Song, cũng vì không lên được lễ đài và không có ống kính chụp xa, hôm đó không một nhà nhiếp ảnh nào có được bức ảnh cận cảnh đặc tả về vị Chủ tịch đầu tiên của Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ tại Quảng trường Ba Đình mùa Thu lịch sử. Dẫu sao, trên những bức ảnh toàn cảnh về lễ đài, nhân dân ta và bạn bè khắp năm châu lần đầu đã nhận ra hình dáng vị lãnh tụ tối cao.
Sinh thời, cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An từng kể với người viết về giờ phút lịch sử của ngày 2/9/1945 như sau: “Đúng 2 giờ chiều, từ chân lễ đài, tôi nhìn thấy các vị đại biểu dự lễ xuống xe và bước lên kỳ đài. Tôi thấy rất đông người và có nhiều người tôi không được biết tên. Tôi luýnh quýnh theo chân liền và hoàn toàn không bị ai ngăn cản.
Trên kỳ đài, diện tích có vài mét vuông thôi mà hàng chục người đứng. Mọi người như chen vai thích cánh, bởi như vậy làm sao tôi chụp được ảnh Cụ Hồ lúc đang đọc Tuyên ngôn Độc lập? Các vị dự lễ cũng rất tế nhị, khi tôi giơ máy lên, người đứng trước cũng khẽ nghiêng mình cho tôi chụp, nhưng cái lưng khác lại che lấp ngay lập tức. Biết là không làm gì được, tôi vội tụt xuống cầu thang, đứng ôm máy dưới chân kỳ đài, nghĩ kế khác. Buổi lễ diễn ra trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ. Đi bên Cụ có ông Võ Nguyên Giáp. Đúng lúc Cụ Hồ và ông Giáp đã ngồi vào xe, nhưng xe chưa lăn bánh, tôi nhào tới đưa máy vào khung cửa và nói:
- Thưa Cụ, vừa rồi trên kỳ đài đông quá, con không chụp được ảnh Cụ. Xin phép Cụ, con được lấy một hình của Cụ.
Cụ Hồ khẽ gật đầu và tôi đã chụp được bức ảnh Cụ Hồ ngồi bên ông Giáp, cả hai gương mặt đều cương nghị nhưng hiền hòa, có chút khắc khổ vì những lo toan cho vận nước ở giờ phút ngàn cân treo sợi tóc. Đó là bức ảnh có một không hai trong cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh của tôi. Đây là bức ảnh chụp vào ngày lịch sử muôn đời ghi nhớ của dân tộc ta ngay sau khi Cụ Hồ độc Tuyên ngôn Độc lập với Quốc dân đồng bào cả nước và thế giới.
Sau sự kiện đó không lâu, do yêu cầu của cách mạng, một số nhà nhiếp ảnh đang hoạt động tại Thủ đô Hà Nội được cử vào Phủ Chủ tịch chụp chân dung Người.
Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Năng An. |
Vũ Năng An, tác giả bức ảnh chân dung được chọn và phổ biến rộng rãi, kể lại:
“Anh Trần Kim Xuyến, phụ trách Nha Tuyên truyền Việt Nam đã triệu tập 32 đại diện của các hiệu ảnh Hà Nội về họp tại trụ sở của Nha ở phố Đinh Lễ. Trong không khí cởi mở, anh Trần Kim Xuyến nói rằng, việc chụp ảnh chân dung của vị Chủ tịch nước được tiến hành một cách dân chủ, nghĩa là 32 vị đại diện sẽ cử ra 6 người đi chụp, chứ Nha Tuyên truyền không “độc quyền” cử đích danh ai đi cả. Các đại biểu bàn bạc khá sôi nổi.
Nhiều người rất mong được chụp ảnh vị lãnh tụ tối cao. Nhưng, cũng có người tỏ ra ngần ngại vì sợ chụp không thành công và lại được biết Cụ Hồ cũng từng là thợ ảnh thì rất khó chụp. Sau cùng, có 6 người được cử đi, gồm có: đại diện hiệu Hương Ký, hiệu Khánh Ký, ông Hựu, tôi (tức Vũ Năng An, làm việc ở hiệu Photo Atơlie tại đấu trường Điên Biên Phủ của Thủ đô Hà Nội) và hai người nữa.
Đúng 2 giờ chiều của ngày đầu tuần thứ hai trong tháng 9/1945, sau chúng tôi vào chụp ông Trần Văn Lưu, chủ nhân của tôi, ngồi xe tay, mang theo dụng cụ để chụp bằng ánh sáng đèn, chứ không thể chụp “flatch”. Từ cửa chính, chúng tôi được dẫn lên tầng hai, vào một buồng trống. Những người khác mang máy rất to, khá náo nhiệt. Tôi mang nhẹ, nhưng nghĩ rằng phải rất chủ động về ánh sáng.
Chừng năm phút sau, Bà Hồ xuất hiện. Tôi còn nhớ như in: Người mặc quần soóc, áo kaki đơn sơ, trong có áo sơ mi cài cúc và đi giày vải màu chàm. Mọi người đều ngạc nhiên khi nhìn thấy vị Chủ tịch nước bình dị như một lão nông. Tôi đã từng nghe về lãnh tụ Hồ Chí Minh, song không tài nào hình dung ra hình ảnh Người.
Giờ đây, nhà cách mạng vĩ đại mà thế hệ chúng tôi từng ngưỡng mộ, uy danh gắn với truyền thuyết khá đẹp về chiến khu của Mặt trận Việt Minh do Người lãnh đạo đang đứng trước mặt tôi đây. Ấn tượng thị giác của tôi: đã rõ nét khuôn mặt của Bác có vầng trán rộng với những đường gân hằn rõ sang hai bên thái dương, có bộ râu thưa, đặc biệt là đôi mắt sáng lạ thường trên hai gò má gầy, với phong độ giản dị nhưng rất đỗi tự nhiên của Người, không chỉ ở bộ quần áo kaki và đôi giày vải màu chàm.
Nhà nhiếp ảnh lão thành Vũ Năng An, trong giờ phút ấy, điều khiển máy và đèn chụp – với sự giúp đỡ nhiệt tình của ông Trần Văn Lưu – đã cố gắng nhìn thật tinh những nét nhân hậu và quắc thước tượng hình ở gương mặt của Người. Ông An kể rằng, khi bước ra, Bác tươi cười nói:
- Chào các chú, cảm ơn các chú! Thế nào, làm ăn có tốt không?
Cũng như mọi người, ông An chỉ vâng dạ một cách lễ phép, trong lòng đang lo không biết chụp Bác có đặt yêu cầu không. Bác Hồ nói tiếp:
- Các chú có cả thảy 6 người. Bác đề nghị thế này: Mỗi chú chụp 5 phút, 6 người hết nửa tiếng. Bác chỉ có chừng ấy thời gian.
Ai cũng muốn chụp trước. Ông An bình tĩnh chụp sau, vì còn nghiên cứu cho kỹ. Ông nghĩ: 5 phút không nhiều, phải cố chụp được 3 ảnh. Những người khác chụp xong còn đứng lại xem ông chụp. Khi ông An chuẩn bị ánh sáng, họ xô vào, rất ảnh hưởng đến công việc của ông. Ông Trần Văn Lưu bực quá, hỏi to:
- Sao các anh lại làm ăn thế?
Bác Hồ rất nghiêm, Người có vẻ khó chịu về cảnh xô đẩy kia, nhưng lại nhìn ông An mỉm cười như khích lệ. Ông An nói với mọi người:
- Thôi nhé, các anh chụp xong rồi, đứng sang bên, bây giờ để tôi chụp!
Ông An chụp đúng ba kiểu. Ông nghĩ: nếu xin Bác một kiểu nữa thì chắc Bác cũng cho thôi, song ông không muốn lợi dụng lòng tốt của Người. Ông nhỏ nhẹ thưa với Bác:
- Chúng cháu đã chụp xong, xin cảm ơn Bác!
Bác gật đầu, có vẻ hài lòng:
- Thôi, về làm cho tốt nhé!
Trở về hiệu ảnh, ông An tráng phim ngay. Được hai kiểu, còn một kiểu bị rung. Ông Lưu an ủi:
- Thôi, đừng buồn phiền gì, thế là đạt yêu cầu rồi.
Cả hai kiểu ảnh do ông Vũ Năng An chụp đều được chấp nhận. Tấm ảnh nhìn thẳng, có hai con người, được phóng to để Bác gửi tặng các bạn quốc tế khác. Chính ông An được vinh dự đưa ảnh lên để Bác đề tặng cho các bạn của Người. Ông nhớ phía sau ảnh tặng các đồng chí Mô-rít Tô-rê, Ca-sanh, Cu-tuy-ri-ê, Đuy-clô…, Người ghi: “Với tất cả trái tim” và ký tên.
Tấm ảnh này được in ra, phổ biến nhanh, thực sự đáp ứng lòng mong ước của toàn dân tộc khi nhìn thấy vị lãnh tụ kính yêu. Ở bức chân dung này, tóc Người chưa bạc lắm, đôi mắt sáng ngời, có cái nhìn không phi thường nhưng vẫn khác người, chùm râu đen thân thương trên gương mặt gầy, vầng trán rộng mênh mông…
Từ giờ phút ấy, hình ảnh Người đã đem đến cho đồng bào cả nước ta niềm tin yêu phấn khởi, sự tôn kính sâu xa. Đối với nhân dân nước ngoài cũng vậy. Có những bà mẹ Lào, Campuchia đã trân trọng cất giữ bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh như một báu vật trong nhà.
Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 24/8/1995 có đăng bài “Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cao nguyên Phiêng Sa” kể lại một chuyện về tình cảm của nhân dân Lào đối với vị lãnh tụ kính yêu khi họ được nhận và chiêm ngưỡng bức ảnh chân dung Hồ Chủ tịch chụp sau Cách mạng Tháng 8/1945. Ông thống lý ở Phiêng Sa rất tự hào vì bức ảnh của Người được treo trên tường nhà ông. Ông đã “phát hiện” mắt của Hồ Chủ tịch có hai con ngươi. Ông nói: “Mắt Hồ Chủ tịch có hai con ngươi, khác người thường. Người hiểu thấu khát vọng của mọi người dân, bất kể người đó là dân tộc nào, đó là lòng nhân nghĩa cao cả của Người”.
Câu chuyện về “Mắt Bác Hồ có hai con ngươi” cũng từng lưu truyền nhiều năm trong nhân dân ta. Người ta tin rằng Người là một ông thánh. Nhưng, đúng như lời cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Làm gì có chuyện hoang đường như thế! Mắt Hồ Chủ tịch cũng như mắt mọi người, sáng hơn mắt mọi người nhiều lần đã đành, nhưng sáng hơn vì Người biết nhìn, nên nhìn thấy: hiện tại, tương lai, cái nhỏ, cái to”.
Tác giả tấm ảnh này, ông Vũ Năng An đã giải thích rằng trên đôi mắt Người có hai điểm sáng là do ảnh chiếu tạo hình của hai cái đèn tụ quang tăng điện thế.