Điểm chỉ ở nhà, lời chứng ghi tại… trụ sở
Tháng 5/2018, các bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Nguyễn Thị Sen, Nguyễn Thị Tùng có đơn khởi kiện với ông Nguyễn Kiên Cường yêu cầu chia kế theo di chúc của cụ Truật lập ngày 10/7/2017.
Theo nội dung di chúc này thì 5 người con của cụ Truật mỗi người được hưởng 1 suất di sản bằng nhau do cụ để lại (1/2 thửa đất số 127 tại khối 10, TX Cửa Lò vốn là tài sản chung của hai vợ chồng và phần đất mà cụ Truật được hưởng thừa kế từ chồng).
Xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ kiện, TAND TX Cửa Lò và TAND tỉnh Nghệ An đều chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn, chia thừa kế theo di chúc ngày 10/7/2017 của cụ Truật với 1/2 thửa đất số 127.
Ngay tại phiên phúc thẩm, không chỉ bị đơn mà ngay cả Kiểm sát viên (KSV) cũng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm trong việc lập, công chứng di chúc của cụ Truật ngày 10/7/2017, đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu của bị đơn về việc hủy di chúc này.
Theo KSV thì trong vụ việc này, do cụ Truật già yếu, không đi lại được nên thủ tục công chứng được thực hiện tại nơi ở của cụ. Chiều 10/7/2017, tại nhà bà Sen, cụ Truật đã điểm chỉ vào di chúc do bà Trần Thị Thúy (Công ty Luật Hợp danh Thái Bình Dương) đánh máy hộ. Tuy nhiên, lời chứng tại bản di chúc này lại thể hiện CCV đã công chứng tại VPCC Bắc Trung Bộ vào ngày 11/7/2017 (tức sau 1 ngày). Như vậy, CCV đã không thực hiện chứng thực di chúc tại nhà theo yêu cầu của cụ Truật mà còn ghi lời chứng không đúng ngày cụ điểm chỉ.
Ngay tại phiên tòa, KSV và LS của bị đơn cũng khẳng định, di chúc của cụ Truật là không hợp pháp vì việc công chứng đã vi phạm khoản 2 Điều 636 BLDS. Theo quy định này, khi cụ Truật không đọc được bản di chúc thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký trước mặt CCV. CCV chứng thực bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.
Tuy nhiên, theo lời khai của bà Thúy, CCV Thỏa và kết quả xác minh của Tòa án; thì tại thời điểm lập di chúc, bà Thúy không ký vào di chúc và CCV cũng không chứng thực vào di chúc tại thời điểm cụ Truật điểm chỉ vào di chúc.
Hơn nữa, lời khai và nội dung di chúc cũng thể hiện việc cụ Truật chỉ nhờ người đánh máy di chúc chứ không nhờ người làm chứng. Từ nội dung này, LS bảo vệ quyền lợi bị đơn khẳng định, di chúc của cụ Truật ngày 10/7/2017 không có người làm chứng, nên Tòa phải tuyên hủy theo đề nghị của bị đơn.
Vợ chồng ông Cường cho rằng việc công chứng trong vụ án này có nhiều khuất tất |
Ai chịu hậu quả từ sai phạm của CCV?
Liên quan đến thủ tục công chứng, VPCC Bắc Trung Bộ chỉ cung cấp được cho Tòa phiếu yêu cầu công chứng có dấu vân tay nhưng giám định đã không xác định được vân tay của ai. Các tài liệu khác như Chứng minh nhân dân (CMND) của người yêu cầu công chứng, bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ)… đều không có.
Theo LS thì với hồ sơ như trên, đáng lẽ CCV phải từ chối công chứng theo quy định tại khoản 5 Điều 40 Luật Công chứng. Việc CCV cố tình thực hiện công chứng trong trường hợp này là vi phạm nghiêm trọng.
Liên quan đến vi phạm của CCV, cuối năm 2019, sau khi xác minh đơn tố cáo của ông Cường, Sở Tư pháp Nghệ An đã có trả lời, nêu rõ: Trong hồ sơ công chứng lưu tại VPCC không có giấy tờ chứng minh nhân thân của cụ Truật là vi phạm điểm c khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng; việc công chứng của ông Thỏa đã không đúng với quy định tại khoản 2 Điều 636 BLDS; vi phạm Điều 46 Luật Công chứng…
Từ những vi phạm trên, Sở Tư pháp Nghệ An cho biết sẽ xử phạt vi phạm của ông Thỏa và VPCC Bắc Trung Bộ theo quy định tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013.
Nhưng theo một số LS thì trong vụ việc này, ngoài vi phạm về thủ tục công chứng, CCV còn có dấu hiệu vi phạm Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT-BTP-BTNM của Bộ Tư pháp và Bộ TN&MT (hướng dẫn việc công chứng của PCC và chứng thực của UBND cấp xã với hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất).
Nội dung Thông tư này quy định rõ, người yêu cầu công chứng nộp 1 bộ hồ sơ yêu cầu công chứng và xuất trình bản chính để VPCC đối chiếu. Trong hồ sơ này phải có bản sao CMND hoặc hộ chiếu; Bản sao GCNQSDĐ; Bản sao Giấy chứng tử của người để lại di sản; giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản, nếu là người được hưởng di sản theo pháp luật…
Tuy nhiên, trong vụ việc này, người yêu cầu công chứng đã không cung cấp được các tài liệu trên nhưng CCV vẫn tiến hành công chứng.
Như vậy, tại thời điểm công chứng, không biết CCV căn cứ vào đâu để khẳng định người lập di chúc là cụ Truật? Hay CCV lấy gì để khẳng định thửa đất 127 thuộc quyền sử dụng của vợ chồng cụ Truật và cụ Truật được sử dụng 1/2 diện tích đất này?
Với việc công chứng việc để lại di sản trên, phải chăng CCV đã tự cho mình được quyền chia tài sản chung của vợ chồng cụ Truật, cũng như cho cụ được hưởng 2/3 suất thừa kế từ chồng?
Tại đơn đề nghị giám đốc thẩm, ông Cường cho rằng, những vi phạm trong vụ công chứng này đã gián tiếp tước mất quyền lợi của ông bởi năm 2005, vợ chồng cụ Truật đã từng lập di chúc chung (được UBND phường Nghi Thủy xác nhận) để lại toàn bộ tài sản và đất cho ông Cường. Vì vậy, ông Cường đã đề nghị làm những rõ khuất tất trong việc soạn thảo, yêu cầu công chứng cũng như việc CCV thực hiện công chứng bản di chúc của cụ Truật ngày 10/7/2017.
Luật Công chứng bị HĐXX phúc thẩm hiểu sai?
Bản án phúc thẩm nhận định, khoản 2 Điều 43 Luật Công chứng quy định thời hạn công chứng không quá hai ngày làm việc. Đối chiếu với quy định này thì CCV có lời chứng sau một ngày lập di chúc là không vi phạm thời hạn công chứng.
Đánh giá về nhận định trên, một số LS cho rằng, HĐXX phúc thẩm đã hiểu sai Luật Công chứng bởi thời hạn công chứng quy định tại Điều 43 được xác định từ ngày “thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng đến ngày trả kết quả công chứng” chứ không phải là tính từ ngày lập di chúc đến ngày CCV ghi lời chứng.