mạnh thực hiện chủ trương “Thu hẹp khoảng cách và phát triển theo hướng hội nhập ASEAN”. Công tác chuẩn bị cho tiến trình hội nhập AEC tập trung vào 4 lĩnh vực: nâng cao sự hiểu biết về liên kết kinh tế khu vực và quốc tế; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân; nghiên cứu về sản xuất thương mại, bao gồm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Nhằm thực hiện một phần các biện pháp nhằm xóa bỏ rào cản thương mại trước khi AEC ra đời, Chính phủ Lào sẽ chính thức bãi bỏ thuế nhập khẩu ôtô kể từ ngày 1/1/2016. Các loại ôtô có nguồn gốc xuất xứ thuộc ASEAN sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu vào nước này. Chính sách này được áp dụng trong khuôn khổ Hiệp định khung về hàng hóa thương mại của ASEAN nhằm khuyến khích tăng cường trao đổi thương mại và sản xuất công nghiệp của các nước ASEAN.
Theo đó, để được miễn giảm thuế về mức 0% khi nhập xe vào Lào, các doanh nghiệp phải chứng minh xe nhập khẩu phải có nguồn gốc xuất xứ từ các nước ASEAN với tỷ lệ nội địa hóa trên 40%. Thuế nhập khẩu là một nguồn thu lớn của Lào, chiếm tới 11% nguồn thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện Lào đã áp dụng thuế tiêu thụ và nguồn thu từ loại thuế này đủ để thay thế nguồn thu từ thuế nhập khẩu.
Ngoài ra, Chính phủ Lào cũng đang đầu tư vào nhiều dự án lớn, đồng thời thiết lập cổng thông tin trực tuyến nhằm tăng cường tính minh bạch đối với các quy định liên quan tới thương mại. Ngân hàng Lào - Việt, liên doanh hợp tác giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Lào Đại chúng (BCEL) vừa ký hợp đồng tài trợ tín dụng với Cty cầu đường Duongdi của Lào để nâng cấp đường số 16. Đây là dự án được đánh giá rất quan trọng, phục vụ cho Lào gia nhập AEC vào cuối năm nay.