Bí ẩn chùa Bà và truyền thuyết về Thiên hậu Thánh mẫu cứu tàu thuyền mắc cạn

Chùa Bà - nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.
Chùa Bà - nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.
(PLO) -Đã thành thông lệ, vào cuối tháng Giêng đầu tháng 2 Âm lịch hàng năm, dòng người tấp nập đổ về chùa Bà (ở thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) để dự Lễ hội Đô thị Nước Mặn. Chùa Bà là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, theo truyền thuyết là người có công cứu vớt thuyền bè mắc cạn nơi vùng cảng thị thuở xưa.
 

 

Lễ hội có truyền thống 400 năm

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Nhân (ở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) - người nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu về cảng thị Nước Mặn, Lễ hội Đô thị Nước Mặn là một trong những lễ hội cổ truyền có quy mô lớn và ra đời sớm nhất ở Bình Định cách đây 4 thế kỷ. 

Kể từ khi cảng thị Nước Mặn bước vào thời phồn vinh, người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến dong thuyền sang xin chúa Nguyễn nhập cư mở phố buôn bán cùng người Việt, lập chùa Ông (Quan Thánh đế miếu) và chùa Bà (Thiên Hậu miếu) ở thôn An Hòa để thờ cúng.

Lễ hội được tổ chức ở chùa Bà, vùng trung tâm cảng thị thuở trước, nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu - vợ của Trời, là một nhân vật huyền thoại đã có công cứu vớt tàu thuyền mắc nạn trên biển khơi. Với tinh thần nhân văn cao cả, người đàn bà họ Lâm tên là Mị Châu, dân gian thường gọi Lâm Nương Nương được các tàu thuyền đặt bàn thờ đầu mũi cúng vái mong bà che chở cho khi vào lộng ra khơi. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân giải thích: “Thiên Hậu là tên tôn xưng không những được vua Tống thuở xưa mà còn được các vua nhà Nguyễn nước ta về sau ban sắc phong để ghi nhớ công ơn của vị thần đức hạnh này. Có như vậy là vì tục thờ Thiên Hậu của người Hoa khi du nhập vào Việt Nam bắt gặp tục thờ thần Mẫu (thần Mẹ) truyền thống của người Việt thì dễ dàng được dân tộc ta tiếp nhận.

Thuở trước, Đàng Trong cũng như ở Đàng Ngoài, ở đâu có đông đảo người Hoa tới lập phố buôn bán là ở đấy có miếu thờ Thiên Hậu như Phố Hiến (tỉnh Hưng Yên), Hội An (tỉnh Quảng Nam), Nước Mặn (tỉnh Bình Định), Vũng Lấm (tỉnh Phú Yên) và có cả ở tỉnh Đồng Nai”.

Lễ hội Đô thị Nước Mặn ra đời và được tổ chức ở chùa Bà vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt - Hoa khi biên giới Đại Việt mới tới núi Đá Bia (thuộc Đèo Cả, tỉnh Phú Yên), và cứ thế duy trì, phát triển, thăng trầm theo nhịp sống của cảng thị này. 

“Cho đến ngày nay, mặc dù cảng thị Nước Mặn đã suy tàn, biến dạng thành một vùng quê yên tĩnh nhưng chùa Bà vẫn còn, Lễ hội Đô thị Nước Mặn vẫn còn như một hoài niệm về một đô thị thương cảng đã từng là trung tâm thương mại, văn hóa một thời của Bình Định”, nhà nghiên  cứu Nguyễn Xuân Nhân cho biết.

Rất đông người dân đến cúng bái trong Lễ hội Đô thị Nước Mặn.
Rất đông người dân đến cúng bái trong Lễ hội Đô thị Nước Mặn.

Đặc sắc, hiếm có

Lễ hội Đô thị Nước Mặn được tổ chức hàng năm trong 4 ngày, bắt đầu từ những ngày cuối tháng Giêng đến đầu tháng 2 âm lịch hàng năm. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 25 đến 28/2 (tức 29 tháng Giêng đến mùng 3 tháng 2 âm lịch).

Thuở xưa, khi cảng thị Nước Mặn còn phồn vinh, phố phường đông đúc, tới ngày lễ dưới sự điều hành của ban nghi lễ, dân cảng thị cả người Việt và người Hoa khiêng kiệu tới miếu Thành Hoàng, miếu Quán Thánh, miếu Bà Mụ (bà chúa Thai sinh - Bảo sản) rước linh vị của các vị thần này về chùa Bà để chuẩn bị tế lễ. 

“Nửa đêm ngày 30 là lễ tế chính thức thần Thành Hoàng, Thiên Hậu, Quan Thánh, Bà Mụ là những vị thần khai sáng che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của mọi người dân cảng thị, cầu xin các vị thần ban phúc lành cho làm ăn phát đạt, con cháu đông đúc, sinh đẻ tốt lành để cảng thị ngày một phát triển.

Những gia đình trong năm qua làm ăn phát đạt, giàu có hẳn lên, sinh con đạt ý nguyện như đã cầu xin hay tai qua nạn khỏi thành kính mang lễ vật tới tạ ơn các vị thần”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân cho biết.

Phần tế lễ thể hiện rõ tinh thần dung hợp tín ngưỡng Việt - Hoa trong đời sống tâm linh của người Nước Mặn. Các vị thần người Việt và người Hoa sùng bái đều được rước về ngồi chung trong chùa Bà để mọi người gần xa tới chiêm bái, thỉnh cầu. Sự xuất hiện thần Thành Hoàng trong tế lễ với ngai thờ riêng chứng tỏ các vị thần dù của người Việt hay người Hoa đều chịu sự cai quản của Thành Hoàng bản xứ.

Sau ngày tế thần là những ngày hội. Ban tế lễ cũng như ban tổ chức hội đều dưới sự cai quản, hướng dẫn của chính quyền cảng thị. Ngày tế thần là nghi thức tín ngưỡng, tới ngày hội mới thực sự phô diễn hết vẻ đẹp văn hóa cảng thị xưa.

Nghi thức đầu tiên là hình thức rước các biểu trưng trên đường phố để tưởng nhớ, suy tôn công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng sình lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất ở miền cực nam nước ta thời bấy giờ. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân cho biết: “Những hình người như kẻ đốn cây phá rừng ngập mặn, người vỡ ruộng đắp bờ, kẻ bủa lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc… được cung kính đặt lên kiệu nối theo nhau khiêng đi. Lại còn có biểu trưng tàu thuyền viễn dương với những tay chèo vạm vỡ vượt sóng gió làm sống lại những ngày đầu tàu thuyền bốn phương tới cảng thị buôn bán”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi rước các biểu trưng, các trò chơi dân gian nối tiếp diễn ra. Tùy điều kiện tổ chức từng năm nhưng nhìn chung có đánh đu, kéo co, đấu võ. Có trò chơi tao nhã như thả thơ, xổ cổ nhơn, hô bài chòi, đánh cờ người. 

Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, biển lùi ra xa, tàu thuyền lớn không vào Nước Mặn được, cảng thị suy tàn, chuẩn bị cho cảng thị Quy Nhơn ra đời vào cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX. Ngày nay, sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều di tích còn lại của cảng thị bị xóa sạch. Chính quyền địa phương tu bổ lại chùa Bà - miếu thờ duy nhất còn lại ở vùng trung tâm cảng thị cho đến ngày nay. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân cho biết: “Hiện nay, các đền miếu khác không còn nên trong chùa Bà đặt bàn thờ cả ba vị thần: Thiên Hậu ở gian giữa, Thành Hoàng và Bà Mụ ở hai bên. Cũng như các lễ hội khác, Lễ hội Đô thị Nước Mặn có một vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của cư dân cảng thị Nước Mặn một thời.

Đến với lễ hội, hướng tới các giá trị văn hóa nhân bản, con người cảm nhận được sự thông linh với thần linh, cảm thấy được sự chứng nhận tượng trưng mà họ tin là có thật của thần linh về những ước nguyện vốn là những nhu cầu mà thực tế cuộc sống đặt ra”.

Lễ rước các biểu trưng trong Lễ hội Đô thị Nước Mặn.
Lễ rước các biểu trưng trong Lễ hội Đô thị Nước Mặn.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống 

Trải qua bao đời tiếp nối gìn giữ, Lễ hội Đô thị Nước Mặn đã trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống, mang tính cộng đồng cao của địa phương. “Hằng năm vào dịp lễ hội, người dân địa phương tự nguyện mỗi người mỗi việc tham gia vào các khâu chuẩn bị tổ chức.

Nhiều người dân ở đây đi xa khắp nơi không về được trong dịp Tết Nguyên đán, thì lễ hội này họ sắp xếp về nên không khí ở địa phương luôn nhộn nhịp, đông vui”, ông Ngụy Cần - Trưởng Ban Quản lý di tích chùa Bà cho biết.

Từ bao đời này, người dân địa phương vẫn còn lưu truyền những câu ca dao: “Tháng giêng xem hội chùa Ông/ Mà lòng nhấc nhổm chờ mong hội Bà/ Ai đi buôn bán nơi xa/ Lo về kịp hội quê nhà thường niên”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chùa Bà được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích lịch sử vào năm 2010. Trong thời gian tới, UBND huyện Tuy Phước sẽ đầu tư nhiều công trình cụ thể, nhằm tôn tạo, phát huy di tích chùa Bà và Lễ hội Đô thị Nước Mặn, tạo thành một điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, tìm hiểu văn hóa truyền thống địa phương... thu hút thêm nhiều du khách. 

Ông Võ Tuấn Khanh - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Phước, cho biết: “Trong Nghị quyết về danh mục, kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017 của HĐND huyện, đã bố trí vốn xây dựng mới cổng chùa Bà theo kiến trúc truyền thống.

Hiện ở khu vực thôn An Hòa vẫn còn dấu tích kiến trúc cầu ngói ngày xưa, lãnh đạo huyện đã có chủ trương chỉ đạo nghiên cứu phục dựng lại. Ngoài ra, UBND huyện cũng sẽ đầu tư mở đường vào di tích chùa Bà được thuận tiện, rộng rãi hơn, xây dựng khu dịch vụ để phục vụ tốt hơn cho người dân và du khách”.

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

Điện ảnh Việt và nỗi lo tăng thuế

(PLVN) - Những năm qua, điện ảnh Việt Nam đã có những bước tiến, tăng trưởng hàng năm và có những tác phẩm “ăn khách”.Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đáng ghi nhận, ngành điện ảnh vẫn đang đối mặt với những khó khăn, rào cản về chi phí, đặc biệt vấn đề dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng - GTGT (sửa đổi) sắp tới.

Đọc thêm

'Ông vua chân dung' của nhiếp ảnh Việt Nam

Bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi bên nhạc sĩ Văn Cao vào ngày mùng 6 Tết Nhâm Thân 1992. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
(PLVN) - Sở hữu tư liệu đồ sộ với hàng vạn bức ảnh quý giá chụp chân dung các văn nghệ sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán được người trong nghề gọi với cái tên thân thương là “ông vua chân dung”. Đây không chỉ là một nghệ danh, mà còn là sự ghi nhận cho những đóng góp không ngừng nghỉ của ông trong việc lưu giữ và tôn vinh vẻ đẹp nghệ thuật qua từng khuôn mặt, từng nhân vật mà ông đã có cơ hội ghi lại trong suốt mấy chục năm qua.

'Multiverse - Đa vũ trụ' - Khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người

"Multiverse - Đa vũ trụ” ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người (Ảnh: BTC)
(PLVN) - Album “Multiverse - Đa vũ trụ” của Tùng Dương có các ca khúc ẩn chứa những câu hỏi về bản chất con người, về sinh tồn và ý nghĩa cuộc sống, về khả năng vượt thoát khỏi không gian sống chật hẹp để vươn tới những vũ trụ xa xăm hoặc để trở về khám phá một vũ trụ bên trong mỗi con người…

Khát khao làm phim điện ảnh “bom tấn”

Bộ phim "Khóc hay cười" thu hút nhiều khán giả.
(PLVN) - “Chúng tôi cố gắng một năm sẽ làm 3 - 4 phim chiếu rạp. Chúng tôi mong muốn làm phim điện ảnh bom tấn, kiểu Hollywood ”. Đó là lời chia sẻ của Đạo diễn Phạm Đức Dũng tại họp báo ra mắt Hãng phim Bạch Mã ngày 13/11/2024 tại Hà Nội.

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt

Huỳnh Thị Thanh Thủy- Tự hào nhan sắc Việt
(PLVN) -  Xuất sắc vượt qua nhiều đại diện đến từ các quốc gia trên thế giới, Huỳnh Thị Thanh Thủy đã đăng quang ngôi vị cao nhất, mang về chiếc vương miện danh giá Hoa hậu Quốc tế đầu tiên cho Việt Nam, đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu tên tuổi Việt Nam trên bản đồ nhan sắc thế giới.

'Giọng hát hay Hà Nội năm 2024' - khơi dậy tình yêu Hà Nội

Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” chính thức trở lại, tiếp tục hành trình tìm kiếm và vinh danh những giọng ca trẻ đầy tài năng của Thủ đô. (ảnh Thùy Dương)
(PLVN) - Cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội năm 2024” không chỉ là sân chơi nghệ thuật, mà còn là dịp để các thí sinh cũng như người dân Hà Nội ôn lại những trang sử hào hùng và khơi dậy tình yêu, niềm tự hào về quê hương trong trái tim mỗi người.

Văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước

Các đại biểu thảo luận tọa đàm: "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hóa số tạo nên sự khác biệt."(Ảnh: BTC).
(PLVN) -  “Trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức đặt ra, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng. Bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là giải pháp quan trọng để phát triển đất nước”.

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ

200 tác phẩm "Hiện Linh" khám phá thế giới của đất mẹ (ảnh P.V)
(PLVN) - Triển lãm gốm "Hiện Linh" mang tới công chúng, những người yêu nghệ thuật gần 200 tác phẩm lần đầu được ra mắt của Giáo sư, họa sĩ Ngô Xuân Bính. Trong không gian đương đại tại Bảo tàng Hà Nội, các tác phẩm gốm ‘Hiện Linh’ sẽ dẫn dắt người xem bước vào thế giới vừa quen thuộc, vừa mới lạ của đất Mẹ.