[links()]Theo kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả phân tích chất lượng môi trường không khí của các điểm đo đều vượt 4,5-6,2 lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Nước thải tại một số nhà máy tuyển tinh, xưởng nghiền Zircon, moong khai thác của một số Cty có tổng hoạt động phóng xạ vượt QCVN 24: 2009/ BTNMT...
Những giàn khoan, tuyển titan xả nước thải ra biển tại xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định |
Hầu hết các doanh nghiệp đều sai phạm
Theo Chánh Thanh tra Sở TN&MT Bình Định - Võ Mộng Hùng, kết quả thanh tra của Bộ TN&MT mới đây tại 8 doanh nghiệp (DN) có hoạt động khoáng sản titan ở Bình Định cho thấy tất cả đều có sai phạm, trong đó phổ biến và nghiêm trọng nhất là lĩnh vực môi trường, khi lập hồ sơ xin khai thác tian, phần lớn các DN đều làm theo kiểu… cho có.
“Nhiều báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt không nêu thời gian khai thác, công suất thiết bị, số lượng thiết bị khai thác, thậm chí không nêu cả sản phẩm khai thác. Đặc biệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường đều không đề cập đến giám sát thông số phóng xạ trong nước. Thậm chí, xưởng nghiền zircon của Cty TNHH Sản xuất - Thương mại khoáng sản Ban Mai hoạt động từ lâu nhưng không lập cam kết bảo vệ môi trường” - ông Hùng nói.
Hầu hết các DN đều không thực hiện giám sát môi trường chất thải, giám sát môi trường xung quanh theo quy định; không đăng ký nguồn chất thải nguy hại, quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn chi phép, nồng độ vượt quy chuẩn nhiều lần…
Theo Phó Chánh thanh tra Sở TN&MT Bình Định Võ Minh Thành, kết quả phân tích chất lượng môi trường không khí tại các khu vực khai thác titan đều vượt 4,5- 6,2 lần so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Kết quả phân tích các mẫu nước thải tại nhà máy tuyển tinh của Cty cổ phần khoáng sản Bình Định, xưởng nghiền zircon và moong khai thác của Cty TNHH Sản xuất - Thương mại khoáng sản Ban Mai có tổng hoạt độ phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép.
Theo báo cáo thanh tra của Bộ TN&MT, kết quả kiểm tra hồ sơ của các tổ chức có hoạt động khoáng sản titan tại Sở TTN&MT Bình Định cho thấy: Các báo cáo chưa đề cập đến vấn đề quản lý tổng hợp môi trường tại khu vực tập trung nhiều dự án; trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường đề cập đên ảnh hưởng của bụi, nước thải sinh hoạt, rác thải sinh hoạt của từng dự án nhỏ mà không có cự liên hệ với nhau dẫn đến việc tác động môi trường tổng hợp của nhiều dự án lên một khu vực chưa được đánh giá như chăt phá rừng phòng hộ, thảm thực vật trên diện tích lớn và áp lực tổng lượng chất thải sinh hoạt, chất thải nguy hại cho địa phương.
Trưởng phòng Quản lý Tài nguyên khoáng sản Sở TN&MT Bình Định - Huỳnh Quang Vinh - cho biết: Nhiều DN chỉ lo khai thác mà không tổ chức hoàn thổ, trồng lại rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát ven biển, nên hầu hết diện tích này trở nên hoang hóa với đầy hầm hố, núi cát. Kết quả kiểm tra mới đây của các cơ quan chức năng cho thấy đến nay Bình Định có đến 121ha đất đã khai thác titan xong nhưng các DN chưa thực hiện hoàn thổ, chiếm hơn 50% trong tổng diện tích hơn 236 ha đất đã khai thác titan xong.
Trong đó, nhiều DN có giấy phép khai thác titan đã hết hạn nhưng vẫn chưa hoàn thổ. Ngoài ra, các DN chỉ mới trồng lại 115 ha rừng trên diện tích đã khai thác titan, chiếm 12% trong tổng diện tích cấp phép khai thác titan. Trong khi đó, phần lớn diện tích rừng trồng mới đều không đạt yêu cầu, nhiều diện tích rừng trồng bị cát bồi lấp trở lại…
Sống chung với ô nhiễm phóng xạ cao
Theo tiến sĩ Võ Ngọc Anh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định - người có công trình nghiên cứu “Đánh giá mức độ ô nhiễm phóng xạ do sa khoáng titan vùng ven biển tỉnh Bình Đinh” - quá trình khai thác, chế biến, sử dụng các sa khoáng dẫn đến sự làm giàu, tăng khả năng xâm nhập của các nguyên tố phóng xạ vào môi trường xung quanh gây ô nhiễm phóng xạ. Có hai khu vực chủ yếu bị ảnh hưởng phóng xạ là xưởng tuyển ướt và xưởng tuyển tinh.
Riêng khu vực xưởng tuyển tinh quặng hàng hóa đáng lo ngại nhất vì nơi này tập trung nhiều tinh quặng chứa chất phóng xạ. Do đó, toàn bộ các khu vực này bị ô nhiễm phóng xạ đối với môi trường dân cư, nhân viên làm việc trong xưởng. Ở xưởng tuyển ướt vị trí gây ô nhiễm phóng xạ chủ yếu là đống quặng được làm giàu 85 - 92%. Do đó, người dân sinh sống ở vùng có quặng sa khoáng titan, công nhân làm việc ở xưởng tuyển có nguy cơ nhiễm xạ cao hơn những vùng khác; cụ thể ngưòi lớn gấp năm lần, trẻ em gấp bốn lần, công nhân gấp 11 lần.
Theo báo cáo khoa học của GS Lê Khánh Phồn - Trưởng khoa Dầu khí (Trường Đại học Mỏ - Địa chất) - chủ trì cùng một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về ô nhiễm phóng xạ do khai thác titan khi tiến hành đo mức phóng xạ tại hơn 1.000 điểm ở một khu khai thác quặng titan ven biển Nam Trung bộ (trong đó có Bình Định), đã kết luận vùng ô nhiễm phóng xạ (vượt quá tiêu chuẩn an toàn cho phép) bao quanh thân quặng có dạng kéo dài với bề rộng 200-500m, dài hơn 6km.
Sa khoáng titan có năm hợp chất cơ bản gồm Ilmenite, zircon, Rutin, Monazit, Manhetit. Báo cáo khoa học trên chỉ rõ: Trong quặng ilmenit, zircon có các khoáng vật chứa các chất phóng xạ, nhất là khoáng vật monazit, có hàm lượng phóng xạ cao, rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Từ lâu, các chuyên gia Viện Nghiên cứu năng lượng Nguyên tử quốc gia đã cảnh báo: Cần quản lý chất monazit thải ra trong quá trình khai thác, chế biên titan như một chất phóng xạ, phải chứa trong những hầm bê tông tại các bãi thải quy định. Thời gian bán rã của monazit có thể lên đến cả ngàn năm nên bãi chứa chất thải phóng xạ phải nằm xa các khu dân cư, nguồn nước.
Ông Hùng cho biết thêm, một thực tế khác là hầu hết các DN khai thác titan đều sử dụng ồ ạt nguồn nước ngầm dẫn đến cạn kiệt nguồn nước ngọt ở hầu hết các khu vực khai thác. Kết quả kiểm tra cho thấy nhiều DN sử dụng nguồn nước dưới đất quá số lượng cho phép. Chẳng hạn, Cty Ban Mai chỉ được cấp phép khai thác nước dưới đất một giếng nhưng cty này đã tự ý khai thác đến 6/8 giếng; nhiều Cty tự ý khai thác sử dụng nguồn nước ngầm mà không có giấy phép… |
Uyên Thu