Trước đó, Hội doanh nghiệp huyện Hương Khê, Hà Tĩnh có đơn gửi Chính phủ cho rằng Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT, ban hành ngày 24/2/ 2017 của Bộ NN&PTNT về ban hành danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) quy định doanh nghiệp (DN) muốn XK gỗ trắc, cẩm lai, hương phải có chứng chỉ Cites trong, là bất hợp lý, ảnh hưởng tới hoạt động của DN.
Tuy nhiên, trong văn bản của Tổng Cục Lâm nghiệp (TCLN) gửi các cơ quan thông tấn báo chí, các Hiệp hội và doanh nghiệp XK ngành hàng gỗ cho biết: Thực hiện Thông báo số 2016/064 ngày 06/12/2016 của Ban Thư ký CITES về hiệu lực áp dụng Phụ lục CITES sửa đổi, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 04. Tại Điều 1 của Thông tư này quy định rõ: “ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES”.
Theo TCLN, việc sửa đổi, bổ sung các Phụ lục CITES được thực hiện theo quy định tại Điều XV của Công ước CITES. Theo đó, năm 2013, loài Trắc (Dalbergia cochinchinensis) được bổ sung vào Phụ lục II thuộc đối được phép buôn bán quốc tế nhưng phải có giấy phép CITES do cơ quan có thẩm quyền tại các quốc gia thành viên cấp; năm 2016, các loài thuộc chi Cẩm lai Dalbergia, loài Giáng hương Tây phi (Pterocarpus erinaceus) và một số loài khác được bổ sung vào Phụ lục II.
“Như vậy, Thông tư 04 không quy định trình tự, thủ tục cấp phép CITES mà chỉ nội luật hóa Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES”- Văn bản của TCLN giải thích.
TCLN cho biết thêm, trước khi ban hành Thông tư nêu trên, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cơ quan quản lý CITES Việt Nam có văn bản gửi các tổ chức, cá nhân liên quan về áp dụng Phụ lục CITES và đã đăng tải trên trang thông tin điện tử của TCLN. Dự thảo Thông tư cũng đã được xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân ở trung ương và địa phương.
“TCLN thấy rằng, việc áp dụng các chính sách mới (Phụ lục CITES mới bổ sung, sửa đổi) sẽ có một số doanh nghiệp gặp vướng mắc trong việc áp dụng; TCLN đang phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, nắm bắt những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp để thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật và Công ước CITES về giấy phép CITES”- Văn bản do Phó Tổng Cục trưởng TCLN Nguyễn Bá Ngải ký nhấn mạnh.
TCLN cho biết: Đối với mẫu vật (gỗ) tiền Công ước (xuất, nhập trước ngày Ban Thư ký CITES ban hành Thông báo có hiệu lực) có hồ sơ xuất xứ, nguồn gốc hợp pháp (loài Trắc, Cẩm lai, loài Giáng hương) sẽ được Cơ quan quản lý CITES Việt Nam hướng dẫn, giải quyết theo quy định tại Điều 17 của Nghị định số 82/2006/NĐ-CP, ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.