Cha hy sinh, mẹ tần tảo nuôi con khôn lớn
Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, thương hai con thơ dại nên bà Nga (ở huyện U Minh Thượng, Kiên Giang) đã khước từ tình cảm của nhiều người đàn ông đến tỏ tình chắp nối. Trong thâm tâm người mẹ chỉ có con là niềm hy họng, tự hào để giúp bà vượt qua vất vả của vòng quay cơm áo, gạo tiền và sự cám dỗ tình cảm đời thường của người phụ nữ còn mặn mà xuân sắc.
Năm tháng dần trôi, sự tần tảo một nắng hai sương của bà cũng được bù đắp, kinh tế gia đình tạm có bát ăn, bát để với căn nhà bán kiên cố sạch sẽ, thoáng mát và 42 công đất ruộng. Con trai, con gái được bà cưới vợ, gả chồng và đều được mẹ chia cho 11 công đất để làm vốn lập nghiệp.
Khi chỉ còn lại một mình, bà Nga mới cảm thấy sự cô đơn trống trải, ngôi nhà thân thuộc ngày nào như càng rộng thêm… Sau nhiều đêm mất ngủ, trằn trọc suy nghĩ, bà Nga quyết định tái giá với người đàn ông đã theo đuổi bà trong suốt bao nhiêu năm qua. Đem suy nghĩ nói với các con, bà Nga đều nhận được lời ưng thuận vì chúng muốn mẹ có người bầu bạn, chăm sóc lúc tuổi già khi sớm hôm không ở bên mẹ. Tuy nhiên, người con trai vẫn nhắc khéo mẹ về 20 công đất mà bà đang giữ, không được chuyển quyền cho ai khác, bởi thâm tâm anh nghĩ “mình là con trai duy nhất” nên có quyền thừa hưởng.
Vừa qua, trong một lần đi làm thủ tục vay tiền ngân hàng, cán bộ tín dụng giải thích sổ đỏ của bà do cấp đại trà trước đây không có sơ đồ của thửa đất, rất khó trong các quan hệ giao dịch nên khuyên bà đi làm thủ tục cấp đổi lại sổ đỏ theo mẫu mới. Nghe có lý, bà Nga nộp thủ tục tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã như lời khuyên của cán bộ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, cán bộ địa chính không thể tiến hành đo vẽ được thửa đất do con trai bà Nga cố tình ngăn cản, gây khó khăn nên vụ việc đã kéo dài hơn một năm qua. Bà cho biết: “Con trai tôi ra điều kiện tôi phải chia cho nó 10 công đất nữa thì nó mới cho đo đạc; còn cán bộ địa chính thì không dám đo vì nể nang nó là cán bộ; tôi thì không muốn thưa kiện vì mang tiếng và ảnh hưởng đến công tác của nó… Bây giờ phải làm thế nào để không mang tiếng, không ảnh hưởng mà vẫn đổi được sổ đỏ?”.
Lo lắng của bà Nga, Luật gia Bùi Đức Độ (Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang) cho rằng, bà Nga có thể khiếu kiện về hành vi hành chính
Theo đó, người sử dụng đất (bà Nga) có nhu cầu đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc các loại giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10/12/2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Văn phòng đăng ký QSDĐ cấp huyện là nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; hoặc người sử dụng đất có quyền nộp hồ sơ tại UBND cấp xã thì UBND cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Thời gian thực hiện không quá 10 ngày kể từ khi nộp đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
Bà Nga hoàn toàn có quyền khiếu kiện hành vi hành chính của UBND xã hoặc Văn phòng đăng ký QSDĐ, nơi bà đã nộp hồ sơ đổi Giấy chứng nhận QSDĐ do không thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Trong quá trình thực hiện, bà Nga cũng lưu ý, nếu bà đồng ý và có văn bản thỏa thuận cho chồng cùng đứng tên trong Giấy chứng nhận thì bà đã nhập tài sản riêng của mình vào tài sản chung của vợ chồng. Còn việc xử lý hành vi cản trở của con trai bà Nga thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trên cơ sở kiến nghị của UBND xã hoặc Văn phòng đăng ký QSDĐ.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com