Theo đó, trong một phiên bỏ phiếu, 40 nghị sĩ đã bác bỏ kết luận của của ông Sergio Zveiter, người được chỉ định thụ lý vụ việc. Chỉ có 25 nghị sĩ ủng hộ đề xuất của ông Zveiter, trong đó khẳng định có nhiều bằng chứng quan trọng để tiến hành một phiên tòa hình sự xét xử người đứng đầu nhà nước.
Cuộc đấu gay go
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu trên được thông báo, Chủ tịch Hạ viện Rodrigo Maia thông báo Hạ viện sẽ họp phiên toàn thể vào ngày 2/8 tới để bỏ phiếu về các cáo buộc tham nhũng chống lại ông Temer. Trong trường hợp 2/3 trong tổng số 513 nghị sĩ tại cơ quan lập pháp này thông qua đề nghị khởi tố ông Temert, vụ việc sẽ được chuyển tới Tòa án Tối cao để xét xử người đứng đầu nhà nước.
Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Brazil, một tổng thống đương nhiệm bị khởi tố vì tội tham ô. Phản ứng trước kết quả này, ông Temer tuyên bố đây là thắng lợi của nền dân chủ, quyền thể chế và nhà nước pháp quyền.
Ông Temer đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc liên quan đến hành vi tham nhũng sau khi cựu Chủ tịch Tập đoàn sản xuất thực phẩm hàng đầu thế giới JBS Joesley Batista hồi tháng 5 vừa qua đã nộp cho cơ quan điều tra một đoạn băng ghi âm trong đó cho thấy Tổng thống Temer đã ra lệnh dùng tiền để “bịt miệng” cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, buộc ông này không được khai báo các thông tin trong vụ bê bối tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Ông Temer và các luật sư đã nhiều lần khẳng định đây là bằng chứng giả nhưng cơ quan cảnh sát khẳng định tính hợp pháp của đoạn băng. Ngoài ra, Tổng thống Temer cũng bị cáo buộc tham gia tổ chức tội phạm.
Cựu Tổng thống Lula da Silva |
Cựu Tổng thống cũng rắc rối
Cùng ngày, tiền nhiệm của ông Temer, cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva, cũng tố cáo án tù 9 năm rưỡi chống lại ông vì tội tham nhũng thụ động và rửa tiền mang động cơ chính trị, đồng thời yêu cầu cơ quan pháp luật đưa ra bằng chứng làm cơ sở để kết tội.
Phát biểu tại trụ sở Đảng Lao động (PT), ông Lula đã bác bỏ quyết định của thẩm phán Sergio Moro tuyên án ngày 12/7 chống lại cựu Tổng thống và chỉ trích trong 300 trang của bản cáo trạng không có bất cứ bằng chứng cụ thể nào về hành vi tham nhũng. Ông Lula cũng yêu cầu PT cho phép ra tranh cử chức Tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018.
Đây là phản ứng đầu tiên của ông Lula sau khi bị cơ quan tư pháp Brazil tuyên án tù giam chống lại chính trị gia này trong một phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, bản án này chưa chính thức bởi quyết định này phải được thông qua trong một phiên tòa cấp cao hơn. Chủ tịch Gleisi Hoffmann cùng đông đảo lãnh đạo và các thành viên PT đã có mặt trong phiên họp của PT nhằm bày tỏ tình đoàn kết với ông Lula.
Trong phiên tòa sơ thẩm, thẩm phán Moro đã tuyên án 9 năm rưỡi tù giam đối với ông Silva vì tội tham gia vào đường dây tham nhũng trong vụ bê bối ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras. Theo cáo trạng, ông Lula đã nhận một căn hộ và một mảnh đất tại thành phố Sao Paulo của OAS - tập đoàn xây dựng nằm trong đường dây tham ô của Petrobras, và đây thực chất là tiền hối lộ.
Theo ông Moro, ông Lula phạm tội tham nhũng thụ động và rửa tiền, với tổng số tiền lên tới 1,1 triệu USD. Ông Lula hiện là ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thống Brazil trong cuộc bầu cử năm 2018. Trước đó, ông Lula từng giữ chức Tổng thống trong hai nhiệm kỳ từ 2003-2011.