Trắng tay sau 15 năm trồng rừng
Theo phản ánh của những hộ dân trên, tháng 3/2021, một số công nhân thuộc dự án điện gió Amaccao tự ý cho xe múc, xe lu đến san ủi khoảng 10ha đất tại khu vực đồi 500 (thôn Tari II, xã Húc) là đất được những hộ trên canh tác sử dụng ổn định từ 2007 đến nay.
Quá trình san ủi, Amaccao đã chặt ủi khoảng 30 nghìn cây cà phê, 10 nghìn cây tràm. Sau khi phát hiện, người dân trên đã báo với chính quyền địa phương để ghi nhận sự việc.
“Việc BQL dự án điện gió Amaccao tự ý san ủi, huỷ hoại tài sản của chúng tôi khi chưa thực hiện việc thu hồi, bồi thường về đất đai và tài sản trên đất là trái quy định của pháp luật, xâm phạm lợi ích của người sử dụng đất”, nội dung đơn nêu.
Về nguồn gốc đất, 25 hộ dân cho rằng khi nghe chủ trương lên vùng sâu, vùng xa để phát triển kinh tế thì họ đã liên hệ xã Húc; mọi người lên đây ở, trao đổi kinh nghiệm làm ăn sinh sống.
Ngày 19/6/2007, thôn Ta Ri II đã tổ chức cuộc họp. Tại cuộc họp, tất cả bà con, nhân dân thuộc thôn Ta Ri II đều tự nguyện đồng ý giao 45ha đất cho các hộ dân này, ranh giới xã Hướng Lộc (Đồi 500) vào đến đường đi bản Hơ Le.
Già làng Hồ Văn Ray (83 tuổi, bản Ta Ri II), nói: “Tôi khẳng định vào năm 2007 các hộ dân bản ở đây đã ký giao đất cho 25 hộ kinh tế mới, trong văn bản nêu rõ: “Sau này đến đời con cháu mãi mãi không được đòi hỏi trả lại”. Trong biên bản ký giao đất này có xác nhận của ông Hồ Văn Cơm, Trưởng thôn Ta Ri II; ông Hồ A Xếp, Chủ tịch UBND xã Húc; ông Hồ Văn Khâm, Bí thư Đảng uỷ xã Húc; ông Hồ Văn Đeng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Húc”.
Ông Hoàng Minh Thuận (quê thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong) nhớ lại, lúc đó ông đang là Trưởng Ban Kiểm soát Hợp tác xã và nghe có chủ trương đi kinh tế mới nên đã huy động nhóm người khoẻ mạnh, có vốn lên xã Húc khai hoang, làm đường. Họ cùng nhau bỏ công sức làm chung với thời gian hơn 1,5 năm; sau đó chia đều đất rồi cùng nhau trồng cây cà phê, tràm, mít.
“Chúng tôi vượt hơn 80km, cơm đùm gạo bới, gửi con nhỏ ở quê để lên đây phát triển kinh tế. Như tôi ban đầu phải bỏ ra hơn 5 triệu tiền mặt, bán 4 con bò mới đủ tiền ăn, tiền thuê san ủi. Đến năm 2017, vì cà phê rớt giá nên một số bà con về quê nhưng cây cối vẫn còn. Hiện trên đất của tôi toàn bộ được trồng tràm và nó đã hơn 3 tuổi”, ông Thuận nói.
Ông Hồ Hữu Huân (55 tuổi) tiếp lời: “Mọi người đã dùng cả thanh xuân để khai hoang, trồng cây. Lên đây thiếu thốn đủ bề, đặc biệt là nguồn nước”. Hiện ông Huân đang bị ung thư. Ngoài ra, trong đoàn có người ung thư gan đã chết năm 2019, còn có trường hợp đang ung thư phổi.
“Chúng tôi đã vất vả, thậm chí đánh đổi cả tính mạng để lên vùng sâu, vùng xa khai hoang làm kinh tế mới. Nhưng đến nay dự án Nhà máy điện gió Amaccao đã vào lấy đất của chúng tôi mà không đền bù. Chúng tôi nhiều lần yêu cầu Điện gió Amaccao không được thay đổi hiện trạng, dừng thi công để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, đến nay Cty vẫn thi công. Tốn tiền, hao sức, thậm chí bệnh tật chết chóc; không lẽ lại mất trắng?”, ông Huân nói.
Hiện ông Thuận vẫn chăm sóc rừng tràm trên đất. |
Chủ tịch xã: “Phải đền bù là điều đương nhiên”
Đại diện Phòng TN&MT huyện Hướng Hoá cũng như Chủ tịch UBND xã Húc và xã Hướng Lộc đều xác nhận: “Lịch sử phần đất ở đồi 500 thôn Ta Ri 2, xã Húc là của 25 hộ gia đình kinh tế mới lên từ huyện Triệu Phong”.
Ông Hồ Văn Ka Rai (Chủ tịch UBND xã Húc) cho biết, năm 2007, đoàn kinh tế mới gồm 25 hộ dân ở xã Triệu Độ và xã Triệu Đại (huyện Triệu Phong) lên thôn Ta Ri II trồng cây cà phê và đã được bà con dân bản, chính quyền địa phương đồng ý ký vào biên bản giao đất. Đoàn kinh tế mới đã hỗ trợ tiền làm đường giao thông cho dân bản, đóng tiền cho để cho dân bản làm phong tục cúng trời (theo phong tục của người đồng bào địa phương - PV).
“Hiện dự án Nhà máy điện gió Amaccao vào lấy đất để triển khai dự án thì phải đền bù cho 25 hộ dân trên là điều đương nhiên. Tôi ủng hộ bà con và mong cấp trên cũng như phía công ty xem xét”, ông Ka Rai nêu quan điểm.
Ông Lê Quang Thuận (Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá) xác nhận, khu đất được đề cập đến đã được xã Húc đồng ý giao cho 25 hộ dân ở huyện Triệu Phong vào năm 2007. Hiện khu đất này nằm ở xã Húc và xã Hướng Lộc.
Thế nhưng, toàn bộ diện tích đất nói trên đã được UBND tỉnh Quảng Trị cho Cty CP Cao su Khe Sanh thuê để trồng cao su vào năm 2013. Chính vì vậy, 25 hộ dân trên không đủ điều kiện để bồi thường về đất.
Vào năm 2013 tỉnh giao đất cho Cty cao su nhưng thực tế lúc đó mảnh đất này vẫn đang được những hộ dân trên canh tác, trồng cà phê (có xác nhận của chính quyền xã Húc cũng như người dân nơi đây - PV). Ngoài ra, từ đó đến nay dân vẫn trồng cây, có Cty cao su nào tới đâu? Liệu có uẩn khúc gì?
Những cột trụ điện gió đã mọc lên nhưng dự án không hề đền bù hỗ trợ cho dân. |
PV liên hệ với Phòng TN&MT huyện Hướng Hóa đề nghị cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Cty cao su, xem có trùng với thửa đất của 25 hộ dân nói trên không? Đại diện phòng hứa sẽ cung cấp, nhưng hơn 10 ngày trôi qua PV không hề nhận được phản hồi.
PV tiếp tục thắc mắc tới Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá: “Điện gió Amaccao đã san ủi 10ha rừng; thậm chí đã dựng cột. Vậy đã có quyết định thu hồi đất của Cty cao su chưa? Cty điện gió đã đền bù cho Cty cao su chưa?”. Ông Thuận trả lời, chưa thu hồi và cũng chưa đền bù.
Các hộ dân cho hay sự việc còn nhiều điểm mập mờ cần làm rõ, chính quyền cần tìm hiểu, giải quyết rõ ràng; tránh để thiệt thòi cho người dân cũng như tránh khiếu kiện kéo dài.