Dịch bệnh diễn biến phức tạp
Báo cáo tại Hội nghị, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã lấy 2.716 mẫu xét nghiệm vi rút Zika tại 45 tỉnh, thành phố; trong đó có 3 trường hợp dương tính với vi rút Zika tại Việt Nam.
“Những trường hợp dương tính với vi rút Zika không có liên quan dịch tễ học và không có tiền sử đi từ các khu vực bị ảnh hưởng. Như vậy, vi rút Zika đã lưu hành trong cộng đồng”, PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Cũng theo ông Phu, 9 tháng năm 2016, Việt Nam ghi nhận 3.360 bệnh nhân có ký sinh trùng sốt rét. Những địa phương có số người mắc sốt rét cao nhất là Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa… Bên cạnh đó, từ đầu năm 2016 đến nay đã ghi nhận 72.372 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 52 tỉnh, thành phố.
Đối với bệnh tay chân miệng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 27.000 trường hợp mắc tại 62 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, tại nước ta, cúm mùa chủ yếu là cúm A(H3N2) chiếm 44,4%; cúm B chiếm 43,4% và cúm A(H1N1) chiếm 12,2%. Cả nước hiện không ghi nhận trường hợp mắc bệnh cúm gia cầm ở người mặc dù liên tục ghi nhận các ổ dịch cúm trên gia cầm...
Theo nhận định của Bộ y tế, thời gian tới, các bệnh nguy hiểm và mới nổi có nguy cơ xâm nhập cao, bùng phát nếu Việt Nam không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
Cụ thể, bệnh dịch Zika lưu hành có thể tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới; bệnh sốt xuất huyết có thể diễn biến phức tạp đến hết mùa mưa, nhất là khu vực miền Nam và Tây Nguyên; bệnh tay chân miệng có nguy cơ gia tăng khi mùa tựu trường vừa mới bắt đầu; bệnh cúm có điều kiện thuận lợi là mùa đông đang đến gần…
Chủ động phòng ngừa, ứng phó
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, mặc dù kinh phí phòng chống dịch bị cắt giảm nhưng thời gian qua Chính phủ đã ưu tiên cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Những nỗ lực đàm phán với các nước của Bộ Y tế đã giúp giải quyết được tình trạng khan hiếm vắc-xin dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo, bằng mọi cách phổ cập tiêm chủng trên toàn quốc đối với các bệnh có vắc-xin dự phòng, đạt mục tiêu đề ra trên 95%.
Cục Y tế Dự phòng báo cáo, hiện nay, kế hoạch tiêm chủng cấp huyện có thể đạt và vượt chỉ tiêu nhưng tại cấp xã rải rác có nơi chưa đạt và đó rất có thể là nguồn gốc gây ra nguy cơ bùng nổ những ổ dịch bệnh trong tương lai. Riêng tỉ lệ tiêm ngừa viêm gan B vẫn thấp sau một số vụ tai biến nặng sau tiêm trước đó.
“Các bệnh có vắc-xin tiêm chủng phòng bệnh cũng ghi nhận rải rác trường hợp mắc tại các tỉnh thành phố, tuy nhiên, đặc biệt lưu ý các ổ dịch tại “vùng lõm” có tỷ lệ tiêm chủng chưa cao, không quản lý tốt đối tượng tiêm chủng”, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý.
Ông Trần Đắc Phu đề xuất nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh, trong đó ông nhấn mạnh công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương, các cơ sở y tế.
Về công tác đảm bảo khả năng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh lưu ý các địa phương: Đối với một số bệnh lâu ngày không tái phát như bạch hầu, ho gà..., cần có kế hoạch tập huấn lại cho các cán bộ y tế.
Thời gian qua, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã cập nhật phác đồ mới điều trị sốt rét, trong đó có danh mục thuốc bổ sung, chỉ đạo các địa phương tăng cường báo cáo dịch bệnh, phối hợp giữa dự phòng và điều trị để khống chế, dập dịch. Cục cũng giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến cuối, đánh giá và rút kinh nghiệm trên cơ sở thống kê, phân tích các trường hợp tử vong.
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Tuy nhiên, trên thực tế, một số tỉnh còn lúng túng khi gặp ca bệnh nhiều, công tác hồi sức cấp cứu khó khăn về thuốc, dịch truyền, tiểu cầu...
Thời gian tới, Cục tiếp tục đề nghị các bệnh viện tuyến cuối hỗ trợ chuyên môn cho tuyến cơ sở qua hệ thống hội chẩn trực tuyến để kịp thời cứu chữa những ca bệnh nặng; tiếp tục mở các lớp đào tạo liên tục hồi sức cấp cứu nhiễm khuẩn, bệnh truyền nhiễm, cập nhật những chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết, sốt rét và các bệnh dịch khác.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến nay, Hà Nội vẫn kiểm soát được dịch bệnh. Sở đã tham mưu cho UBND TP chỉ đạo các đơn vị phối hợp phòng, chống các loại dịch bệnh. Khi bệnh do virus Zika tăng nhanh ở các nước lân cận, UBND TP đã họp trực tuyến với các ngành liên quan, để chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch.
Tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài vẫn duy trì 2 máy đo thân nhiệt, mỗi ngày 8.000 lượt khách của tất cả các chuyến bay đều được giám sát. Sở Y tế cũng chủ động phát hiện và xử lý ổ dịch sốt xuất huyết từ đầu để khống chế dịch cũng như chủ động tổ chức các chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy.
Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục chủ động phòng chống dịch với việc tăng cường kiểm soát ở cửa khẩu, làm tốt công tác tiêm chủng.
“Không chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào”
“Chúng ta không nên chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào khi thời tiết giao mùa dễ bùng phát nhiều dịch bệnh. Kể cả bệnh cúm thường (H1N1) cũng rất nguy hiểm và dễ gây tử vong. Hiện, bệnh cúm mùa đang gia tăng ở một số tỉnh, bởi vậy chúng ta phải có biện pháp phòng chống bệnh kịp thời.
Thậm chí có những bệnh tưởng chừng chúng ta đã thanh toán được như sởi, bạch hầu, nhưng gần đây lại xuất hiện một số ổ dịch, bởi vậy nếu chủ quan là bệnh bùng phát.
“Sốt rét có thuốc đặc trị nhưng có trường hợp kháng thuốc và có diễn biến phức tạp với các đối tượng di cư, làm việc ở khu vực biên giới, nên cần những biện pháp để phát hiện kịp thời. Các bệnh viện nhiệt đới cần lên phương án điều trị”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, năm nay sốt rét kháng thuốc tăng cao, bình quân mỗi tháng tại bệnh viện đều tiếp nhận khoảng 3-4 bệnh nhân vào điều trị, chủ yếu là người đi nước ngoài về nhưng thuốc điều trị thiếu. Đấu thầu mua thuốc cũng không ai bán, vì đơn hàng ít.
Ngoài ra, ngày càng xuất hiện nhiều ca nhiễm trùng nặng trên những bệnh nhân có sẵn các bệnh nền, đồng thời xuất hiện nhiều vi khuẩn kháng kháng sinh trong môi trường bệnh viện khiến việc điều trị hết sức khó khăn… “Những trường hợp kháng thuốc kháng sinh cần phải cách ly tránh lây nhiễm ra cộng đồng”, ông Kính khuyến cáo.
Bộ Y tế cho rằng, để đối phó với dịch bệnh nói chung, cần tập trung vào dự phòng, phát hiện, đáp ứng và khống chế dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh mới nổi như Zika hay các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cao vào cuối năm như sốt xuất huyết, cúm gia cầm, sốt rét…
Các tổ chức chính trị - xã hội cũng phải tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Đặc biệt, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các tác nhân gây bệnh mới nổi, các ổ dịch, mở rộng điểm giám sát và lấy mẫu xét nghiệm, rà soát các đối tượng và tổ chức tiêm vét, nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống.
Ngành Y tế cũng cần tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị cho bệnh viện các tuyến, phân tuyến điều trị, phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế.