Tham dự hội nghị có sự tham dự của đồng chí Phan Văn Mãi – UV BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Đức - UV Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu từ các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị đã công bố quyết định phê duyệt đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn đến năm 2030; kế hoạch nhằm cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và công tác truyền thông triển khai thực hiện Đề án. Đây là đề án đầu tiên cụ thể hóa Nghị quyết số 01 của Ban chấp hành Đảng bộ Bến Tre nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Công bố Quyết định phê duyệt Đề án, ông Trịnh Minh Châu – Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bến Tre cho biết: Chuyển đổi số là cơ hội và thách thức cho cả hệ thống chính trị và nhận thức của cộng đồng trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Thực hiện chuyển đổi số giúp chính quyền đóng vai trò kết nối, xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân tốt hơn; thay đổi trải nghiệm người sử dụng với các dịch vụ công do chính quyền cung cấp; làm thay đổi nghiệp vụ, mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan nhà nước; tăng cường công khai, minh bạch, góp phần phòng chống tham nhũng… Do đó, chuyển đổi số là việc mà chính quyền và người dân phải làm và muốn làm.
Ông Trịnh Minh Châu - Giám đốc Sở TT&TT công bố Quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030. Ảnh: Quỳnh Nga |
Trong giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Bến Tre tập trung phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động với 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, công việc của cán bộ - công chức được xử lý trên môi trường mạng; phát triển kinh tế số chiếm tối thiểu 10% GRDP, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đưa Bến Tre thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu trong xếp hạng về công nghệ thông tin; đồng thời, phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, phổ cập mạng di động 4G/5G, điện thoại thông minh và thanh toán điện tử trên 50%.
Tầm nhìn đến năm 2030, Bến Tre phấn đấu trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu trong chuyển đổi số khu vực ĐBSCL, là nơi thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ và mô hình mới, phát triển đồng bộ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; trong đó, kinh tế số chiếm 20% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%.
Ông Phùng Văn Hưng – Giám đốc khách hàng của Viettel Bến Tre cho biết: Hiện nay Viettel Bến Tre đã phát triển hệ thống giám sát điều hành thông minh, hệ thống giám sát điều hành an toàn thông tin và ưu tiên chuyển đổi số trên 4 lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp đạt được nhiều kết quả. Tại Bến Tre, Viettel đủ nhân lực để thực hiện chuyển đổi số cùng các cơ quan, đơn vị để thực hiện thành công đề án.
Trở thành một trong những tỉnh thành công trong chuyển đối số và phát triển công nghiệp nội dung số, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hạnh của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh Bến Tre đã đề ra các phương hướng các cơ quan cần thực hiện trong thời gian tới, trong đó, đặc biệt cần quán triệt Nghị quyết số 52 – NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chọn ít nhất 1 xã/ phường, 1 huyện/ thành phố để triển khai thử nghiệm các ứng dụng, dịch vụ chuyển đổi số.
Từ đó đánh giá rút kinh nghiệm, làm cơ sở để phát triển, nhân rộng khắp tỉnh Bến Tre. Hội nghị cũng ghi nhận các báo cáo tham luận của các doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn tỉnh Bến Tre về các lĩnh vực thương mại điện tử, viễn thông trong quản lý hành chính, xây dựng khu đô thị thông minh, quản lý dữ liệu các lĩnh vực thủy lợi, giao thông, y tế, điện năng… hiệu quả, tiết kiệm nhân lực, dễ dàng truy xuất dữ liệu khi cần thiết.
Sau hội nghị, Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bến Tre sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình hành động để triển khai các nội dung; phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh cùng các doanh nghiệp để triển khai ngay kế hoạch, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của dự án.
Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Quỳnh Nga |
Ông Nguyễn Văn Đức - UV Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, "sự ra đời của Đề án là sự quan tâm, ủng hộ cao của các cơ quan, doanh nghiệp tại tỉnh Bến Tre. Dự án dù đã được ban hành nhưng vẫn chưa hoàn thiện, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Điều này chính là động lực để các cơ quan ban ngành cùng nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ trong đề án".