Bi kịch sau bài diễn văn của Tổng thống William Henry Harrison

Ông William Henry Harrison là tổng thống thứ 9 của nước Mỹ.
Ông William Henry Harrison là tổng thống thứ 9 của nước Mỹ.
(PLO) -Vị tổng thống thứ 9 của nước Mỹ William Henry Harrison gắn liền với một sự đối lập nổi tiếng: người có bài diễn văn nhậm chức dài nhất trong lịch sử nhưng cũng là vị tổng thống tại nhiệm ngắn ngủi nhất của Mỹ. 

William Henry Harrison sinh ngày 7/9/1773 trong một gia đình nổi tiếng về truyền thống chính trị. Cha của ông là Benjamin Harrison – một đại biểu Quốc hội, người đã ký vào bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và từng giữ chức Thống đốc bang Virginia trong 2 nhiệm kỳ. Anh trai của ông là Carter Bassett Harrison cũng được bầu làm Hạ nghị sỹ bang Virginia.

Vị chỉ huy quân đội tài ba

Năm 1787, ở tuổi 14, Harrison vào Đại học Presbyterian Hampden–Sydney và nhanh chóng đọc thông viết thạo cả tiếng Latin lẫn tiếng Pháp. Cũng trong môi trường học đường, cậu trai trẻ dần nhận thức được rõ tính tàn bạo của chế độ nô lệ nên đã tham gia một số phong trào phản đối chế độ này. Chuyện sẽ không quá nghiêm trọng nếu cha của ông không phải là người nhiệt thành ủng hộ chế độ nô lệ.

Ngay khi phát hiện con trai có tư tưởng khác mình, năm 1790, ông Benjamin đã ngay lập tức chuyển Harrison tới Philadelphia để theo học ngành y – ngành mà ông không hề có hứng thú. Song, chuyện cũng không yên ổn ở đó.

Chỉ 1 năm sau khi Harrison vào trường y, cha của ông đột ngột qua đời, khiến gia đình lâm vào cảnh túng quẫn. Harrison vì thế đã phải bỏ dở việc học hành.

Biết được hoàn cảnh của Harrison, Thống đốc bang Virginia lúc bấy giờ là ông Henry Lee – một người bạn của ông Benjamin – đã thuyết phục ông nhập ngũ. Chỉ 24 tiếng sau khi cuộc gặp với ông Lee, Harrison đã quyết định nghe theo lời khuyên của ông, trở thành thành viên của Trung đoàn bộ binh số 1 của quân đội Mỹ ở tuổi 18. 

Năm 1798, Harrison rời quân đội và bắt đầu tham gia vào chính trường. Chỉ 1 năm sau đó, ở tuổi 26, ông đã đánh bại nhiều đối thủ mạnh để trở thành đại biểu của vùng lãnh thổ Tây Bắc tại Quốc hội Mỹ.

Đến năm 1800, ông trở thành Thống đốc của vùng lãnh thổ bao gồm các bang Indiana, Illinois, Michigan, Wisconsin và một phần Minnesota.

Trong thời gian này, ông đã thành công trong việc vận động các nghị sỹ thông qua Đạo luật đất đai Harrison, theo đó cho phép mua bán đất dễ dàng. Cùng thời điểm, ông cũng tích cực góp tiếng nói nhằm xóa bỏ chế độ nô lệ nhưng không thành.

Khi cuộc chiến giữa quân đội Mỹ và những người da đỏ nổ ra vào năm 1810, Harrison quay trở lại quân ngũ. Ông tỏ ra là một vị chỉ huy đầy bản lĩnh, thông minh, góp phần đưa đến nhiều chiến thắng quan trọng cho quân đội Mỹ.

Trở về từ chiến tranh vào năm 1812, ông kinh qua nhiều vị trí khác nhau. Năm 1836 ra tranh cử tổng thống nhưng thất bại, nhưng đến năm 1840 ông đã tranh cử thành công, trở thành tổng thống thứ 9 của Mỹ. 

Bài phát biểu dài kỷ lục

Ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Harrison là 4/3/1841. Buổi sáng hôm đó, ước tính khoảng 50.000 người đã tới thủ đô của nước Mỹ để dự lễ nhậm chức của ông. Đây cũng là buổi lễ nhậm chức có đông người tham dự nhất tại Mỹ kể từ sau lễ nhậm chức của Tổng thống George Washington. 

Sau nghi lễ tuyên thệ, tân tổng thống có bài phát biểu trước công chúng. Trong suốt chiến dịch tranh cử diễn ra trước đó, từ sự tư vấn của các cố vấn, Harrison đã không có nhiều phát biểu gây chú ý.

Do đó, ít ngày trước khi nhậm chức, ông đã quyết định sẽ sử dụng bài diễn văn này để công bố toàn bộ quan điểm về các vấn đề liên quan đến nền chính trị Mỹ cũng như các đường hướng của chính phủ mới do ông đứng đầu.

Ngoài ra, ông cũng muốn qua bài phát biểu này để dập tắt những ý kiến chế giễu của một số người vốn cho rằng ông không có trí tuệ uyên thâm, không hiểu biết nhiều mà chỉ giỏi sử dụng đao kiếm.

Với việc đọc thông viết thạo tiếng Latin và Pháp, ông đã viện dẫn rất nhiều điển tích, điển cố của các nền văn minh khác nhau vào bài phát biểu này. 

Vài ngày trước lễ nhậm chức của Harrison, ông đồng ý cho Ngoại trưởng tương lai Daniel Webster sửa lại bài phát biểu. Theo một số nhân chứng, ông Webster đã phải mất đến cả ngày vật vã, cắt xén bài phát biểu của tổng thống. Dù ông Webster đã cắt đi tương đối nhiều tình tiết nhưng bài phát biểu của ông Harrison vẫn còn đến 8.445 chữ. Cho đến nay đây vẫn là bài phát biểu nhậm chức dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. 

Với độ dài như vậy, ông Harrison đã mất đến 1 tiếng 40 phút để hoàn thành bài phát biểu của mình. Những người ủng hộ vị tổng thống mới thì ca ngợi sự chu đáo và tỉ mỉ của ông, còn những người không ưa thì tỏ rõ sự bất mãn, thậm chí đi lại và nói chuyện rôm rả trong lúc vị tổng thống vẫn say sưa diễn thuyết.

Tai họa bất ngờ

Có lẽ bài phát biểu nói trên đã không được mọi người nhắc đến quá nhiều như ngày hôm nay nếu tai họa không ập đến. Cụ thể, ông Harrison đắc cử khi tuổi đã cao.

Ở thời điểm mà tuổi thọ trung bình của người Mỹ chỉ khoảng 39,5 thì lúc ông nhậm chức đã 68 tuổi, trở thành tổng thống đắc cử nhiều tuổi nhất tại Mỹ tính đến thời điểm năm 1841 và còn tiếp tục giữ kỷ lục này cho đến khi ông Ronald Reagan được bầu làm tổng thống Mỹ hồi những năm 1980. 

Trong quá trình tranh cử đã có nhiều ý kiến chỉ trích, cho rằng ông đã quá già yếu để đảm nhận chức vụ tổng thống. Thực tế cũng chứng minh sức khỏe của ông Harrison không tốt khi ông bị mắc chứng rối loạn tiêu hóa mãn tính và đã suýt chết vì bệnh sốt rét 7 năm trước. 

Không những thế, thời tiết ngày hôm đó lại rất khắc nghiệt, khi nhiệt độ giảm sâu đến gần 0 độ C, lại có mưa và những cơn gió rít, khiến cho cái lạnh càng thêm cắt da cắt thịt.

Trong khi đó, vì không muốn người khác thấy mình yếu đuối nên ông Harrison đã từ chối mặc áo khoác hay để người khác che ô. Hậu quả là, kết thúc các nghi lễ của ngày nhậm chức, ông trở về nhà với vẻ kiệt sức rõ ràng.

Trong suốt những ngày sau đó, sức khỏe của ông không có tiến triển tốt và đến ngày 26/3 cùng năm, ông Harrison được phát hiện đã bị viêm phổi.

Dù đã được các bác sỹ tích cực điều trị nhưng chỉ 9 ngày sau đó, ngày 4/4/1841, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12h30, chỉ sau đúng 1 tháng kể từ ngày trở thành tổng thống Mỹ. 

Bác sỹ của ông Harrison là Thomas Miller ghi nhận ông qua đời do viêm phần thùy dưới của cánh phổi bên phải, mà nguyên nhân được xác định chính là do ông bị cảm lạnh trong quá trình phát biểu trước người dân trong thời tiết khắc nghiệt trong lễ nhậm chức.

Cho đến nay, đây vẫn được ghi nhận là nguyên nhân tử vong của ông Harrison. Nhưng, các tài liệu được công bố hồi năm 2014 cho rằng vị tổng thống Mỹ nhiều khả năng đã tử vong do bị nhiễm trùng đường tiêu hóa vì hệ thống vệ sinh ở Nhà Trắng khi đó không được đảm bảo.

Tổng thống của nhiều thứ đầu tiên

Ngoài câu chuyện về bài diễn văn nổi tiếng nói trên, vị tổng thống thứ 9 của nước Mỹ William Henry Harrison cũng có một số điểm khác biệt khiến nhiệm kỳ của ông trở nên độc đáo hơn.

Ví dụ, ông chính là tổng thống đầu tiên được chụp ảnh khi đang ở nhiệm sở và cũng là tổng thống đầu tiên của Mỹ qua đời khi đang tại nhiệm.

Cái chết của ông đã dẫn đến cuộc khủng hoảng hiến pháp tại Mỹ khi chính phủ đột ngột lâm vào tình trạng không có người đứng đầu và hiến pháp Mỹ lúc bấy giờ cũng không quy định rõ về các cách thức xử trí trong trường hợp này. 

Vì lẽ đó, Tu chính án thứ 25 của Mỹ sau đó đã ra đời, với những chỉ dẫn rõ ràng về các giải pháp mà một chính phủ có thể thực hiện trong trường hợp tổng thống đương nhiệm không may qua đời, từ chức, bị cách chức hay vì một số lý do nào đó mà không thể đảm nhiệm được cương vị của mình.

Thêm vào đó, cái chết của ông cũng đồng nghĩa với việc nước Mỹ đã có đến 3 tổng thống trong chỉ 1 năm - một hiện tượng tương đối hiếm gặp.

Cũng vì qua đời khi mới tại nhiệm được một tháng nên di sản của ông Harrison trên cương vị tổng thống gần như không có gì. Trong suốt những ngày ngắn ngủi làm chủ Nhà Trắng, ông đã không thông qua được một đạo luật, ký ban hành một sắc lệnh hay các hoạt động nào nổi bật và đã bị xếp vào danh sách những tổng thống bất tài nhất trong lịch sử nước Mỹ. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng với những quan điểm tiến bộ và thành tích đạt được trước đó, nếu có thể giữ chức lâu hơn, ông có thể sẽ làm được rất nhiều việc tốt. Cháu trai của ông Benjamin Harrison về sau trở thành tổng thống thứ 23 của nước Mỹ./.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.