Theo thông tin truyền đạt từ Văn phòng Chính phủ, vừa qua dư luận báo chí có nhiều bài phản ánh việc VinaPhone, MobiFone và Viettel đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G vào ngày 16/10/2013 lên cùng một mức cước, có dấu hiệu “bắt tay nhau”, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Việc tăng giá cước là không có cơ sở, bất hợp lý.
Về việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý cạnh tranh khẩn trương nắm tình hình vụ việc, nếu có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tiến hành điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Trước đó, một ngày sau khi các gói cước 3G được điều chỉnh tăng giá, trả lời báo giới về vấn đề liệu có hay không việc 3 nhà mạng lớn cùng “bắt tay” tăng cước 3G để khống chế thị trường và vi phạm Luật Cạnh tranh, ông Trần Anh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) nói:
“Hiện tại Cục đang yêu cầu các DN cung cấp thông tin có liên quan, và chỉ khi nhận được các thông tin và phân tích, trao đổi với Bộ Thông tin và Truyền thông thì chúng tôi mới có thể có ý kiến”.
Tuy vậy, ông Sơn cho biết nếu có dấu hiệu các nhà mạng “bắt tay nhau” để đồng loạt tăng giá gây khó cho người dùng thì mức phạt cho hành vi này là 10% tổng doanh số của năm tài chính trước năm vi phạm. Đây là mức phạt lớn khi dựa vào doanh thu năm 2012 của nhà mạng Viettel là 24 nghìn tỷ đồng, và VNPT (VinaPhone và MobiFone) là 8.500 tỷ đồng.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, dự kiến hôm nay (25/10) Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có buổi làm việc với Bộ Công Thương về vấn đề này.
Thị trường viễn thông từng được đánh giá là thị trường cạnh tranh sớm, đạt được những thành công đáng kể khi mang đến cho người tiêu dùng môi trường viễn thông tiệm cận thế giới với giá thành chấp nhận được. Vì thế lúc này, lúc khác, là chất lượng có “chừng mực” cũng dễ được bỏ qua. Thế nhưng, đùng một cái, 3 mạng di động chiếm hơn 90% thị phần dịch vụ 3G hè nhau tăng giá cước lên tới 40% vào cùng một thời điểm, làm sụp đổ “ngưỡng” niềm tin của hàng triệu người tiêu dùng, dấy lên làn sóng “nổi giận”.