Theo Bộ Công an, hiện các quy định của Luật Cư trú về điều kiện, thủ tục đăng ký cư trú đã cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, lựa chọn nơi cư trú. Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú còn mang tính thủ công, rườm rà, chưa đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
Nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) thì việc thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký cư trú cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với hình thức quản lý mới cũng như yêu cầu quản lý dân cư trong tình hình mới.
Sổ hộ khẩu hiện nay có giá trị xác định nơi thường trú (theo khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú số 81/2006/QH11). Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa 24 tháng (khoản 4 Điều 30 Luật Cư trú 2006 sửa đổi 2013).
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Cư trú năm 2020, Bộ Công an đề xuất theo hướng của Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30/10/2017. Cụ thể, theo khoản 4 Điều 23 dự thảo Luật, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa điểm thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú.
Bộ Công an đề xuất bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên CSDLQGVDC, CSDL về cư trú. Trên cơ sở đó, bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Bộ này cũng đề xuất bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các thủ tục hành chính có nội dung liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú như: Tách; cấp đổi; cấp lại; điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú (ĐKTT); xác nhận việc trước đây đã ĐKTT; hủy bỏ kết quả ĐKTT trái pháp luật; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi sổ tạm trú…
Theo Bộ Công an, CSDLVDC gồm 19 thông tin cơ bản như: Họ, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; số, ngày, tháng, năm và nơi cấp thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân...
Bộ Công an đánh giá sau khi chuyển sang quản lý hộ khẩu điện tử, công dân có quyền được bảo đảm bí mật thông tin. Cùng với đó, công dân sẽ có quyền tra cứu thông tin về đăng ký cư trú của bản thân và cấp giấy tờ xác nhận về cư trú, được yêu cầu cơ quan nhà nước bảo vệ quyền cư trú của mình.
Đánh giá về đề xuất này, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đây là điều nhiều người dân đã mong muốn từ lâu.
“Trong thời điểm hiện nay, Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng với các nước trên thế giới cho nên Luật Cư trú (sửa đổi) sắp tới được Quốc hội cho ý kiến và thông qua sẽ rất tốt cho công dân. Chúng ta không nên khư khư cho rằng cứ có tấm giấy hộ khẩu là quản lý được con người mà hiện nay đã là thời đại 4.0, việc quản lý con người thì cần quản lý bằng dữ liệu điện tử, bằng mã số định danh cá nhân”, ông Hòa nói.
“Nhiều quốc gia trên thế giới có quản lý người dân bằng hộ khẩu đâu? Thế nên cần thiết bỏ sổ hộ khẩu giấy, tránh “đẻ” ra nhiều thủ tục phiền hà cho người dân”, ông Hòa nói.
Bộ Công an cho biết sổ hộ khẩu điện tử là cách thức quản lý thường trú của công dân trên mạng điện tử thông qua hệ thống phần mềm và được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú cập nhật để hoàn thiện sổ hộ khẩu điện tử gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh; họ, chữ đệm và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; số, ngày, tháng, năm và nơi cấp thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi tạm trú; tình trạng khai báo tạm vắng; nơi ở hiện tại; nghề nghiệp; nhóm máu...