[links()]Trong khi người dân địa phương hứng ô nhiễm, thì mỗi năm hơn nửa triệu tấn titan thô ở Bình Định bị “chảy máu” qua đường xuất lậu quặng thô khi cơ quan chức năng không quản lý được sản lượng khai thác thực tế của các doanh nghiệp.
|
Titan khai thác trái phép tập trung ngổn ngang trong những vườn nhà ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định. |
Thất thoát hơn nửa triệu tấn titan thô mỗi năm
Theo Giám đốc Sở Công thương Bình Định - Nguyễn Kim Phương, phần lớn sản lượng titan thô khai thác ở Bình Định bị xuất lậu với đường đi khá đơn giản.
Từ khi Chính phủ cấm xuất khẩu khoáng sản thô, các doanh nghiệp có giấy phép khai thác titan ở Bình Định liên kết hoặc “đẻ” ra nhiều “công ty ma” có địa chỉ ở các tỉnh khác, nhiều nhất là các tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng rồi ký hợp đồng bán titan thô ra khỏi Bình Định. Sau khi hợp thức hóa các thủ tục mua bán, vận chuyển nội địa, tàu vận chuyển titan thô dễ dàng qua cảng rồi vượt sang Trung Quốc.
Ông Phương kể rằng, khi kiểm tra hoạt động mua bán titan thô của một doanh nghiệp ở Bình Định, cơ quan chức năng phát hiện người đứng tên giám đốc doanh nghiệp này là một phụ nữ... bán thuốc lá. Người phụ nữ này thừa nhận một doanh nghiệp đã thuê bà làm giám đốc để ký các hợp đồng mua bán titan thô. “Kiểm tra hồ sơ của các tàu vận chuyển titan thô qua các cảng ở Bình Định cho thấy hầu hết đều vận chuyển, mua bán nội địa mà nơi cập cảng là Hải Phòng, Quảng Ninh.
Tuy nhiên, qua làm việc với các sở Công Thương Hải Phòng, Quảng Ninh, các địa phương này đều không có nhà máy chế biến sâu titan. Điều đó càng khẳng định các tàu vận chuyển titan thô này không hề cập cảng Hải Phòng, Quảng Ninh mà chỉ là hợp thức hóa hồ sơ để xuất lậu ra nước ngoài. Các vụ buôn lậu titan thô bị phát hiện gần đây cho thấy hầu hết nguồn titan thô này bán sang Trung Quốc”- ông Phương cho hay.
Theo Sở Công Thương Bình Định, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp khai thác hơn 500.000 tấn titan trên địa bàn tỉnh này. Trong khi đó, theo ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, thực tế mỗi năm các doanh nghiệp xuất thô tương đương sản lượng đó, trong khi nguồn đóng thuế của các doanh nghiệp này không đáng kể.
Từ khi UBND tỉnh Bình Định cho phép các doanh nghiệp được khai thác tận thu titan trước khi san lấp mặt bằng triển khai các dự án đăng ký đầu tư các lĩnh vực khác, nhiều dự án kinh tế, du lịch ở Bình Định đều tổ chức khai thác tận thu titan. Tại khu kinh tế Nhơn Hội (TP Quy Nhơn), hoạt động khai thác titan diễn ra hết sức rầm rộ với hàng trăm điểm khai thác.
Ông Huỳnh Quang Vinh,Trưởng phòng Quản lý khoáng sản Sở Tài nguyên & Môi trường Bình Định, thừa nhận: “Nhiều doanh nghiệp lợi dụng triển khai dự án, lập dự án phát triển du lịch hay các lĩnh vực khác để khai thác titan. Khi tiến hành khai thác titan, các doanh nghiệp đăng ký bổ sung ngành nghề và khi đó mọi việc đã rồi”. Cũng theo ông Vinh, khi lập dự án, các doanh nghiệp không đăng ký khai thác titan. Tuy nhiên, sau khi được giao đất, các doanh nghiệp báo cáo có trữ lượng titan dưới mặt bằng được giao nên xin khai thác tận thu.
Tình trạng thất thoát tài nguyên ở Bình Định ngày càng gia tăng khi nạn khai thác titan trái phép diễn ra rầm rộ. Tại các xã ven biển của huyện Phù Cát, mỗi ngày có hàng trăm người ồ ạt đào xới bờ biển để khai thác, tận thu titan. Chính quyền, các cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức truy quét, ngăn chặn nhưng tình trạng này vẫn liên tục tái diễn. Ông Phương khẳng định hầu hết sản lượng titan khai thác trái phép này cũng bị thất thoát thông qua xuất lậu ra nước ngoài. Vì thế, chống xuất lậu titan thô luôn là “cuộc chiến” nóng bỏng nhất thời gian qua ở Bình Định.
Buông lỏng quản lý
Giám đốc Phương cho biết: Việc quản lý hoạt động khai thác, mua bán titan còn nhiều bất cập, lỏng lẻo khiến tình trạng xuất lậu khoáng sản titan thô diễn ra ngày càng gia tăng. Hầu hết các cơ quan chức năng đều biết nhưng rất khó kiểm soát; Trong khi các quy định hiện còn nhiều kẻ hở”. Theo ông Phương, chính sự buông lỏng công tác hậu kiểm đối với cấp phép khai thác titan cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng xuất lậu quặng thô ngày càng gia tăng. Có một thực tế là không có cơ quan chức năng nào ở Bình Định kiểm tra, quản lý sản lượng titan do các doanh nghiệp khai thác, các con số thống kê đều do doanh nghiệp tự kê khai.
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Định, thừa nhận: “Lâu nay, chúng tôi nắm sản lượng khai thác hàng năm do các doanh nghiệp tự kê khai. Tất nhiên, sản lượng thực tế và sản lượng kê khai cách xa nhau”. Còn ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Định cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn tài nguyên titan ngày càng bị thất thoát nhiều là do Bộ TN&MT cấp phép khai thác quá nhiều; nhiều doanh nghiệp không có cơ sở chế biến titan cũng được cấp phép.
Ở lĩnh vực môi trường, ông Nguyễn Trung Thành thừa nhận: “Hiện do trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, nhiều điểm khai thác titan trong khi các lực lượng chức năng còn quá mỏng, thiếu người nên không thể kiểm tra thường xuyên. Tỉnh cũng đã tiến hành nhiều đợt chấn chỉnh nhưng tình trạng vi phạm về bảo vệ môi trường vẫn tái diễn liên tục”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cho rằng chính sự buông lỏng trong cấp phép, quản lý hoạt động khai thác titan dẫn đến tình trạng vi phạm bảo trường trong lĩnh vực này ngày càng gia tăng. Đó là cấp giấy phép khai thác với công suất lớn hơn công suất trong quy hoạch đã được phê duyệt, nhiều giấy phép khai thác có công suất lớn gấp nhiều lần so với báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Qua kiểm tra, đoàn thanh tra bộ TN&MT phát hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án khai thác titan của Cty TNHH Vạn Đại tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ có công suất tương đương 13.400 tấn sản phẩm/năm, trong khi giấy phép được cấp sau đó có công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm; hay bao cáo đánh giá tác động môi trường của Cty TNHH Tấn Phát có công suất 14.000 tấn sản phẩm/năm trong khi giấy phép cấp có công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; còn báo cáo môi trường của Công ty Cổ phần Kim Triều có công suất 14.700 tấn sản phẩm/năm, trong khi giấy phép cấp lên đến 20.000 tấn sản phẩm/năm.
Mặt khác, theo đánh giá của Bộ TN&MT, việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường của tỉnh Bình Định còn nhiều thiếu sót; nội dung của nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường rất sơ sài nhưng vẫn được phê duyệt; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại Bình Định và các cơ quan khác liên quan chưa chặt chẽ, thậm chí để xảy ra tình trạng dự án đã đầu tư khai thác nhưng không lập cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.
Bộ TN&MT cũng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản của tỉnh Bình Định đã không thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát đối với các doanh nghiệp khai thác titan nên nhiều doanh nghiệp vi phạm giấy phép hoạt động khoáng sản, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.
* Theo thống kê, trung bình mỗi năm các doanh nghiệp khai thác hơn 500.000 tấn titan ở Bình Định, thu gần 900 tỉ đồng trong khi ngân sách tỉnh này chỉ thu vào hơn 100 tỉ đồng. Ngoài ra, trung bình mỗi năm tỉnh này bị “chảy máu” qua đường xuất lậu hơn 400.000 tấn titan, tức ngân sách mất đi gần 4 triệu USD khoản thu thuế xuất khẩu. * Theo kết quả thăm dò, khảo sát của các liên đoàn địa chất, tỉnh Bình Định có trữ lượng titan hơn 10 triệu tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Khu kinh tế Nhơn Hội. Đến nay, Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bình Định đã cấp 51 giấy phép thăm dò, khai thác titan cho 31 đơn vị trên tổng diện tích hơn 3.530 ha, có tổng công suất khai thác 620.000 tấn mỗi năm. Trước nhiều ý kiến cho rằng việc cho phép khai thác titan ở Bình Định đã vượt quá quy hoạch, ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương Bình Định nói: “Để chấn chỉnh trật tự trong khai thác chế biến titan, tỉnh Bình Định, Bộ TN&MT nên rà soát xem xét lại việc cấp giấy phép mới, đảm bảo quy hoạch khai thác chế biến titan của tỉnh Bình Định đến năm 2025 với sản lượng 100.000 tấn titan đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và 10.000 tấn xỉ titan. |
Uyên Thu