Nạn nghi kị “cầm đồ thuốc độc” là một hủ tục man rợ tồn tại từ rất lâu đời ở các huyện miền núi Quảng Ngãi đã gây ra nhiều vụ án thương tâm khiến hàng chục nạn nhân vô tội bị đánh đập, giết hại. Thậm chí khi bị dồn vào bước đường cùng, nhiều người còn phải chọn cách giải thoát cho mình bằng việc tự tìm đến cái chết, hoặc bỏ làng đi biệt xứ.
Vậy thực chất “cầm đồ thuốc độc” là gì mà lại có thể reo rắc nỗi khiếp sợ kinh hoàng như vậy đối với bà con dân tộc miền núi nơi đây? Loạt bài “Vén bức màn sự thật về những “con ma thuốc độc” trên vùng sơn cước” sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn.
Cái chết bí ẩn của người đàn bà xấu số
Những ngày cuối tháng 1/2014, qua nắm tình hình, Công an huyện Sơn Hà nhận được nguồn tin tại thôn Gò Da, xã Sơn Ba (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) xảy ra vụ nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” (còn gọi tắt là “đồ độc”).
Tuy nhiên, sau đó người bị nghi có “đồ độc” đã bất ngờ tử vong một cách bí ẩn. Từ nguồn tin trên, lãnh đạo công an huyện đã cử tổ công tác phối hợp chính quyền xã Sơn Ba về thôn Gò Da nắm tình hình điều tra làm rõ vụ việc. Qua xác minh được biết, bà Đinh Thị Na (45 tuổi, ở thôn Gò Da) đột ngột tử vong và được gia đình chôn vào ngày 15/1/2014.
Tuy nhiên khi thu thập thông tin về nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà Na, thì nhiều người trong thôn và gia đình bà Na đều trả lời “không biết”. Tiếp tục mở rộng điều tra, cơ quan công an huyện phát hiện trước đó một tháng ông Đinh Văn Nương (60 tuổi, người trong thôn Gò Da) bị bệnh ung thư gan. Mặc dù gia đình chữa trị nhiều nơi nhưng vẫn không qua khỏi. Sau đó gia đình ông Nương tìm đến một vị pháp sư và được nghe phán ông Nương bị cầm đồ thuốc độc.
Đinh Văn Hút (26 tuổi) và Đinh Văn Hắp (19 tuổi) bị cảnh sát bắt giữ |
Pháp sư này còn cho biết, kẻ bỏ đồ độc là người bà con, giới tính nữ và từng có mâu thuẫn với gia đình. Chính từ đây gia đình ông Nương cho rằng bà Đinh Thị Na là “ma làng” đã “đồ độc” chết ông Nương. Ngay sau đó, 2 người con của ông Nương là Đinh Văn Hút (26 tuổi) và Đinh Văn Hắp (19 tuổi) đã tìm bà Na đánh, tra khảo bắt chỉ chỗ cất giấu “đồ độc”.
Vài hôm sau, bà Na bỏ trốn khỏi địa phương. Cho đến sáng ngày 15/1 thì gia đình phát hiện xác bà Na ở ngoài đường làng, dù nhận thấy nạn nhân có dấu hiệu bị sát hại nhưng gia đình lẳng lặng đem chôn cất mà không báo vụ việc lên chính quyền.
Trong thời gian làm việc với người dân và những người có chức trách trong thôn, tổ công tác công an huyện Sơn Hà đều “nhận” cái lắc đầu không biết gì cả. Đối với nhiều người ở đây đều tin bà Na là “ma làng” có đồ độc hại chết người.
Ông Đinh Văn Ny (47 tuổi, chồng của bà Na) kể lại: “Nghe pháp sư, mọi người trong thôn tin rằng vợ tôi có đồ độc. Nhiều lần họ đưa vợ tôi ra trước thôn tra khảo, bắt thừa nhận việc có đồ độc hại chết ông Nương, nhưng vợ tôi đều không nhận. Những người con ông Nương không dừng lại đó tìm đánh đập vợ tôi. Hết cách vợ tôi phải bỏ trốn sang xã Long Môn, huyện Minh Long tá túc.
Đến khi phát hiện vợ tôi chết không rõ nguyên nhân tại đầu làng. Gia đình tôi không không dám làm lễ cúng tại nhà, bởi họ cho rằng vợ tôi là ma làng nên không được đưa xác về làng mà đi vòng tìm chỗ vắng đào huyệt chôn cất”
Khai quật tử thi, vạch trần tội ác
Trước cái chết bất bình thường của bà Na cũng như nhiều nghi vấn khác, các lực lượng của Công an huyện Sơn Hà và tỉnh Quảng Ngãi cùng một số đơn vị khác tiến hành tổ chức khai quật thi thể bà Na. Ngày 28/1, trong khi nhiều người đang tập trung lo chuẩn bị Tết cổ truyền dân tộc, thì tổ công tác đi bộ 4 giờ đồng hồ vượt 3 ngọn núi đến thôn Gò Da. Qua khám nghiệm tử thi phát hiện nạn nhân bị vỡ sọ não, gãy nhiều xương sườn.
Từ những chứng cứ này, cơ quan điều tra tập trung đấu tranh các đối tượng nghi vấn trong thôn. Qua điều tra, người trong thôn khẳng định bà Na có “đồ độc”. Chính bà Na cũng đã thừa nhận việc bà bỏ “đồ” vào nhà dân.
Theo người dân kể, anh em nhà Đinh Văn Hút và Đinh Văn Hắp (con ruột ông Nương) dẫn bà Na đi đến từng nhà chỉ chỗ túi “đồ độc” được cất giấu trước đó. Tổng cộng có trên 20 túi “đồ độc” được cất giấu dưới lối bậc thang của mỗi nhà.
Tuy nhiên qua điều tra, xác minh, cơ quan điều tra phát hiện nhiều nghi vấn. Đối với người đồng bào thiểu số ở đây, khi nói đến “đồ độc” họ rất sợ. Vì thế mỗi lần anh em nhà kia theo bà Na chỉ lấy đồ độc giấu thì người dân đứng cách xa không dám đến gần nên không thấy rõ túi “đồ độc” chôn như thế nào. Đáng lẽ anh em nhà Hút phải sợ “đồ độc” không dám đến gần, nhưng trái lại họ luôn kè áp sát bà Na đến từng điểm lấy túi “đồ độc” cất giấu mỗi nhà.
Chuyện rùng rợn về "ma thuốc độc" bao phủ khắp miền sơn cước |
Chồng bà Na bộc bạch: “Vợ tôi bị con ông Nương đánh đập, rồi bắt phải khai nhận có “đồ độc”. Khi bắt vợ tôi chỉ điểm giấu “đồ”, con ông Nương tự dựng chuyện và giấu đồ độc trước đó. Lợi dụng mọi người đứng xa, chúng kè vợ tôi và chỉ nơi giấu bắt lấy lên. Chính điều này làm cho ai cũng tin vợ tôi bỏ “đồ” khắp nhà dân. Vì thế ai cũng sợ và muốn đuổi vợ tôi ra khỏi làng”.
Bí thư huyện Sơn Hà thời điểm đó là ông Đặng Ngọc Dũng cho biết thêm: “Khi anh em nhà Đinh Văn Hút bắt gia đình bà Na nộp tiền phạt, thì xuất hiện một số người dân buôn bán ở miền xuôi có mặt tại đây. Bà Na không có tiền, anh em nhà Hút bắt bà Na bán trâu, bò và rẫy cho số người lái buôn trên. Đây là điều bất thường. Dường như anh em Nhà Hút đã tạo dựng, sắp đặt để chiếm đoạt tài sản bà Na và giết bà Na”.
Theo cách nghĩ người dân, “đồ độc” là một vật gồm các tạp vật. Muốn hại, hoặc giết người khác thì dùng “đồ độc” đụng vào người hoặc đem chôn gần người bị hại và nguyền rủa.
Dựa trên thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1975 đến 1995, các huyện miền núi trong tỉnh Quảng Ngãi xảy ra khoảng 121 vụ nghi cầm đồ thuốc độc, làm chết hàng chục người. Trong đó, chỉ riêng huyện Ba Tơ, từ năm 1975 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra khoảng 90 vụ nghi cầm đồ thuốc độc, với khoảng 120 người bị nghi và có 11 người bị đánh chết (giai đoạn 1999-2009 là 61 vụ nghi đồ độc, với 67 người bị nghi kỵ, có 3 người chết).
Theo đó, số người nghi kỵ có hàng trăm người và kéo theo là nhiều người trong số đó phải bỏ quê nhà đến địa phương khác sinh sống, nhưng vẫn không thoát khỏi sự nghi kỵ và xa lánh...
Sau khi tập trung củng cố các chứng cứ, cơ quan điều tra tiếp tục tiến hành đấu tranh với anh em nhà Hút nhằm xác minh làm rõ sự việc.
Cuối cùng, Đinh Văn Hút, Đinh Văn Hắp cùng đồng bọn đã khai nhận tội lỗi của mình. Ngay sau đó, Đinh Văn Hút và Đinh Văn Bẻo (21 tuổi), đều ở thôn Gò Da đã bị bắt khẩn cấp về hành vi giết bà Na. Riêng Đinh Văn Hút được tại ngoại.
Bọn chúng khai nhận, từ lời phán của thầy pháp sư, anh em Đinh Văn Hút tập trung vào bà Na. Từ đây chúng tạo dựng, vu khống bà Na có đồ độc để dân làng nghe theo. Theo đó, vào ngày 14/1, biết được bà Na sau khi trốn ở xã Long Môn (huyện Long Môn) trở về trốn trên rẫy cách làng 1 cây số.
Anh em Đinh Văn Hút và Đinh Văn Hắp rủ Bẻo lên rẫy đánh bà Na. Tại đây, bọn chúng dùng gậy gộc đánh đập bà Na dã man, sau đó lôi bà Na về làng bắt chỉ chỗ giấu “đồ độc”.
Trên đường đi vì bị tra tấn, bà Na không còn sức phải nằm giữa đường. Hút và Bẻo tiếp tục tra tấn đánh chết bà Na, sau đó bỏ xác bên đường. Hầu hết người trong thôn đều biết vụ việc, nhưng đều im lặng không dám tiết lộ thông tin ra bên ngoài.
Đinh Văn Hút lạnh lùng cho biết: “Chính bà Na bỏ đồ độc hại chết cha tôi. Chính bà Na cũng đã thừa nhận như thế. Vì thế tôi phải giết bà Na để trả thù, không để bà ta hại dân làng”. Tuy nhiên theo ông Đinh Văn Ny cho biết: “Vợ tôi do nhiều lần bị tra tấn đánh đập nên không còn cách nào khác đành phải khai nhận rằng mình có đồ độc cho yên thân. Chứ vợ tôi từ trước có biết gì đồ độc, bùa, ngải gì đâu để hại ai”.
Liên quan đến vụ việc này, một cán bộ xã Sơn Ba (huyện Sơn Hà) nhận định: “Do điều kiện sống nơi non cao, hẻo lánh nên thôn Gò Da còn hạn chế nhiều mặt. Đặc biệt là nhận thức về hủ tục nghi kỵ cầm đồ thuốc đốc vẫn tồn tại dai dẳng trong đời sống người dân nơi đây. Thậm chí ngay cả một số cán bộ thôn vẫn còn tin vào hủ tục này. Đến chính quyền xã phát hiện vào cuộc thì làng Gò Da bắt gia đình hung thủ phạt heo cúng theo lệ làng, coi như là xong chuyện”.
Việc những hủ tục man rợ này vẫn còn tồn tại đã gây nhiều hệ lụy đau thương không chỉ cho các gia đình bị nghi là “con ma thuốc độc” mà còn cho cả những người dân nơi đây. Câu chuyện về những nỗi đau của một ngôi làng từng bị “bóng ma cầm đồ thuốc độc” bao phủ sẽ được giới thiệu trong số tiếp theo.