Sau khi PLVN có loạt bài phản ánh nghi án thông đồng dìm giá khu đất 8ha tại Côn Đảo, nhiều bạn đọc gửi ý kiến về tòa soạn, thắc mắc: Vậy trong sự việc trên, UBND Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) là người có tài sản; đã có sự quản lý, giám sát chặt chẽ với cuộc đấu giá này hay chưa?
Hồ sơ sự việc cho thấy trong cuộc đấu giá này, lãnh đạo tỉnh BR-VT đã có những chỉ đạo sâu sát quyết liệt. Những “hạt sạn” đến từ một số đơn vị và cán bộ thẩm quyền trực tiếp thực hiện các khâu trong cuộc đấu giá.
13 chữ “cay đắng”
Chỉ một tuần sau khi Cty BR-VT ra Quy chế đấu giá tài sản số 06/QC-CT, UBND tỉnh có Công văn 12604 chỉ đạo về tiêu chí xác định năng lực tài chính của người tham gia đấu giá QSDĐ. Sau đó quy chế được sửa đổi quy định về điều kiện người được tham gia đấu giá, là “có vốn thuộc sở hữu của mình”. Số vốn còn thiếu để thực hiện dự án, phải có “giấy xác nhận bảo đảm” của ngân hàng.
Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM nhận xét: “Giấy xác nhận bảo đảm” chính là “xác nhận bảo lãnh”. Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 07/2015/TT-NHNN thì “bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng; bên bảo lãnh cam kết với bên nhận bảo lãnh sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên được bảo lãnh khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết với bên nhận bảo lãnh”.
Tỉnh đã chỉ đạo rõ như vậy, nhưng không hiểu vì sao, khi xem xét hồ sơ, “Hội đồng thẩm định” lại coi “Cam kết cho vay” và “Cam kết cấp tín dụng” của PVComBank là “giấy xác nhận bảo đảm”.
Tỉnh BR-VT mong muốn thông tin về cuộc đấu giá được thông báo rộng rãi cả nước; nhiều DN, cá nhân tham dự cuộc đấu giá để khu đất được trả giá đúng với giá thị trường, tăng nguồn thu ngân sách; nhưng chỉ duy nhất ông Nguyễn Thành Đạt (nhân viên Phòng Đầu tư, Khối BĐS, “Tập đoàn Tân Hiệp Phát) cùng lúc “ôm” cả hai hồ sơ tham dự đấu giá của Trưởng phòng và GĐ THP tới nộp cho Cty BR-VT. Cán bộ chức năng đã để “lọt lưới” điều bất thường này.
Sáng 25/12/2019, hai người đại diện cho bà Trần Ngọc Bích (SN 1984, GĐ Cty THP, con gái ông Trần Quí Thanh) và bà Võ Thị Khánh Chi (SN 1985, HKTT 19/8 Lam Sơn, phường 5, quận Phú Nhuận, TP HCM) cùng ngồi trên một xe hơi đến Vũng Tàu “đấu nhau”; mang theo hai giấy ủy quyền cùng lập tại một văn phòng công chứng. Cán bộ chức năng tiếp tục để “lọt lưới” điều bất thường.
Trước khi phát hiện cuộc đấu giá có dấu hiệu thông đồng dìm giá, điều mà người có tài sản trong cuộc đấu giá này cảm thấy “nuối tiếc”, “ngỡ ngàng” nhất, là không hiểu vì sao cuộc đấu giá đã quy định mỗi bước giá 15 tỷ, nghĩa là kỳ vọng khu đất đắc địa tại Côn Đảo sẽ được định giá cao, sát với giá thị trường; nhưng chưa kịp vào bước giá thì đấu giá viên Đoàn Huy Văn đã tuyên bố “đấu xong”.
Chính vì vậy, ngày 12/3/2020, UBND tỉnh có Văn bản 2209/UBND-VP yêu cầu các sở ngành rà soát, tham mưu rõ việc vì sao “tại phương án đấu giá quy định bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng liên tục”; nhưng đấu giá viên đã tuyên bố bà Bích thắng dù “hai người tham gia đấu giá chỉ trả giá vòng 1, không nhận phiếu trả giá vòng 2”.
Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM nhận xét: “Nếu Quy chế 06 của Cty BR-VT không “thòng” vào 13 chữ bước giá 15 tỷ “được áp dụng từ lần (vòng) trả giá thứ 02 (hai) trở đi”; thì bên có tài sản đã không phải nuối tiếc như vậy”.
UBND BR-VT cũng được đánh giá đã rất bình tĩnh sau khi phát hiện cuộc đấu giá có dấu hiệu thông đồng dìm giá. Sau nhiều lần có văn bản chỉ đạo các Sở ngành rà soát quy định pháp luật, xác minh thẩm tra những nghi vấn thông đồng “quân xanh quân đỏ”; trong Văn bản số 12670/UBND-VP ngày 16/11/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ giao Công an tỉnh chủ trì rà soát thẩm tra sự việc, tham mưu UBND tỉnh giải quyết đúng quy định pháp luật.
Một điều đáng lưu ý khác, Chủ tịch tỉnh không giao cơ quan chuyên ngành về đấu giá chủ trì, mà giao Công an tỉnh “đề xuất giải pháp đấu giá trong thời gian tới”.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có hàng loạt chỉ đạo giải quyết sự việc đúng pháp luật. |
Cục Bổ trợ Tư pháp nói gì?
Nhiều ý kiến cho rằng cuộc đấu giá 8ha đất tại Côn Đảo không chỉ là bài học cho BR-VT, mà còn là bài học cho các địa phương khác khi tổ chức các cuộc đấu giá. PLVN đã có cuộc phỏng vấn Phó Cục trưởng phụ trách Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai:
Thưa bà, giao đất thông qua đấu giá có vai trò quan trọng như thế nào?
- Số lượng các cuộc đấu giá QSDĐ chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các cuộc ĐGTS ở Việt Nam. Tổng giá trị các cuộc đấu giá QSDĐ chiếm trên dưới 90% giá trị các cuộc ĐGTS. Việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá đúng quy định pháp luật sẽ đảm bảo tính công khai, khách quan, minh bạch, qua đó đảm bảo thu ngân sách, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Khoản 4 Điều 56 Luật ĐGTS quy định một trong các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá là “năng lực, kinh nghiệm và uy tín”. Tuy nhiên đây là những tiêu chí khá chung chung. Cục có dự định cụ thể hóa hướng dẫn về quy định này?
- Thực hiện chương trình công tác năm 2021, Cục Bổ trợ Tư pháp đang xây dựng Thông tư hướng dẫn tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS với những quy định cụ thể, rõ ràng hơn cho việc lựa chọn tổ chức ĐGTS. Dự kiến Thông tư sẽ trình lãnh đạo Bộ ban hành trong quý III năm nay.
Các văn bản xác nhận số dư tài khoản nhất thời, “Cam kết cấp tín dụng”, “Cam kết cho vay”… có được coi là văn bản hợp pháp chứng minh năng lực tài chính hay không? Tại sao Luật ĐGTS không cụ thể hóa các điều kiện chứng minh khả năng tài chính của người tham gia đấu giá?
- Ngoài các điều kiện quy định tại Luật ĐGTS, người tham gia đấu giá còn phải đáp ứng các điều kiện quy định tại pháp luật điều chỉnh với tài sản đưa ra đấu giá. Ví dụ như trong đấu giá QSDĐ để thực hiện dự án đầu tư, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định rõ điều kiện về vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính để thực hiện dự án… với người tham gia đấu giá.
Hiện có rất nhiều loại tài sản mà theo quy định bắt buộc phải bán thông qua đấu giá và mỗi loại tài sản lại có những quy định riêng về điều kiện của người tham gia đấu giá, trong đó có những loại tài sản rất đặc thù như tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản. Chính vì vậy, để tránh tình trạng quy định “vừa thừa, vừa thiếu”, “chồng chéo”, Luật ĐGTS không quy định hết các điều kiện cho từng loại tài sản, mà dẫn chiếu sang pháp luật chuyên ngành.
Trong quá trình thi hành Luật ĐGTS 2016, Cục nhận thấy có một số vấn đề nổi cộm gì?
- Trong quá trình thi hành Luật ĐGTS, Cục đã tổng hợp và trình cơ quan có thẩm quyền báo cáo về tổ chức, hoạt động đấu giá tài sản, trong đó có nêu một số tồn tại, hạn chế, bất cập như: 1. Còn tình trạng người có tài sản khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đã đưa ra các tiêu chí chủ quan hướng đến DN “sân sau” của mình; 2. Theo quy định thì người có tài sản có quyền và trách nhiệm giám sát tổ chức ĐGTS thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá; nhưng trên thực tế một số người có tài sản gần như không quan tâm, “buông lỏng”; 3. Một số tổ chức ĐGTS vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá; 4. Một số vụ việc người tham gia đấu giá có hành vi “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”…
Trong vụ đấu giá khu đất 8ha tại Côn Đảo, Cục có biết việc cán bộ chức năng gửi văn bản xin ý kiến của Cục nhưng không báo cáo đầy đủ thông tin?
- Cục Bổ trợ Tư pháp nhận được rất nhiều công văn xin ý kiến hướng dẫn, giải đáp về chuyên môn nghiệp vụ bổ trợ tư pháp nói chung và ĐGTS nói riêng. Ý kiến trả lời của Cục chỉ dựa trên thông tin và vấn đề các văn bản của địa phương, cá nhân, tổ chức nêu. Việc không cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác thuộc về địa phương, cá nhân, tổ chức.
Thời gian qua, được biết Cục có nhận được một số đơn tố cáo nhiều người trong “tập đoàn THP” như ông Trần Quí Thanh và hai con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích; Võ Thị Khánh Chi… thông đồng dìm giá, “quân xanh quân đỏ” tại hàng loạt cuộc đấu giá ở BR-VT, Bình Phước, Phú Yên… Cục có động thái gì trước tố cáo trên?
- Theo quy chế giải quyết khiếu nại tố cáo của Bộ, việc giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của Thanh tra Bộ. Trường hợp có tố cáo, Cục phối hợp Thanh tra Bộ giải quyết theo thẩm quyền.
Xin cảm ơn bà!