Cuộc thương thuyết căng thẳng
Theo lời Thiếu tướng về hưu, Anh hùng Liên Xô Gennady Zaitsev, ngày 28/3/1979, một đối tượng bất ngờ thâm nhập vào Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Moscow. Người này yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ phải điều một chiếc máy bay tư nhân đến để đưa anh ta tới Mỹ. Đối tượng tuyên bố, nếu yêu cầu của anh ta không được đáp ứng, anh ta sẽ cho nổ tung quả bom tự chế mang theo trong mình. Các nhân viên tại Đại sứ quán Mỹ khi đó đã liên lạc với phía Liên Xô, yêu cầu hỗ trợ.
Tướng Gennady Zaitsev. |
Ngay sau khi nhận được thông tin, đơn vị của ông Zaitsev đã nhận được lệnh từ người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), yêu cầu đến hiện trường. Đây cũng là chiến dịch chiến đấu thực địa đầu tiên của đơn vị Alfa kể từ khi được thành lập. Tại đây, cùng với đại diện Bộ Ngoại giao Liên Xô và Đại sứ quán Mỹ, các sĩ quan đặc nhiệm của Alfa đã thu thập tất cả các thông tin có liên quan và vạch ra kế hoạch chi tiết của chiến dịch. Dù không loại trừ khả năng sẽ phải sử dụng vũ khí nhưng lãnh đạo Alfa cuối cùng đã quyết định thử đàm phán với nghi phạm trước khi triển khai các phương án khác. Nhiệm vụ thương thuyết được giao cho ông Zaitsev – chỉ huy đơn vị đặc nhiệm.
Ông Zaitsev kể lại rằng, khi ông đến tòa nhà mà nghi phạm đang cố thủ, thư ký thứ nhất của Đại sứ quán Mỹ đang ở đó. “Khi tôi tới nơi, người này rút đi, để lại tôi và nghi phạm ở lại. Cuộc đàm phán rất tẻ nhạt và ức chế”, vị Tướng Nga nhớ lại. Ban đầu, nghi phạm đánh bom yêu cầu ông Zaitsev cho biết danh tính và chức vụ. Khi ông này nói rằng mình là nhân viên của bộ phận lãnh sự tại Bộ Ngoại giao Liên Xô, nghi phạm yêu cầu được xem giấy tờ tùy thân. Phải đến khi ông giải thích rằng vì họ đang ở tòa đại sứ của Mỹ, tức là trong lãnh thổ của nước khác nên mọi giấy tờ tùy thân phải để lại trước khi vào, nghi phạm mới thôi không yêu cầu ông chứng minh danh tính. Nghi phạm cũng yêu cầu ông Zaitsev phải cởi bỏ cả áo khoác lẫn quần ngoài để chứng minh ông không mang theo vũ khí, yêu cầu ông duy trì khoảng cách 1m đồng thời liên tục dọa kích nổ quả bom mang theo trong người.
Phải rất nỗ lực, ông Zaitsev mới tác động được nghi phạm. Trong quá trình nói chuyện sau đó, đối tượng này cho biết tên là Vlasenko Yuri Mikhailovich, sinh năm 1953, tức khi đó 26 tuổi, sống thành phố Kherson, từng là thủy thủ trên một tàu buôn. Nghi phạm cũng cho hay, vừa dự kỳ thi tuyển sinh vào trường Đại học Quốc gia Moscow – ngôi trường danh tiếng của Nga – nhưng không đỗ. Vì vậy, hắn quyết định xông vào Đại sứ quán Mỹ để yêu cầu được tới Mỹ nhằm theo học đại học. “Trong quá trình trò chuyện, tôi chắc chắn người đàn ông đó có bệnh tâm thần. Kết quả khám bệnh về sau cho thấy quả thật là như vậy”, ông Zaitsev kể tiếp.
May mắn bất ngờ
Theo lời chỉ huy đơn vị đặc nhiệm của Nga, trong suốt cuộc trò chuyện, tên Vlasenko vẫn luôn giữ một ngón tay trên kíp nổ, sẵn sàng kích hoạt quả bom tự chế bất cứ lúc nào. “Tôi không làm sao ép được Vlasenko từ bỏ kế hoạch của anh ta”, ông Zaitsev nói thêm. Vì vậy, các sĩ quan đặc nhiệm đã được lệnh khai hỏa để buộc khống chế người phạm. Kế hoạch được vạch ra là các sĩ quan đặc nhiệm sẽ bắn vào vai và cánh tay phải của tên Vlasenko để khiến hắn không kích nổ quả bom được. “Theo tính toán của chúng tôi, Vlasenko sẽ phải buông cái kíp nổ và chúng tôi sẽ chớp thời cơ đó để vô hiệu hóa anh ta ngay lập tức”, ông Zaitsev giải thích.
Triển khai đúng kế hoạch, những tiếng súng sau đó vang lên. Tuy nhiên, diễn tiến vụ việc đã không theo đúng kế hoạch. Vlasenko đã né được viên đạn và lao đầu chạy vào một trong những căn phòng ở bên trong tòa nhà. Tại đây, anh ta đã kích hoạt thiết bị nổ. Tiếng nổ xé trời vang lên, khiến đám cháy bùng lên dữ dội. Vlasenko sau đó được đưa lên xe cứu thương nhưng anh ta đã thiệt mạng vì những vết thương chí mạng trong vụ nổ. Vị tướng Nga cho hay, một ủy ban kỹ thuật đặc biệt đã được thành lập để tiến hành điều tra vụ việc. Họ kết luận rằng may mắn là thiết bị nổ 3 ngăn mà Vlasenko mang theo đã không được kích hoạt toàn bộ, nhờ đó mà hậu quả vụ việc đã được giảm thiểu. “Trong ngăn đầu tiên có ngòi nổ, ở ngăn thứ 2 có chứa thuốc nổ TNT còn trong ngăn thứ 3 có nửa lít axit picric – cũng là chất có sức công phá mạnh nhất. Tuy nhiên, ngăn thứ 3 đã không được kích hoạt. Nếu ngăn thứ 3 của quả bom hoạt động thì tòa nhà Đại sứ quán Mỹ có thể bị phá hủy một phần”, vị Tướng Nga giải thích.
Kết quả điều tra sau đó cho thấy, trong suốt nửa tháng trời trước vụ việc, Vlasenko đã lưu giữ axit picric trong một bọng cây rỗng ở khu rừng nằm ở ngoại ô Moscow. Số hoá chất này bị dính ẩm. “Thật may mắn vì ngăn bom mạnh đã không phát nổ. Chiến dịch kết thúc như vậy đấy”, Thiếu tướng Zaitsev cho hay.
Đơn vị đặc nhiệm huyền thoại
Nhóm Alfa là đơn vị đặc nhiệm trực thuộc Tổng cục 7 của KGB của Liên Xô. Đơn vị này được thành lập theo lệnh mật số 0089/OV ngày 29/7/1974 của Người đứng đầu KGB khi đó là ông Yuri Andropov. Quyết định thành lập nhóm A được đưa ra sau vụ khủng bố khiến 11 con tin là thành viên của đội Olympic Israel thiệt mạng tại Thế vận hội Munich năm 1972 và vụ cướp máy bay Yak-40 từ sân bay Vnukovo của Liên Xô. Cái tên Alfa hay nhóm A được xuất phát từ chữ antiterror, có nghĩa là chống khủng bố. Đúng như tên gọi, nhóm A được giao nhiệm vụ chuyên nhằm thực hiện các chiến dịch quân sự đặc biệt để ngăn chặn các hành động khủng bố; tìm kiếm, vô hiệu hóa hoặc loại bỏ những kẻ khủng bố, bắt cóc con tin. Nhóm này cũng được điều động tới các điểm nóng khi cần thiết.
Cái tên Alfa của lực lượng này được cho là đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng bởi, cùng với đơn vị đặc biệt Vympel, nhóm này đại diện cho tinh hoa của lực lượng đặc nhiện Liên Xô ngày xưa và Nga bây giờ, sử dụng các chiến thuật và phương tiện đặc biệt để đảm bảo an ninh của đất nước và thực hiện các nhiệm vụ phức tạp nhất ở cấp độ chuyên nghiệp cao. Theo nhiều chuyên gia, về cơ bản, những đơn vị tương tự tồn tại ở nhiều nước trên thế giới nhưng Alfa được biết đến là một trong những lực lượng an ninh làm việc hiệu quả và giàu kinh nghiệm nhất thế giới.
Quy trình để chọn lựa nhân sự vào lực lượng này rất khó khăn, theo đó, chỉ những người đảm bảo về sức khỏe, đạo đức, trung thực, trung thành với đất nước, kiên cường về tâm lý… mới được chọn để tham gia quá trình huấn luyện thể chất đặc biệt để trở thành thành viên của nhóm. Trong suốt quá trình kể từ khi được thành lập đến nay, nhóm này đã ghi được rất nhiều chiến công vang dội, như việc đảm bảo an ninh cho Thế vận hội mùa hè lần thứ 22 được tổ chức ở Moscow năm 1980 hay vụ giải cứu thành công 25 học sinh lớp 10 bị 2 phần tử có vũ trang bắt cóc làm con tin ở Sarapul, Udmurt năm 1981. Tháng 11/1983, một nhóm gồm 7 đối tượng đã cướp máy bay Tu-134A với 57 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn. Trong quá trình giằng co, nhóm không tặc đã bắn chết 2 phi công, 1 tiếp viên và 2 hành khách, làm bị thương một số người khác. Sau khi được điều động, nhóm A với sự hỗ trợ của một số người trên máy bay đã giải cứu thành công, bắt giữ các đối tượng không tặc…