Sau 8 năm kể từ khi bị khởi tố, tháng 5/2012, ông Hồ Thanh Hải (sinh năm 1953, trú tại quận Bình Thạnh, TP HCM) được Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đình chỉ điều tra về tội “Trốn thuế” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với lý do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS)và hành vi không còn nguy hiểm. Nhưng thay vì vui mừng, ông Hải đã có đơn đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại quyết định đình chỉ điều tra này.
Ông Hải trước cơ sở bị bỏ hoang do ông bị bắt giam |
Dấu hiệu oan sai
Cùng được đình chỉ điều tra trong vụ án này còn có 9 người khác: 1 người với tội “Trốn thuế” và 8 người với tội “Lưu hành các giấy tờ có giá giả khác”. Theo kết luận điều tra mới nhất của CQĐT Công an TP HCM (tháng 5/2012), thời điểm năm 1999- 2001, ông Hải là Giám đốc doanh nghiệp tư nhân (DN) chế biến thủy sản Bình Hưng và Giám đốc Cty TNHH Hải Bình (đều có chức năng thu mua, chế biến hải sản xuất khẩu) đã chỉ đạo nhân viên ký hợp đồng mua bán hải sản với 1 số doanh nghiệp dưới hình thức giao hàng tay 3 (bên mua, bên bán ký hợp đồng mua bán. Nhưng bên mua nhận hàng, thanh toán trực tiếp với ngư dân và chỉ chuyển số tiền chênh lệch giá cho bên bán).
CQĐT cho rằng, số hải sản trên là do DN Bình Hưng và Cty Hải Bình thu mua của ngư dân, còn bên B (bên bán hàng) không có hải sản. Việc ký hợp đồng này là để DN Bình Hưng và Cty Hải Bình lấy hóa đơn của bên A (bên bán hàng), xác lập hồ sơ xin hoàn thuế và kê khai khấu trừ thuế. Số tiền hoàn thuế của DN Bình Hưng và Cty Hải Bình hơn 6,8 tỷ đồng bị CQĐT coi là tiền “lừa đảo”; còn số tiền khấu trừ thuế hơn 18,6 tỷ đồng bị cho là tiền “trốn thuế”.
Ngoài việc cáo buộc ông Hải có hành vi lừa đảo và trốn thuế, CQĐT còn có cho rằng bên A đã không có hải sản nhưng vẫn ký hợp đồng rồi “xuất khống” hóa đơn cho DN Bình Hưng và Cty Hải Bình là hành vi “lưu hành giấy tờ có giá giả khác”. Từ đó, CQĐT đã khởi tố 8 người là giám đốc hoặc người đại điện của các Cty đã ký hợp đồng bán hải sản và xuất hóa đơn cho DN của ông Hải.
Mặc dù vụ án được khởi tố từ năm 2004 với 6 lần điều tra bổ sung, hai lần tạm đình chỉ điều tra rồi phục hồi điều tra, 4 lần trưng cầu giám định về thuế nhưng qua 5 lần xét xử, Tòa án vẫn không thể kết tội được những liên quan trong vụ án này.
Gần đây nhất, tháng 5/2012, sau khi có bản KLĐT số 223-29/KLĐTBS- PC 46 (Đ8), CQĐT Công an Tp HCM đã ra Quyết định đình chỉ điều tra vụ án, Quyết đình chỉ điều tra đối với các bị can về các tội danh “Trốn thuế”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lưu hành các giấy tờ có giá giả khác”. Điều đáng nói, tuy có 1 loạt quyết định trên nhưng CQĐT vẫn giữ nguyên quan điểm về việc các bị can đã thực hiện hành vi tội phạm; lý do đình chỉ điều tra là do “hết thời hiệu” và “hành vi không còn nguy hiểm”.
Đối với hành vi trốn thuế, KLĐT nêu “trong quá trình xử lý vụ án có vướng mắc Giám định tư pháp về thuế nên vụ án bị kéo dài hơn 10 năm. Đến nay đã hết thời hiệu truy cứu TNHS về tội trốn thuế”. Còn hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ để kê khai hoàn thuế VAT, KLĐT nêu: “Luật Quản lý Thuế có hiệu lực từ năm 2007, sau nhiều lần sửa đổi bổ sung thì quy định về việc truy thu do hoàn thuế sai có lợi hơn so với quy định cũ nên hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong việc kê khai hoàn thuế của Hồ Thanh Hải không còn nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, miễn truy cứu TNHS với Hồ Thanh Hải”
Quan điểm “hết thời hiệu” của Cơ quan điều tra là sai
Như vậy, có thể hiểu lý do của việc “hết thời hiệu truy cứu TNHS” hoặc để cho “hành vi không còn nguy hiểm” trên đây là CQĐT đã “kéo dài” quá trình điều tra vụ án (8 năm). Điều này phải chăng đã có chuyện bỏ lọt tội phạm do quá trình điều tra đã có sự chậm trễ, để thời hạn không truy cứu TNHS “vượt” cả thời hạn điều tra. Những tưởng sẽ “vui mừng” vì được thoát tội nhưng thực tế ông Hải lại vô cùng bức xúc:“Tôi bị khởi tố oan do việc làm của tôi không cấu thành tội phạm.
CQĐT cần có quyết định thừa nhận tôi không phạm tội. Việc “miễn truy cứu TNHS” như trên là để né trách nhiệm bồi thường oan sai cho tôi và những người bị khởi tố oan trong vụ việc này. Tôi đã có đơn đến VKSND và Công an TP HCM yêu cầu được bồi thường theo Luật bồi thường Nhà nước và yêu cầu được nhận lại 1,8 tỷ đồng đã nộp cho CQĐT trong quá trình điều tra vụ án”.
Trước quan điểm của CQĐT Công an TP HCM về việc “hết thời hiệu trên đây”, Luật sư Dương Kim Sơn (Cty Luật TGT và Cộng Sự) cho rằng: “Điều 23 Bộ luật Hình sự quy định: “Thời hiệu truy cứu TNHS là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Trong vụ này, hành vi của ông Hải xảy ra từ năm 2000, 2001 và đến tháng 5/2004 thì CQĐT có Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Việc khởi tố này chính là việc làm nhằm truy cứu TNHS đối với ông Hải. Như vậy, thời gian mà cơ quan chức năng “bỏ quên” hành vi của ông Hải nếu có cũng chỉ được tính đến tháng 5/2004, tức là chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS theo quy định tại khoản 2, Điều 23 BLHS.
“Thời hiệu” và “thời gian tiến hành tố tụng” là hai khái niệm khác nhau, cũng không có quy định nào về việc “thời gian tiến hành tố tụng được trừ vào thời hạn để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự". CQĐT lại tính “thời gian tiến hành tố tụng” vào “thời hiệu truy cứu TNHS” như trong vụ việc này là không chính xác. Còn đằng sau việc cố tình tính toán như trên cũng có thể là động thái để “né” việc bồi thường như phản ánh của ông Hải.
Khoa Lâm