Năm 2012, hơn 3 triệu người chết do bệnh này, tương đương với 6% của tất cả các trường hợp tử vong trên toàn cầu. Hơn 90% các ca tử vong xảy ra do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Dự báo, số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ tăng 3-4 lần trong thập kỷ này và đến năm 2020, bệnh này sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 4,1% ở người trên 40 tuổi. Một nghiên cứu của nhóm các bác sĩ gia đình Châu Á năm 2015 nhận định, Việt Nam là nước có tần suất bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là 9,4%, có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng…
Bệnh nhân mắc COPD nặng thường kèm theo các bệnh lý như suy kiệt, tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim... phải điều trị liên tục, tốn kém. Theo thống kê, bệnh COPD là nguyên nhân gây tử vong thứ 4 trên thế giới, khiến hơn 3 triệu người chết trong năm 2012, tương đương với 6% của tất cả các trường hợp tử vong trên toàn cầu, trong đó, hơn 90% các ca tử vong là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Theo các chuyên gia y tế, trong thời tiết lạnh của mùa đông miền Bắc, số bệnh nhân mắc căn bệnh này càng có xu hướng gia tăng, diễn biến nặng. Tuy nhiên, hiện nay việc phát hiện sớm còn hạn chế, có tới 25 - 50% bệnh nhân COPD không được chẩn đoán đúng trước khi nhập viện điều trị và còn tỉ lệ rất lớn bệnh nhân không tuân thủ liệu trình điều trị dự phòng, chỉ điều trị khi có cơn kịch phát.
PGS.TS Chu Thị Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, thành viên Ban quản lý dự án phòng chống COPD và hen phế quản chỉ rõ rất nhiều sai lầm trong điều trị khiến cho tình trạng bệnh ngày một trầm trọng hơn như không tuân thủ điều trị, hoặc sử dụng thuốc không đúng cách, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, chưa chú ý đến phục hồi chức năng hô hấp và nhất là vẫn tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ khiến bệnh không được cải thiện....
Do đó ngành Y tế khuyến cáo mỗi người dân cần tăng cường nhận thức về phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm, giảm thiểu các hành vi và các yếu tố nguy cơ. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao sức khỏe chú trọng vào tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân biết cách phát hiện sớm bệnh, tuân thủ điều trị tại nhà khi mắc bệnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng như: câu lạc bộ người bệnh không lây nhiễm, trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc nâng cao sức khỏe, thành phố sức khỏe.