Trong mắt bạn bè, nàng là một cô gái sắc sảo, cá tính. Bạn bè thời tiểu học nhớ về nàng trong hình ảnh cô bé mặc váy hồng, tóc tím hai bên, hay “dọa nạt” bạn trai để mượn tẩy, mượn bút chì, que tính… Lên cấp hai, nàng là cô gái không “ngán” bất kỳ trò chơi nào của lũ con trai. Cấp 3, vẫn là bím tóc hai bên đong đưa theo tà áo trắng. Không còn thích các trò chơi cảm giác mạnh, nhưng các bạn trai lè lưỡi, lén lút gọi nàng là: Bà la sát.
Không gây gổ, không ưa cãi vã, nhưng bất kỳ đứa bạn nào làm nàng phật ý, nàng sẽ khiến người bạn đó “nhớ đời” vì những câu phản pháo sâu cay của một cô nàng giỏi văn. Đấy là chỉ làm nàng phật ý, còn khi đã làm nàng cảm thấy bị xúc phạm, thì hậu quả còn đáng sợ hơn nhiều. Kể cả những anh chàng có lỡ si mê nàng, nhưng lại tán tỉnh nàng một cách “không hợp khẩu vị” cũng bị nàng “cạch mặt tới già”.
Mãi cho đến khi tốt nghiệp đại học, rồi đi làm, thắng tiến ầm ầm, đám bạn của nàng vẫn nghĩ nàng là cô gái “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, một cô nàng xinh đẹp, đảm đang, nhưng… chắc tính. Thế rồi, nàng “sang ngang”. Bỏ lại cuộc chơi, và bỏ lại hình bóng một cô nàng kiêu kỳ, tự tôn trong quá khứ.
Chồng nàng là một tri thức đẹp mã. Anh luôn xuất hiện với sự chỉn chu, mực thước và lịch thiệp nhất. Thế nhưng sau cánh cửa của ngôi nhà nhỏ, vỏ bọc của chàng bạch mã được vứt đi, nàng đối diện với một người chồng khắt khe, gia trưởng.
Gã có thể cằn nhằn từ một hạt sạn rất nhỏ trong bát cơm, có thể cằn nhằn đến cái tăm để không đúng chỗ, cằn nhằn vì cái nền nhà vệ sinh không khô ráo. Thức ăn hơi mặn, cơm hơi khô, rau luộc không mềm… những câu cằn nhằn của chồng làm nàng hoang mang.
Cô nàng “bếp trưởng” của những bữa hội họp bạn bè, gia đình… bỗng nhiên thành một người nấu bếp cực tồi của chồng. Điều đáng nói là nếu có một ngày đẹp trời nào đó, chồng nàng muốn thể hiện “tài năng” với vợ, khi đấy, thể nào nàng cũng được thưởng thức những món ăn có một không hai trên đời, ví như chè sắn dây… quên bỏ đường, thịt bò xào… cháy cạnh, hay rau bí… kho.
Ấy vậy nhưng, khi dư vị của những món ăn đặc biệt này vẫn còn vất vưởng trong nhà, những bữa cơm nàng chuẩn bị cho hai vợ chồng vẫn được êm thêm gia vị là những lời cằn nhằn của ông chồng khó tính.
Không chỉ phải nghe nhưng lời cằn nhằn về một món ăn không hợp khẩu vị, hay vì cái khăn mặt phơi không ngay ngắn, mà bất kể lúc nào, mỗi khi có chuyện gì đó chồng không hài lòng, nàng đều nhận được những lời chửi rủa thậm tệ. Khốn thay, gã cứ nhằm vào bố mẹ nàng mà chửi. Gã chửi vì ông bà đã… không biết dạy con.
Nghĩ đến thời nồng nàn yêu thương, nhưng lúc tay ấp má kề, nàng dùng lý lẽ lịch thiệp để đối thoại. Gã cùn ngó lơ sự tử tế của nàng, ném trả bằng những câu chửi tục tằn, thô lỗ hơn. Thương những đứa con khi phải chứng kiến bố mẹ chửi nhau bằng những ngôn từ hạ đẳng, thương bố mẹ bị chửi nhiều hơn mỗi khi nàng lời qua tiếng lại, nàng chọn cách im lặng mỗi khi chồng nổi khùng.
Những người biết chuyện của nàng, phẫn nộ cho rằng nàng đã quá nhu nhược và hèn yếu. Nàng cũng không hiểu nổi nàng. Nàng mong nàng trở lại con người của ngày xưa, con người không biết khoan nhượng trước bất kỳ sự xúc phạm nào.
Chưa làm được gì, nàng lại thương con, lại xót bố mẹ, và nàng tự AQ cho tình cảnh bị át vía của mình rằng: Chỉ có người thần kinh không bình thường, mới có thể ăn nói như vậy, cư xử như vậy, mà đã là những người thần kinh không bình thường thì đáng thương hại lắm. Nàng đổi giận thành thương gã chồng bất nhẫn của mình./.