Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) kiến nghị về Dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (BTNN) (sửa đổi) tại hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách mới đây.
Lo Nhà nước “quá tải” nếu mở rộng phạm vi bồi thường
Để đảm bảo tính thống nhất với Bộ luật Tố tụng Hình sự và Dự thảo Luật áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, ĐB Hoàng Thanh Tùng (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH) đề nghị bổ sung trách nhiệm BTNN đối với trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự. Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Quý (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, nếu mở rộng thêm phạm vi trách nhiệm bồi thường thì sẽ dẫn đến khả năng quá tải cho Nhà nước và kinh phí để bồi thường cũng vượt quá khả năng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long – Trưởng ban soạn thảo, nguyên tắc của Chính phủ khi bàn về luật này là cố gắng xác định phạm vi bồi thường phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nguồn lực con người hiện có và đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân.
“Nếu chúng ta quy định quá mức dẫn đến việc khi quy định rồi mà không thực hiện được thì có thể gây ra sự không ổn định và gián tiếp tăng chi phí cho hoạt động của Nhà nước và xã hội. Tôi tính sơ sơ theo Dự thảo Luật chỉnh lý thì chúng ta có 22 đầu việc hành chính, trong mỗi đầu việc lại chẻ ra thành các đầu việc nhỏ và 9 trường hợp tố tụng hình sự. Nếu so sánh với pháp luật của một số nước thì phạm vi như vậy là khá rộng, trong khi điều kiện của chúng ta khác” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp phân tích.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ QH cho thấy, nhiều ý kiến trong Ủy ban cũng cho rằng việc bổ sung quy định trách nhiệm BTNN đối với tất cả các trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trái pháp luật và trách nhiệm BTNN đối với biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp trong tố tụng hình sự có thể sẽ làm “chùn tay” người thi hành công vụ, ảnh hưởng đến hoạt động đấu tranh, phòng chống tội phạm nói riêng và hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước nói chung.
Không để bỏ lọt trách nhiệm cá nhân
Nhận thấy Dự thảo Luật chủ yếu quy định cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan nhà nước, còn chi phí cá nhân phải bồi thường không có, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng: “Như vậy lúc nào Nhà nước cũng “bao” hết nên có trường hợp cán bộ cố ý làm sai vì nghĩ đã có Nhà nước đứng ra bồi thường. Vì thế, ngoài trách nhiệm Nhà nước phải quy định cả trách nhiệm cá nhân, không để Nhà nước bố trí ngân sách bồi thường, còn trách nhiệm của cá nhân liên quan bị bỏ lọt”. Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong cũng thấy có sự phi lý khi “Nhà nước lại đứng ra bồi thường thay cho kẻ phạm tội” nên đồng tình với quan điểm: “Cá nhân làm sai thì phải chịu trách nhiệm”.
Dẫn trường hợp của ông Hàn Đức Long (Bắc Giang) có nhu cầu chính đáng là được Nhà nước tổ chức công khai xin lỗi kịp thời để phục hồi danh dự sau khi bị kết án oan, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) không đồng tình với quy định người bị oan phải yêu cầu Nhà nước xin lỗi thì Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai.
“Tôi không hiểu tại sao nói rằng Nhà nước tổ chức xin lỗi công khai mà có thể ảnh hưởng đến quyền nhân thân cho người bị oan? Khi một người bị bắt trước mặt vợ, con, hàng xóm, chính quyền mà giờ chúng ta đặt ra vấn đề phải có đơn yêu cầu Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai, tôi thấy rằng điều này chưa thuyết phục” – bà Thủy nhận định. Trên cơ sở đó, ĐB Thủy đề nghị sửa luật theo hướng trong thời hạn 10 ngày kể từ khi có văn bản xác định một người bị oan, cơ quan làm sai có trách nhiệm tổ chức xin lỗi người bị oan, trừ trường hợp người bị oan đề nghị không tổ chức xin lỗi công khai.
Chung quan điểm, Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong đề nghị: “Cần quy định cụ thể việc phải công khai xin lỗi trong văn hóa ứng xử trong hoạt động tố tụng. Ví dụ, quy định cơ quan xác định làm oan phải công khai xin lỗi. Bắt thì rất hoành tráng nhưng khi xin lỗi chỉ 2 phút, như vậy là không chuẩn, lời văn và thái độ xin lỗi cũng không chuẩn. Cũng nên có quy định về thời hạn xin lỗi”.
Ngoài ra, ĐB Hoàng Thanh Tùng không đồng tình quy định chỉ bồi thường cho người thân của người bị oan trong trường hợp người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự chết vì trên thực tế người thân thích của người bị oan cũng phải chịu tổn hại nghiêm trọng về tinh thần không chỉ trong trường hợp người bị oan chết mà cả trong trường hợp họ bị tù oan, bị giam giữ sai.
Ông Tùng nhấn mạnh: “Trong một số vụ bồi thường lớn gần đây đều có bồi thường thiệt hại cho người thân thích của người bị tù oan nên phải nghiên cứu để quy định vào trong luật này”, đồng thời kiến nghị quy định mức bồi thường cho tất cả những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất của người bị oan theo tỉ lệ có thể bằng 1/2 hay 1/3 khoản tiền bồi thường thiệt hại tinh thần đã được giải quyết cho bản thân người bị oan.