​Bức thư chấn động tố cô gái lai là con nuôi giả của Tổng thống nước Trung Phi

​Bức thư chấn động tố cô gái lai là con nuôi giả của Tổng thống nước Trung Phi
(PLO) -  Năm 1972, sau khi Tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi tuyên bố đã tìm được cô con gái gốc Việt bị bỏ rơi tại Sài Gòn và đưa về nước. Tuy nhiên, tại Sài Gòn cũng thời điểm ấy có một người đàn ông tìm đến tòa soạn báo Trắng Đen mang theo chiếc giỏ chứa giấy tờ và bức ảnh chụp vị Tổng thống Trung Phi bên một người phụ nữ Việt. Người này khẳng định, người phụ nữ trong ảnh chính là vợ của Tổng thống Trung Phi, con gái thật của ông đang làm nghề bốc vác tại Sài Gòn.

Bức ảnh bóc trần sự thật động trời

Người trực tiếp tiếp nhận giỏ hồ sơ cuả người đàn ông trung niên mang theo ấy chính là ông Nguyễn Việt (68 tuổi), nguyên thư ký nhật báo Đen Trắng tại Sài Gòn, giai đoạn từ 1968-1975. Nguyễn Việt là một trong những người tổ chức lực lượng phóng viên tờ báo từng bước đi đều tra tìm ra sự thật trong vụ việc. Xác định được con gái thật, con gái giả, người vợ thật, vợ giả của Tổng thống nước Cộng hòa Trung Phi (sau này là Vua của Vương quốc Trung Phi).

Vào một buổi trưa năm 1972, lúc đó ông Nguyễn Việt trực ở tòa soạn báo Trắng Đen. Vào một ngày, trong lúc trực trưa thì có người đàn ông luống tuổi tìm tới. Ông này khẳng định Tổng thống Trung Phi đã nhận nhầm con rơi, điều này ông hoàn toàn có những bằng chứng chứng minh.

Buổi đối thoại hôm đó được cựu ký giả kể lại tường tận như sau. Lúc đó người đàn ông luống tuổi đặt vấn đề: “Chắc chú (ông Nguyễn Việt) biết vụ cô Ba-Xi ở xóm Gà (Gò Vấp ngày nay) được đưa qua nước Cộng Hòa Trung Phi là̀m con gái của Tổng Thống Bokassa?”. Nguyễn Việt liền đáp: “Vâng, tin tức này các báo đều đăng, Bộ Ngoại Giao (VNCH) đã tìm được đứa con gái cho Tổng thống Bokassa, và cha con họ vừa đoàn tụ sau mười mấy năm cách biệt”.

Nguyễn Việt vừa nói đến đây, người đàn ông bỗng trợn trừng đôi mắt lên nói: “Không phải con nhỏ Ba-Xi là con của Tổng Thống Bokassa đâu chú ơi”. Lúc bấy giờ người thư ký trẻ rất ngạc nhiên, chăm chú nhìn người khách không quản giờ nghỉ trưa tìm đến tòa soạn rồi đưa ra lời đính chính ấy.

Bấy giờ người đàn ông bèn mở một túi ni-lông, trong đó gói một số giấy tờ và hình ảnh và nói: “Chú xem, đây là hình của chị tôi tên Nguyễn Thị Huệ và Tổng thống Bokassa khi còn ăn ở với nhau tận bên Tân Thuận Đông (huyện Cần Giờ ngày nay), còn đây là hình cháu gái tôi tên Martine. Họ mới đúng là vợ con của Tổng thống Bokassa, còn bà Thân và cô Ba-Xi kia là giả mạo”.

Nguyễn Việt đi từ ngạc nhiên này đến ngạc khác, khi có người nói Ba-Xi đưa qua Trung Phi là “đồ giả mạo”, một khi Bộ Ngoại Giao VNCH đã công bố và gửi công hàm qua đường ngoại giao đến nước Cộng Hòa Trung Phi báo tin, họ đã tìm hiểu đích xác sau khi các cơ quan hữu quan đã điều tra đến tận gốc rể, mới dám công bố chính thức cho các báo và trao công hàm đến nước này xác nhận Ba-Xi là dòng máu của Tổng thống Bokassa.

 

Những căn cứ đầu tiên về vụ nhầm lẫn “động trời”

Điều này thật khó tin nên Nguyễn Việt vội cầm tấm hình xem. Trong ảnh đó là hình chụp một cô gái trẻ với một người lính da đen. Lúc này không ai xác định được người lính da màu là Tổng thống Bokassa, vì tài liệu từ Bộ Ngoại Giao Sài Gòn chuyển cho các báo đăng tải về việc giao con rơi cho Tổng thống Bokassa không có hình của ông nên khó nhận dạng.

Nhưng ngoài hai tấm hình này, còn thêm một tờ giấy khai sinh mang tên Nguyễn Thị Martine (SN 1955), tại Rừng Sác (huyện Cần Giờ), mẹ là Nguyễn Thị Huệ.

Thấy thế, Nguyễn Việt hỏi: “Bác là em của bà Huệ, vậy sao bà Huệ không trực tiếp đi khiếu nại ?. Người đàn ông trả lời: “Chị tôi bận ở chỗ làm, bả cũng không biết đi khiếu nại có ai chịu tin không, vì chị tôi nghĩ là có liên quan đến chức Tổng thống nên sợ người ta hiểu lầm. Bả nói, cậu có tức thì đi khiếu nại còn tui không đi đâu. Tôi tức lắm chú ơi, ai đời cháu mình mới đúng là con của Tổng thống Bokassa, mà người ta lại đưa cô gái nào đó cho đó là con của Bokassa để đưa đi”.

Thấy ông Sáu nói rất thật thà về chuyện chị và cháu ông, hơn nữa qua nghề nghiệp phân tích thì ông thấy câu chuyện Martine mang xác suất sự thật rất cao. Lúc này Nguyễn Việt liền nghiêm túc nói: “Muốn tờ Trắng Đen làm sáng tỏ vụ cháu gái của bác, không biết gia đình bác có chịu những điều kiện do chúng tôi đưa ra không?”.

Sau khi được người đàn ông gật đầu, Nguyễn Việt nói tiếp: “Điều kiện ở đây, một là tờ Trắng Đen phải giữ độc quyền mọi tin tức, tức cô Martine phải đến ở một nơi mà các báo khác không thể đến săn tin hay chụp hình được. Hai là gia đình bác chỉ cung cấp tin tức cho tờ Trắng Đen thôi. Nếu có các báo khác tới gia đình hỏi thăm tin tức phải nhất quyết không trả lời. Nếu bác chịu thì chúng tôi sẽ bắt đầu mở rộng việc điều tra, đi tìm chứng cớ tài liệu vụ việc như bác vừa kể”.

Nghe tôi nói xong, ông Sáu đã sốt sắng trả lời ngay: “Chuyện này chị tôi đã uỷ quyền, tôi xin hứa những điều kiện này. Gia đình chúng tôi đều ở khu ngã tư gần chợ nhỏ Thủ Đức, còn Martine đang làm phu khuân vác xi-măng ở nhà máy xi-măng Hà Tiên trên xa lộ (nay sát xa lộ Hà Nội)”. Nguyễn Việt liền đem tin báo với chủ nhiệm báo (người đứng đầu tờ báo như TBT ngày nay) về vụ việc.

Sau khi nghe qua các tình tiết, ông chủ nhiệm liền tức tốc lái xe ra ngay tòa soạn gặp ông Sáu, nghe lại vụ việc và những chứng cứ lần nữa. Bấy giờ ông chủ nhiệm mới cho biết, bản thân sẽ chở ông Sáu xuống Thủ Đức để gặp bà Huệ và cô Martine, rồi đưa luôn Martine về nơi ở riêng. Còn Nguyễn Việt được ủy quền ở lại tòa soạn với nhiệm vụ tổ chức một cuộc họp đột xuất trong ban lãnh đạo báo.

Đó là cuộc họp quan trọng vạch con đường tìm ra sự thật con gái bị bỏ rơi của Tổng thống Cộng hòa Trung Phi. Thời điểm đó, trên các phương tiện truyền thông Sài Gòn cũng như phạm vi thế giới mỗi ngày đều ra rã đưa tin về chuyện cảm động Tổng thống Bokassa tìm được con gái gốc Việt tên là Ba-Xí ở Sài Gòn sau gần 20 năm, với những tình tiết vô cùng cảm động.

Những góc khuất mối tình giữa chàng lính gốc Phi và cô gái gánh nước Sài Gòn

Bà Huệ thời con gái là một cô gái hiền lành và xinh đẹp. Thường ngày Huệ đến cái giếng công cộng ở gần đồn lính Pháp đóng quân gánh nước. Ở đó có anh lính gốc Phi tên Bokassa ngày ngày đến làm quen, tập tành học tiếng Việt. Hai người quen nhau và tình cảm đôi lứa nảy nở. Vì trót “lỡ”, Huệ có bầu, người ta hắt hủi cô vì “ăn nằm” với Tây da đen.

Để tránh dị nghị, Huệ và người yêu rời quê chuyển lên vùng ngoại ô Sài Gòn sống. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang vì Bokassa phải rời Việt Nam khi đứa bé mang dòng máu Phi- Việt  vẫn chưa kịp ra đời.

Và thời gian sau đó, những thông tin về mối tình chàng lính da đen Phi Châu với cô gái Sài Gòn được những người cầm bút báo Trắng Đen mô tả hết sức tỉ mỉ. Những tình tiết cảm động trong chuyện tình vượt qua rào cản địa lý, ngôn ngữ, màu da… lúc đó đã lấy không biết bao nhiêu nước mắt của độc giả.

Theo ông Nguyễn Việt, thời điểm ấy báo Trắng Đen trở thành tờ báo được người đọc săn đón nhiều nhất khiến báo luôn trong tình trạng cháy hàng. Người ta tìm đến báo không chỉ theo dõi diễn biến vụ việc mà còn muốn cảm nhận những giá trị nhân văn trong câu chuyện tình vượt qua mọi rào cản, ranh giới. Và những tình tiết thú vị về chuyện tình của vị Tổng thống lục địa đen cùng cô gái gánh nước ở Sài Gòn được hé mở.

Theo đó, Tổng thống Bokassa tên đầy đủ là Jean Bedel Bokassa, thuộc bộ tộc M’Baka ở Phi Châu. Ông sinh ngày 22/2/1921 tại làng Bobangui, cách thủ đô M’Baiki của nước Phi Châu Xích Đạo (tên quốc tế là Equatorial Africa) khoảng 80 cây số về phía Bắc. Cha ông là một công nhân làm việc cho Công ty Lâm nghiệp Pháp.

Năm 1927, cha của Bokassa bị bắt và bị kết án tử hình về tội phá rối trị an. Ít lâu sau, mẹ của Bokassa cũng tự tử chết vì nghèo và tuyệt vọng. Thời điểm đó Bokassa là cậu bé đang học Tiểu học tại trường Sainte Jeane d’Arc ở M’Baiki, rồi tiếp theo là trường Trung học Saint Louis ở Bangui, do các tu viện Pháp tài trợ. Khi Thế Chiến thứ II bùng nổ, nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng, Bokassa gia nhập Lực lượng Nước Pháp tự do, do Tướng De Gaulle lãnh đạo. Từ cấp bậc hạ sĩ, Bokassa được thăng hạ sĩ nhất khi tham gia chiến dịch giải phóng tỉnh Provence của Pháp, rồi được thăng trung sĩ và trung sĩ nhất. 

Năm 1950, trung sĩ nhất Bokassa gia nhập binh chủng lính Lê dương (Légion étrangère, quân tình nguyện người nước ngoài của lục quân Pháp, do sĩ quan Pháp chỉ huy), lên tàu sang Việt Nam với nhiệm vụ tham chiến ở 3 nước Đông Dương dưới sự chủ huy của Pháp. Tại Việt Nam đơn vị của Bokassa đóng quân tại Chánh Hưng, Gia Định (quận 8, Sài Gòn bây giờ).

Có thời gian Bokassa được tăng cường về Biên Hòa làm nhiệm vụ gác cầu ở Cù Lao Phố (cầu Ghềnh, Biên Hòa) và đây là nhân duyên đã khiến anh chàng lính da màu gặp cô gái Việt. Mối duyên định mệnh này đã làm nên chuyện tình cảm động nhưng vô vàn trắc trở bởi bao biến cố lịch sử.

Ở sát nơi Bokassa làm nhiệm vụ có một cái giếng công cộng, mỗi ngày cô gái Nguyễn Thị Huệ hay đến gánh nước giúp gia đình. Cô không biết rằng, ở đồn có anh lính Bokassa thường trộm nhìn. Hình ảnh cô gái quê mộc mạc, xinh xắn nhanh chóng gây sự chú ý cho anh lính Phi châu đa tình. Rồi Bokassa đến chủ động làm quen với Huệ, ban đầu cô rất sợ hãi nhưng vì thấy chàng lính ngoại cũng hiền, lại tốt bụng vì thường giúp cô mỗi khi kéo gàu nước.

Hơn nữa, những lần anh ta bập bẹ tập phát âm những câu tiếng Việt khiến Huệ rất buồn cười và hai người từ chỗ không quen biết trở nên thân thiện. Thời gian qua đi, hai người hiểu nhau hơn và tình cảm đôi lứa nảy nở. Huệ chính thức đem lòng yêu chàng lính gốc Phi lúc nào không hay.

Rồi chuyện gì đến cũng đến, Huệ có bầu. Đứa con gái ngoan hiền bỗng nhiên bụng lùm xùm, khiến người cha Huệ muối mặt. Chuyện gái không chồng mà chửa, mà không ai khác lại với một lính da đen khiến thiên hạ đàm tiếu. Người cha của Huệ không chịu nổi đành bỏ nhà đi. Mẹ Huệ cũng nước mắt lưng tròng vừa thương con nhưng cũng giận nhiều hơn.

Chỉ tội Huệ bụng mang dạ chửa phải chịu đủ điều tiếng, còn chàng lính da đen lóng ngóng vài câu tiếng Việt lại ôm người yêu khóc. Huệ gần như bị cha mẹ, xóm làng tẩy chay, không thừa nhận. Không còn dung thân được ở xứ cù lao, Bokassa bàn với người yêu bỏ đi một nơi xa xóm làng để được sống với nhau. Cả hai cùng khăn gói về xã Tân Thuận Đông (quận Nhà Bè ngày nay), một xã vùng ven Sài Gòn thời đó. Tại đây, họ mướn nhà ở và sống với nhau như hai vợ chồng.

Ở Tân Thuận Đông, ngày ngày người dân thấy anh lính da đen tan nhiệm vụ ở đơn vị lại quay về chăm sóc người yêu nơi bụng bầu, ai nấy đều hết sức cảm động. Hình ảnh chàng lính Tây trở nên thân thiện và gần gủi với bà con vùng đầm lầy này. Nhưng cuộc sống vợ chồng không yên bình như họ mong muốn.

Trong lúc đứa con trong bụng chưa kịp chào đời thì giữa năm 1954, Pháp thất bại tại chiến trường Điện Biên Phủ và phải tuyên bố rút quân. Toàn bộ lực lượng lính đánh thuê, trong đó có Bokassa được lệnh rút quân khỏi chến trường Việt Nam cũng như toàn cõi Đông Dương. Những chuyến tàu luôn chứa đầy người trong không khí khẩn trương. Những viên quan Pháp, binh lính vội vàng bỏ lại tất cả. Rất nhiều người không kịp đưa theo vợ và con về Pháp quốc, những thân phận con rơi đành phải ở lại Việt Nam trong biến cố này.

Với Bokassa cũng vậy. Trong bối cảnh chia ly hỗn loạn, anh ta được thông báo lên tàu gấp để rời Việt Nam. Chàng lính da màu lúc đó mặc dù rất thương vợ nhưng không thể đem vợ theo. Anh ta chỉ kịp móc trong túi còn lại số tiền lương hàng tháng ít ỏi đưa cho vợ rồi dặn dò, sau này nếu sinh con trai thì đặt tên là Martin, còn con gái sẽ là Martine (tiếng Pháp con gái thêm chữ e-PV). Nếu sau này có điều kiện, Bokassa sẽ quay lại tìm. Lúc này chiếc bụng của Huệ đã lớn vượt mặt, cô khóc không kìm được nước mắt, gật đầu chia tay chồng mà không biết khi nào sẽ gặp lại.

Không còn nơi nương tựa, ngày trở dạ lại sắp tới, Huệ vô cùng đau buồn và hoang mang. Cái tin Huệ đang bơ vơ đến tai cha mẹ, thời gian cũng làm cho họ bớt giận đứa con gái. Cha mẹ không thể bỏ con, họ quyết định đến tìm con gái rồi đưa về quê nhà ở Biên Hòa. Ở đó Huệ sinh con. Đó là một bé gái, Huệ quyết định lấy tên Tây là Martine để đặt cho con.

Một lần nữa cô lại chịu sự xỉa xói của dân làng khi không có chồng mà có con, không những thế đứa con lại mang hình hài không bình thường: môi dày, tóc xoắn, da đen… hình hài khác hoàn toàn với những đứa trẻ cùng trang lứa. Mỗi khi nhìn con, Huệ lại nhớ tới chồng. Cô âm thầm sống trong nỗi dị nghị, ngày đêm mong ngóng chồng sẽ nhớ lời hẹn xưa mà trở lại tìm mẹ con cô.

(Còn nữa)

Đọc thêm

Triệt phá đường dây chế độ vũ khí quân dụng

Các đối tượng bị bắt giam về tội "Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng" cùng tang vật (Ảnh: CACC).
(PLVN) -  Cơ quan CSĐT quận 4 (TP HCM) vừa triệt phá đường dây “độ, chế”, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ liên tỉnh/thành; khởi tố, bắt tạm giam 5 đối tượng về tội “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp

Kỷ luật 2 lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thi hành kỷ luật đối với Phó Chủ tịch và nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bắt đối tượng vận chuyển gần 12.000 viên ma túy tổng hợp

Tang vật vụ án.

(PLVN) - Ngày 13/1, thông tin từ Công an huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) thuộc đơn vị đang tiếp tục mở rộng điều tra về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với Lê Văn Q (SN 1980, trú tại xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ).

Vụ án tại Trung tâm R&D thuộc BQL Khu CNC TP HCM: Cựu lãnh đạo Sở KH&ĐT nhận tiền tỷ khi duyệt dự án

Bị cáo Minh tại một phiên tòa hồi tháng 7/2024. (Ảnh: Hải Duyên)
(PLVN) - Dự kiến từ ngày 15/1, TAND TP HCM sẽ đưa bị cáo Trần Thị Bình Minh (cựu PGĐ Sở KH&ĐT), Phan Tất Thắng (cựu Phó phòng Kinh tế) ra xét xử về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ trong vụ án xảy ra tại Trung tâm nghiên cứu triển khai Khu công nghệ cao (Trung tâm R&D) thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao (BQLKCNC) TP HCM và các đơn vị liên quan.