Khó khăn cất trong lòng, động viên nhau cố gắng
Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vừa phối hợp các đơn vị tổ chức Lễ tuyên dương 21 “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2022. Đây thực sự là nguồn cổ vũ, động viên quan trọng cho thanh niên tích cực xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, tạo cho thanh niên cả nước có cái nhìn sâu sắc hơn về hạnh phúc gia đình, để gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Tại Lễ tuyên dương, vợ chồng anh chị Hoàng Ngọc Hóa, Nông Thị Ve ở Bắc Kạn mang đến câu chuyện tình cảm đầy xúc động. Theo lời kể của chị Nông Thị Ve, ngày anh Hóa nhận nhiệm vụ công tác tại đảo Trường Sa, chị Ve đang mang bầu đứa con đầu lòng. “Ngày anh lên đường, tôi động viên chồng gắng công tác và nhắn nhủ “mẹ con em ở nhà luôn nhớ đến anh” dù biết sẽ rất khó khăn và thương nhớ vô cùng, bởi khi ấy tôi vừa mang bầu được 3 tháng, lại ốm nghén” - chị Ve nhớ lại.
Ở nhà một mình chị cáng đáng việc nhà, vượt qua những tháng ngày khó khăn khi không có chồng cạnh bên. Ngày chị vượt cạn, anh cũng không thể về. “Tủi thân nhưng cố gắng vượt
qua khó khăn. May mắn tôi nhận được sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp và gia đình hai bên, nhất là mẹ chồng cũng là vợ quân nhân nên hiểu và thương con dâu rất nhiều. Từ Trường Sa trở về, anh Hóa được gần gũi với hai mẹ con cũng chẳng được bao nhiêu. “Tôi cũng không nhớ rõ anh nhận nhiệm vụ xa nhà, xa đơn vị bao nhiêu lần và đi những nơi đâu, chỉ nhớ anh đã từng đến rất nhiều miền quê, thao trường ở những địa danh khác nhau... Vào tháng 8 năm ngoái, anh Hóa lại cùng đồng đội lên đường vào miền Nam vào thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch ở Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B ở tỉnh Bình Dương” - chị Ve cho biết.
Gia đình anh Phan Lê Nam và chị Lê Thu Hiền ở Hà Nội, có chồng là bộ đội lại công tác tại bệnh viện, vợ là công an, hai vợ chồng rất bận, thường xuyên có ca trực, ít được gặp nhau, vất vả, khó khăn đều phải cất trong lòng để động viên nhau cố gắng vượt qua. Gia đình anh Nguyễn Xuân Đang và chị Lê Thị Hành ở Đà Nẵng cũng có hoàn cảnh chồng công tác xa nhà, con trai 4 tuổi mắc tim bẩm sinh. Dù xa nhau về địa lý, nhưng họ vẫn luôn gửi tình cảm yêu thương cho nhau, động viên nhau cùng vượt qua khó khăn trong cuộc sống, cùng nhau giữ gìn “ngọn lửa” hạnh phúc gia đình.
Không chỉ khoảng cách về địa lý, khoảng cách về văn hóa, tập tục dân tộc cũng là một khó khăn mà các gia đình phải trải qua. Như gia đình anh Siu Rơma Sarry và chị Cà Bình Hoàng ở Gia Lai, chồng dân tộc Jrai, vợ dân tộc Thái. Họ đã phải vượt qua sự khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán của hai dân tộc, sự khác biệt đôi khi đã là rào cản khiến họ nhiều lần phải suy nghĩ, trăn trở…
Hướng tới xã hội hạnh phúc
Từ câu chuyện của những cặp vợ chồng trẻ được tuyên dương vừa qua, có thể thấy gia đình là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, như sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Theo Trưởng ban Đoàn kết, Tập hợp Thanh niên Trung ương Đoàn Nguyễn Hải Minh, 21 gia đình trẻ đều có một điểm chung đó là sự vươn lên, phấn đấu, nỗ lực không ngừng góp từng viên gạch xây nên một nền tảng vững chắc cho hạnh phúc gia đình, đó chính là tình yêu thương, tôn trọng, là sự sẻ chia và đồng hành.
“Tôi mong rằng các bạn sẽ tiếp tục giữ “ngọn lửa” hạnh phúc không bao giờ tắt trong gia đình mình, tiếp tục phấn đấu nỗ lực không ngừng, chia sẻ với nhau trong cuộc sống, cùng chăm sóc cha mẹ, dạy dỗ con cái hiếu thuận nên người, xây dựng một gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc để câu chuyện của các bạn sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong hàng triệu gia đình trẻ và xã hội và chúng ta sẽ góp phần tạo nên một xã hội hạnh phúc” - ông Nguyễn Hải Minh mong muốn.
Gia đình luôn là giá trị quan trọng hàng đầu với người Việt
PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong các bài viết về gia đình của mình đã chỉ ra, đối với người Việt Nam từ xưa đến nay, gia đình vẫn luôn là giá trị quan trọng hàng đầu.
“Người dân Việt Nam vốn coi gia đình là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống, sau đó là sức khỏe, việc làm, thu nhập, bạn bè, học vấn, thời gian giải trí, địa vị, tín ngưỡng tôn giáo và chính trị. Khái niệm gia đình ở đây là mô hình gia đình truyền thống được xây dựng trên cơ sở hôn nhân. Phần lớn những người được hỏi vẫn khẳng định tầm quan trọng của hôn nhân, theo đó, thanh niên đến tuổi trưởng thành nhất thiết cần lập gia đình. Trong số các giá trị đạo đức, tâm lý, tình cảm của gia đình, giá trị chung thủy là giá trị rất được coi trọng trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được người dân đánh giá cao nhất, sau đó là đến các giá trị tình yêu thương, bình đẳng, có con, chia sẻ việc nhà, hòa hợp, có thu nhập. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 41,6% coi chung thủy là “quan trọng”, và 56,7% coi chung thủy là “rất quan trọng” trong hôn nhân”, theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi.
Cũng theo PGS.TS Trần Thị Minh Thi, hiện nay các gia đình ngày càng nhận thức cao về tầm quan trọng của trách nhiệm, chia sẻ trong đời sống gia đình. Đó là việc chia sẻ những mối quan tâm, lắng nghe tâm tư, suy nghĩ của các thành viên trong gia đình. Các gia đình có mức độ hiện đại hóa càng cao, mang nhiều đặc điểm hiện đại, như sống ở đô thị có việc làm, có học vấn cao, mức sống cao, các khu vực kinh tế phát triển hơn thì các giá trị chia sẻ và trân trọng càng được các cặp vợ chồng thể hiện rõ.