“Cái gai” trong mắt ông Diệm?
“Vào những dịp giỗ Tết về Huế, Tổng thống gặp mặt bà Nhu nhiều hơn ở dinh Gia Long. Theo nhận xét của tôi thì bà Nhu ở dinh Gia Long cũng như con dâu nhà Ngô Đình đều luôn luôn e ngại Tổng thống.
Tổng thống hay nạt nộ bà Nhu giữa đám đông người trong gia đình. Vì thừa dịp những lúc thân mật, dưới mái gia đình, bà Nhu thường xin cái này, cái nọ cho Phong trào liên đới phụ nữ.
Bà Nhu viện lẽ trụ sở của Phong trào liên đới phụ nữ ở đường Lê Thánh Tôn chật hẹp, bà muốn đề nghị Tổng thống xin miếng đất ở đường Trần Quốc Toản xây một trụ sở thật lớn cho nở mày nở mặt phụ nữ và về sau bà cũng được cái công lao sáng lập.
Tổng thống Diệm là con người không đụng chạm đến tiền bạc. Và ông có tính hà tiện, mặc cả. Cho nên khi nghe bà Nhu nói thế thì Tổng thống cau có đến đỏ mặt. Nếu không nói là quá tức giận.
Dù nói năng không chuẩn mực, bà Nhu lại rất thích xuất hiện trước các ký giả nước ngoài |
Tổng thống Diệm quát lên và quay mặt về phía Đức cha Thục và ông Ngô Đình Nhu như phân bua:
-Thím làm cái gì cũng vừa cho. Tai tiếng của thím nhiều lắm rồi.
Bà Nhu đáp lại thật nhỏ:
-Cái chi mà anh cho là tai tiếng.
Tổng thống Diệm giận thêm:
-Đó. Cái rạp Rex, hiệu sách Xuân Thu, nhà máy giấy Cogido… dân đều cho là của thím kinh tài.
Ông Ngô Đình Nhu gỡ rối cho vợ:
-Thì cái nhà đang xây làm rạp hát Hưng Đạo, dân cho là của Đức cha. Đồn đãi… toàn là đồn đãi…
Tổng thống Diệm trả lời:
-Vì thế thím nên bớt đi. Dân ghét, dân phao lên. Ai chẳng tin ở miệng dân.
Được dịp Tổng thống Diệm vạch tội cậu ấm Cẩn luôn thể:
-Chú Cẩn cũng nên vừa vừa cho.
Cậu ấm Cẩn phùng miệng, trợn mắt nói:
-Tui ở nhà khổ lắm. Lo nuôi mẹ, các anh làm Tổng thống, cố vấn ở Sài Gòn sướng quá hỉ. Có tài cứ về đây lo cho mẹ.
Nói đến cụ bà là Tổng thống Diệm xuống nước ngay. Có lẽ lúc ấy ông nghĩ đến lòng hiếu thảo của cậu Cẩn lo mẹ suốt cả cuộc đời. Vì thế ông đâm mũi dùi qua bà Nhu như trước.
Tổng thống Diệm nói:
-Nội cái tượng Hai Bà Trưng cũng đã làm nặng lòng.
Đức cha Thục trả lời:
-Dân đồn đãi tượng giống thím Nhu, tôi chẳng thấy giống ở chỗ nào.
Bà Nhu được Cha Thục bênh vực liền cướp cơ hội:
-Nếu anh không bằng lòng, tôi từ chức Chủ tịch Phong trào liên đới phụ nữ. Ai làm gì đó thì làm. Dù sao tôi làm để gây hậu thuẫn cho anh.
Phong trào “liên đới” do bà Nhu đứng đầu bị đánh giá là vô bổ |
Ông Nhu ra chiều rầy vợ:
-Thôi, chuyện đó về Sài Gòn sẽ tính sau. Ba ngày Tết để nhà cửa vui vẻ.
Vừa lúc đó ông Cẩn lái qua chuyện quà chúc Tết. Ông Cẩn khen câu đối này, cái trướng nọ. Ông xách lồng chim yến, chim hoàng anh đến trước mặt mọi người, rồi nói như reo mừng:
-Tụi nó biết tôi thích chim, cá, chúng nó biếu. Thích thật. Con trăn lột da, nó ăn trứng gà thật dữ.
Thế là cái việc đòi trụ sở Phong trào liên đới phụ nữ của bà Nhu gạt qua một bên. Nhưng về sau này ông Diệm chấp thuận là vì ông Nhu xin xỏ Tổng thống Diệm nhiều bận chứ không phải Tổng thống Diệm bằng lòng lời bà Nhu yêu cầu.
“Giả nai” những khi về nhà chồng
Ngoài ra trong những ngày tháng sôi sục giữa Phật giáo và chế độ Ngô Đình Diệm, bà Nhu đã làm cho Tổng thống Diệm tức giận. Những câu tuyên bố của bà ta về Phật giáo như đổ dầu vào lửa.
Bà Nhu là một người đàn bà có học, thông minh, khôn ngoan, hăng say hoạt động. Bà ta hết sức giữ lời, cử chỉ mỗi khi chung đụng với gia đình nhà chồng. Cố nhiên những ngày Tết lưu lại tại Huế, bộ mặt bà Nhu đổi khác.
Bộ mặt đó là một người con dâu hiếu thảo trong khuôn phép nhà chồng. Ngôi nhà ở Phú Cam ít được nghe tiếng nói của bà Nhu và dường như bà ta không mấy khi xuất hiện ở phòng khách. Quyền ăn nói của một người đàn bà có thế lực như bà Nhu không còn nữa.
Bà ta thật sự lột xác và tôi nghĩ rằng bà ta chẳng biết gì đến chính trị và việc làm của chồng, gia đình chồng.
Nếu một người nào đó chứng kiến bà Nhu lúc này, họ nghĩ rằng bà cố vấn, kiêm dân biểu quốc hội là một nữ tài tử diễn xuất tài tình. Con người bà Nhu lúc này là một người đàn bà tề gia nội trợ, hiền hậu, khuê các. Lúc này những lời tuyên bố đanh thép, những cử chỉ hành động thao túng trong hội Phụ nữ liên đới cũng như trong chính phủ mờ nhạt ở người đàn bà được xưng danh là Đệ nhất phu nhân VNCH.
Nhớ lại hồi năm 1954 cho đến lúc ông Diệm trở thành Tổng thống VNCH, bà Nhu chỉ hoạt động trong bóng tối. Những hình ảnh chụp đầu tiên, bà Nhu đứng rất xa khi Tổng thống tiếp ngoại giao đoàn và các phu nhân của các vị này. Trong thời gian này, bà Nhu lánh mặt các ký giả ngoại quốc. Bà hết sức khiêm nhường và có thể nói không một dư luận nào nhắm vào bà ta cả.
Bà Nhu “diễn thuyết” trước những người cao tuổi |
Vì thế mỗi năm, Tết đến, tôi có dịp nhận xét về bà Nhu. Trong khung cảnh của nhà họ Ngô và ngôi thứ rõ rệt trong gia đình, bà Nhu lu mờ nhiều lắm. Bà ta trở lại khuôn mặt trong bóng tối như những năm 1954, 1955 và đầu năm 1956.
Tổng thống Ngô Đình Diệm xác nhận, bà Nhu đã gây lực lượng thanh thế hậu thuẫn cho ông kể từ ngày phong trào cách mạng và Đảng Cần Lao xuất hiện, cuối cùng là Phong trào liên đới phụ nữ.
Tổng thống Diệm ưa chuộng những người cầu tiến, những người ham thích học hỏi, những người xả thân cho xã hội. Dưới mắt Tổng thống Diệm, bà Nhu là người em dâu, người phụ nữ nhìn xa và biết bồi bổ thế đứng mạnh mẽ cho ông trong lãnh vực chính trị.
Tổng thống Diệm đã có lần khen ngợi bà Nhu trước mặt ông Nhu. Những lúc này mới thấy bộ mặt khắc khổ, trầm tư của ông Nhu tan biến trong chốc lát. Ông Nhu mỉm cười. Cười một cách tươi tỉnh, tự nhiên không gượng ép như thường tình xảy ra. Dựa vào sự vui tươi của ông Nhu, Tổng thống Diệm khuyên ông Nhu cản ngăn bà Nhu từ việc nhỏ cũng như việc lớn hầu tránh dư luận không đẹp.
Thế nhưng Tổng thống Diệm khuyến cáo vợ ông Nhu càng lúc càng gia tăng làm ông Nhu khó chịu. Thời gian Tổng thống Diệm tái ứng cử Tổng thống, liên danh Ngô Đình Diệm – Nguyễn Ngọc Thư xuất hiện ở Tòa đô chánh vận động tuyển cử, Tổng thống Diệm nhận lãnh những câu hỏi của mọi giới về chánh sách gia đình trị của ông. Tổng thống Diệm phủ nhận điều này và những câu hỏi liên quan đến bà Nhu kinh tài về gỗ, nhà máy giấy, cao ốc… làm cho Tổng thống Diệm suy nghĩ cực nhọc. Khi trở về dinh Gia Long, Tổng thống Diệm suy tư, nếu không muốn nói là buồn khổ.
Dư luận đồn đãi xấu xa về bà Nhu, Tổng thống Diệm đều được nghe. Thật sự Tổng thống Diệm rất khó khăn để diễn tả ý kiến mình cho ông Nhu. Vì ông Nhu là người tạo nên cái sườn chế độ, còn Tổng thống Diệm là một người thợ phết hồ, dán giấy bên ngoài. Tuy thế, mọi quyết định Tổng thống Diệm là người điều hành định đoạt.
Dù có, dù không, những dư luận không tốt đẹp về bà Nhu làm suy yếu tiềm lực của Tổng thống Diệm. Vì thế Tổng thống ước mong ông Nhu khuyên bảo vợ đừng tuyên bố, càng ít xuất hiện càng tốt.
Bên trong cái gọi là “Phong trào liên đới phụ nữ”
Nói đến bà Nhu, không thể quên được Phong trào liên đới phụ nữ mà bà ta là người sáng lập. Phong trào này quy tụ các bà phu nhân Bộ trưởng, Tướng tá. Chi bộ thiết lập trên các tỉnh toàn quốc.
Ở Trung ương bà Nhu Chủ tịch lãnh đạo với bà Khánh Trang làm Bí thư, bà Trương Vinh Lễ là Phó Chủ tịch. Về sau, bà Khánh Trang trở thành dân biểu tỉnh Chương Thiện.
Vợ chồng bà Nhu |
Phong trào liên đới phụ nữ hình thức rất đẹp, rất đoàn kết, nhưng bên trong bệ rạc vô cùng. Các bà, các cô hoạt động để lấy điểm, tâng bốc bà cố vấn lên tận mây xanh.
Cũng như Tổng thống Diệm, ông Cẩn, luôn luôn có những bọn khúm núm mất tác phong chầu rìa bên cạnh, thì xung quanh bà Nhu cũng thế. Từ một phụ nữ tầm thường, bọn “hót” trong trẻo đã làm cho bà Nhu nghĩ mình là rốn của vũ trụ. Lịch sử thế giới, lịch sử nước nhà qua các triều đều có hạng người này. Một lớp người “gãy lưng” gọi dạ bảo vâng.
Trong các phu nhân sát cạnh bà Nhu nhất là bà Trương Vinh Lễ, Trương Công Cừu, Huỳnh Ngọc Nữ, Huỳnh Ngọc Anh, Khánh Trang, Nguyễn Thị Xuân Lan, theo vài người trong dinh nói lại thì các bà này vào đến phòng trang điểm của bà Nhu để chuyện trò.
Những mẩu chuyện trao đổi không ngoài những danh từ tâng bốc bà cố vấn. Nào cái áo của bà cố vấn rất đẹp, màu sắc hợp với khuôn mặt. Các bà này một tí là “em” hai tí là dạ thưa “em” đây bà cố vấn. Mục đích của các bà phần lớn là mong bà cố vấn để ý tới để len chân vào quốc hội với dấu hiệu “Cây đèn dầu”.
Thật thế, một thời gian sau bà Huỳnh Ngọc Nữ, Huỳnh Ngọc Anh, Khánh Trang, Nguyễn Thị Xuân Lan đều là nữ dân biểu của Phong trào liên đới phụ nữ.
Những con sâu làm rầu nồi canh ấy đã làm cho bà Trần Thiện Khiêm, Ngô Bá Thành... Trong mấy bà này đáng nói nhiều về một bà. Bà này tài đức chẳng thua gì bà Nhu mà có thể bà còn giỏi hơn nữa là đằng khác. Bà là phu nhân của một vị bác sĩ danh tiếng làm việc tại Phủ Tổng thống. Danh bà cũng nổi như cồn. Bà là người bất đồng ý kiến và dám phản đối bà Nhu trong nhiều buổi họp của Phong trào liên đới phụ nữ. Bà không quyết liệt phản đối nhưng nhiều lần chứng tỏ bà ta là một người phụng sự xã hội theo lẽ phải.
Bà hoạt động xã hội rất hăng. Những việc làm của bà đều thành quả tốt đẹp. Vì thế, bà Nhu nể nang nhưng trong thâm tâm không mấy bằng lòng. Đó là bà Trần Kim Tuyến.
“Tập đoàn ganh tị lẫn nhau”
Riêng bà Nguyễn Văn Thơ nhũ danh Phan Nguyệt Minh là một trường hợp hơi lạ. Ban đầu bà Nguyễn Văn Thơ đi con đường “hót” rất ly kỳ với bà cố vấn nhưng về sau không biết có chuyện gì xảy ra, bà Nguyễn Văn Thơ chống bà Nhu. Và bà Nhu ghét cay ghét đắng bà Nguyễn Văn Thơ. Từ đó người ta ít thấy bà Nguyễn Văn Thơ vào “hầu” bà cố vấn nữa.
Những ngày đầu khi anh trai mới nắm quyền, vợ chồng bà Nhu còn xuất hiện khiêm nhường |
Các bà gia nhập Phong trào liên đới phụ nữ là một lối “trang sức” cho bà Nhu, cho bà cố vấn biết mặt. Vì thế bên trong phong trào này chia rẽ trầm trọng, bao gồm nhiều ý kiến hỗn độn.
Các bà dốt đặc cán mai thì giở trò “nịnh bợ”, các bà có bằng cấp thì cũng nịnh nhưng theo một cách khác. Nên cái phong trào này là để các bà học tập “mode” bà Nhu.
Khi cái áo dài cổ tròn của bà cố vấn ra đời, rồi chiếc kiềng đeo cổ, thời trang mỹ tục nước nhà được bà cố vấn “sao lại bổn cũ”, các bà trong phong trào lũ lượt kéo nhau sắm sửa giống hệt. Các thợ kim hoàn tha hồ hốt bạc.
Bà Nhu là người “chịu khó” bày trò lạ trong vấn đề ăn mặc. Có một dạo bà “cách tân” chiếc quần phụ nữ Việt Nam. Bà không dùng vải màu trắng hay màu đen thường lệ mà là màu sô cô la. Lạ mắt lắm, với chiếc quần đó kéo theo với đôi giày, gang tay, bóp đầm đều cùng màu. Các bà trong phong trào khen bà cố vấn đến sùi bọt mép. Và có lẽ cái “mode” này là sáng kiến cuối cùng của bà Nhu.
Phong trào liên đới phụ nữ do bà Nhu sáng lập là một tập đoàn ganh tị lẫn nhau, tập trung nhiều ý tưởng hỗn tạp. Chẳng đi đến kết quả mong muốn về xã hội, thăng tiến phụ nữ mà chỉ là món quà làm dáng cho bà Nhu.
Ngoài ra tôi nhận định rằng các bà tụ tập ở Phong trào liên đới phụ nữ do những nguyên nhân sau:
-Ra mắt bà cố vấn.
-Hỗ trợ cho chồng thăng quan tiến chức.
-Chứng tỏ vai trò quan trọng người phụ nữ trong công tác xã hội.
Ngoài các phu nhân kể trên, không thể quên một số “ngài” dân biểu quốc hội.
Bà Nhu là một đơn vị nhỏ bé của phụ nữ Việt Nam. Bà thắng thế hơn các phụ nữ khác là vì em dâu Tổng thống, vợ của ông cố vấn Tổng thống, bọn tôm tép trí thức khoa bảng, những bà nội trợ dựa quyền tước của chồng đã làm cho bà Nhu thêm vây thêm cánh, để khuấy động một phần nào trên đất nước này.
Bà Nhu kiêu căng tự hào thông minh, tinh khôi. Điều đó để hiểu ở mọi người đàn bà có địa vị cao sang. Vai trò Đệ nhất phu nhân, Chủ tịch sáng lập Phong trào liên đới phụ nữ, dân biểu, tạo nên một phụ nữ hống hách, đã làm sai lệch cán cân dư luận bên ngoài đối với bà Nhu.
Khoảnh khắc đời thường “dịu dàng” hiếm hoi của gia đình bà Nhu |
Một sự sai lầm lớn lao là dư luận đã quan trọng hóa bà Nhu. Báo chí ngoại quốc săn đuổi, trích đăng những lời tuyên bố của bà ta. Một người đàn bà từ ở chỗ bóng mờ đã được phóng lớn dưới kính hiển vi quần chúng.
Tôi xác nhận, bà Nhu có lúc đáng ghét, phải nhanh tay loại trừ ra ngoài chế độ Ngô Đình Diệm. Cái đáng ghét này là vòng lẩn quẩn trong quyền uy và danh lợi. Bà ta đã sống trên dư luận, giày xéo dư luận”
Tác giả Đỗ Thọ viết: “Chế độ Ngô Đình Diệm trải qua chín năm như đã cũ mèm. Dân chúng đang thèm cái mới để xóa tàn tích cũ mà ai ai cũng cho là bất lực trước chiến sự đang lan rộng và tham nhũng. Hơn nữa, càng ngày những người thân thuộc trong gia đình Tổng thống Diệm càng nhúng tay vào sự hoạt động của chính phủ, nhất là lĩnh vực kinh tài.
Bắt đầu là ông Ngô Đình Cẩn khai thác quế ở Quãng Ngãi, viện cớ kinh thi cho phong trào Cách mạng quốc gia. Và lập văn phòng chỉ đạo miền Trung, cố vấn cho Tổng thống Diệm ở ngoài ấy. Từ đó người ta kính cẩn gọi ông Ngô Đình Cẩn là cậu cố vấn chỉ đạo.
Ở đời, ai ai không có thói hư tật xấu. Con người chứ đâu có phải thần thánh mà không có hỷ, nộ, ái, ố. Gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị “nịnh hót” nên bị sụp đổ.
Tổng thống Diệm xuất xứ từ giai cấp quan lại phong kiến. Bao nhiêu năm bươn chải, Tổng thống Diệm ý thức được tàn tích phong kiến, quan lại, cường hào ác bá. Cho nên khi về làm Thủ tướng năm 1954, ông đã đề xướng bài phong, đả thực. Công cuộc đang chạy ngon trớn. Và chính bản thân của ông cũng cải cách cấp tiến. Nhưng rồi khi lên làm Tổng thống, bọn “nịnh thần” đã làm ông có tư thế quan lại, phong kiến thật đậm hơn trước.
Bằng chứng vào những năm 1956 Tổng thống Diệm phổ biến văn thư xuống các bộ, chính quyền địa phương bãi bỏ tiếng “Ngài” trong đơn từ kiến nghị cho Tổng thống. Thế mà bọn “nịnh thần” vẫn khư khư giữ lấy chữ “Ngài”, “Cụ” khi chỉ đến Tổng thống Diệm.
Ngoài ra bọn chúng đứng trước Tổng thống thì khúm núm, vò tay, gãi đầu, Tổng thống vừa tra điếu thuốc lên mồm là vội vàng quì mộp, cúi đầu, bật hộp quẹt cho Tổng thống châm lửa. Không những bọn nịnh hót làm những cử chỉ đó với Tổng thống Diệm mà còn làm với ông Cẩn, ông Nhu. Một đứa thấy đồng bọn làm như vậy thì bắt chước làm theo. Ông Diệm, ông Nhu, ông Cẩn thấy thế thành thói quen. Bận sau người khác không làm như thế thì thấy xúc phạm. Vì thế bọn nịnh hót đã làm “hư” Tổng thống Diệm như “Ngài Thượng thư Diệm” của triều đình Huế.
Từ Dinh Độc Lập, trong dinh Gia Long, bọn nịnh thần ra vào ít lộ liễu. Và dù sao đúng trước một Tổng thống cũng nên tha thứ một phần ươn hèn cho bọn chúng. Nhưng việc tâng bốc quá cỡ đối với cậu cố vấn chỉ đạo miền Trung không thể nào tha thứ.
Vào ngày mồng 1 Tết tôi thường đi với Tổng thống Diệm về Huế. Ngôi nhà ngày xưa Tổng thống Diệm sinh trưởng tọa lạc trong mảnh vườn nhỏ ở Phú Cam. Qua cầu Lò Rèn bắc ngang con sông An Cựu nắng đục, mưa trong đã thấy nhà thờ lớn Phú Cam đứng sừng sững. Chừng nửa con dốc nhà thờ về bên trái là ngôi nhà Tổng thống Diệm. Nơi cậu ấm Cẩn cùng mẹ già đang sống.
Từ ngày ông Diệm trở thành Tổng thống ngôi nhà đó khách khứa ra vào tấp nập. Từ anh công chức hạng trung, công chức hạng bự cho đến các Bộ trưởng, Tướng lãnh đều bước chân vào đó ít ra cũng 5 lần 10 bận. Riêng cái lớp người nịnh hót thì kể sao cho xiết được.
Các Tư lệnh vùng, Tư lệnh sư đoàn đủ mọi binh chủng, Bộ trưởng, Chủ tịch các phong trào ủng hộ chế độ đều đến Huế trước khi bước qua thềm năm mới. Nếu vị nào không đến Huế chúc thọ Cụ cố vì muốn hưởng xuân với gia đình mấy ngày Tết bị tức tưởi lo âu sợ ông cố vấn chỉ đạo để ý thì toi một đời. Thành thử không mấy ai vắng mặt. Và khi đến chúc thọ thì tức khắc là bộ mặt nịnh hót quyết liệt.
Những lúc như thế này tôi được thấy tướng Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh vùng bốn, tướng Trần Văn Đôn, tướng Đỗ Cao Trí, đại tá Lê Quang Tung, đại tá Huỳnh Hữu Hiền, đại tá Đinh Sơn Thung, trung tá Huỳnh, trung tá Kỳ Quang Liêm, tướng Nguyễn Khánh.
Tất cả đều bái lạy Cụ bà chúc thọ. Trong khi ấy một số Bộ trưởng cũng nối gót Tổng thống ra Huế. Tôi thấy có mặt ông Nguyễn Đình Thuần, Ngô Trọng Hiếu, Nguyễn Lương, Bùi Văn Lương, Cao Xuân Vĩ và nhiều nhân viên mật vụ từ Sài Gòn ra.
Câu đối, trướng liễu, quà ngon, vật lạ dâng lên gia đình họ Ngô không có chỗ chứa. Những món quà chúc Tết từ trung ương của các Bộ trưởng, Tướng lãnh được chất đống trong gian phòng. Còn những quà chúc Tết của các ông quận trưởng, đoàn thể địa phương phải để trên văn phòng ông cố vấn chỉ đạo. Vì trong nhà này không còn chỗ chứa.
Những món quà tặng nhiều lúc rất kỳ lạ. Nào là cặp trăn rừng to lớn nằm trong củi của một ông quận ở Quãng Ngãi, đôi ngài gạt của ông quận ở Ba Lòng, Quảng Trị một bầy ngỗng, chim, cá…
Tối hôm đó, sau giờ giao thừa Tổng thống Diệm đọc lại những câu đối, trướng liễu để coi có đứa nào nó chơi chữ với gia đình ông không”.