Phiên tòa phúc thẩm do Tòa Lao động TP HCM xét xử mới đây về sa thải người lao động trái luật giữa ông Đào Nguyên Khiếu và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã nhận nhiều sự quan tâm khi những người tham dự ngỡ ngàng trước nhiều vấn đề pháp lý như việc thẩm phán áp dụng luật hết “đát”, có phiên xử lại vắng cả… nguyên đơn lẫn bị đơn.
Phiên xét xử sơ thẩm tại Tòa Bình Thạnh, TPHCM |
Sa thải người lao động trái luật
Ông Khiếu làm việc tại BHTGVN từ tháng 3/2001 bằng hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, đến tháng 7/2007 được Tổng Giám đốc Bùi Khắc Sơn giao công việc Trưởng phòng nghiệp vụ BHTG I thuộc Chi nhánh TPHCM. Ngày 13/4/2010, ông Sơn ký Quyết định số 154 chấm dứt công việc Trưởng phòng của ông Khiếu, ông Khiếu bị cấm sử dụng vi tính, không chấm công, không trả lương tháng 9/2010, không thưởng...
Sau 2 tháng “ngồi không”, đầu tháng 6/2010, ông Khiếu gửi đơn khiếu nại nhưng bị bác. Ngày 30/9, bà Xuân - Phó Bí thư Chi bộ kiêm Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh TPHCM - ký văn bản số 475 khẳng định, ông Khiếu không còn là người của chi nhánh, khi đến làm việc phải trình thẻ, giấy giới thiệu để đăng ký vào sổ…
Ông Khiếu đã làm đơn khởi kiện BHTGVN tại TAND quận Bình Thạnh và trong phiên xử sơ thẩm, TAND quận Bình Thạnh quyết định: BHTGVN đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật với ông Đào Nguyên Khiếu; hủy các quyết định của Tổng giám đốc BHTGVN, buộc phải nhận ông Đào Nguyên Khiếu trở lại làm việc theo đúng thỏa thuận đã được ký giữa hai bên. BHTGVN phải bồi thường cho ông Khiếu khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp trong những ngày không được làm việc tổng cộng là 87.404.900 đồng, đóng BHXH cho ông Khiếu…
Áp dụng luật hết “đát”
Vụ án sau đó được Tòa Lao động, TAND TPHCM thụ lý giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Trong suốt quá trình tố tụng, những người theo dõi phiên tòa không khỏi ngán ngẩm khi chứng kiến rất nhiều sai sót pháp lý cơ bản. Mặc dù đây là vụ án lao động phúc thẩm không quá phức tạp nhưng thẩm phán, chủ tọa Nguyễn Thanh Bình đã xét xử trong 11 tháng mà chưa xong; trong đó, có đến 8 lần quyết định đưa vụ án ra xét xử, 6 lần ban hành quyết định hoãn phiên tòa, 4 lần hoãn phiên tòa theo yêu cầu của bị đơn.
Thậm chí, tại hai Quyết định 355/2012/QĐ-PT ngày 20/12/2012 và Quyết định 145/2013 ngày 31/5/2013 hoãn phiên tòa, thẩm phán Bình còn áp dụng cả luật hết “đát” khi căn cứ khoản 1, Điều 200, Điều 208 và Điều 266 Bộ luật TTDS (dã được sửa đổi, bổ sung năm 2011) để hoãn phiên tòa trong khi khoản 59 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung TTDS đã quy định bãi bỏ Điều 200 rồi!
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 1562/2013/QĐPT-LĐ ngày 18/7/2013, Tòa xác định bị đơn là BHTGVN, người đại diện theo pháp luật là ông Bùi Khắc Sơn - Tổng Giám đốc; người đại diện hợp pháp của bị đơn: bà Trần Thủy Bình và bà Nguyễn Thị Thùy Linh theo Giấy ủy quyền số 08/UQ-BHTG132 ngày 14/01/2013.
Ngày 13/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1395/QĐ-TTg phê duyệt “Điều lệ về tổ chức và hoạt động của BHTGVN” có hiệu lực từ ngày 13/8/2013 qui định: Người đại diện theo pháp luật của BHTGVN là Chủ tịch HĐQT - hiện nay là ông Nguyễn Văn Thạnh.
Thế nhưng, tại phiên tòa ngày 15/8/2013, trong lúc nguyên đơn là ông Khiếu ốm nặng (có giấy xác nhận của bệnh viện) xin được hoãn phiên tòa thì HĐXX vẫn tiếp tục làm việc, và thẩm phán Bình vẫn coi người đại diện theo pháp luật của bị đơn là ông Bùi Khắc Sơn - Tổng Giám đốc mà không kiểm tra tư cách pháp lý của các bên. Điều này có nghĩa đại diện của bị đơn tại tòa không hợp lệ, và phiên tòa diễn ra mà không có cả nguyên đơn lẫn bị đơn.
Vụ việc khiến những người tham dự không khỏi đặt câu hỏi, cả bà Bình và bà Linh là những nhân vật có vị trí quan trọng của BHTGVN, lẽ nào lại không biết Quyết định 1359/QĐ-TTg của Thủ tướng là gì?. Lẽ nào lại không biết Tổng Giám đốc đã không còn là người đại diện pháp luật của BHTGVN?. Nếu hai người này muốn tiếp tục tham gia tố tụng kể từ ngày 13/8/2013 thì phải có Giấy ủy quyền hợp pháp của Chủ tịch HĐQT BHTGVN. Tại sao họ vẫn nhân danh đại diện theo ủy quyền của ông Sơn – TGĐ mà không báo cho Tòa?.
Đáng nói, đến ngày 16/8/2013, bà Bình lại tiếp tục mạo nhận là người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của Tổng Giám đốc viết đơn xin hoãn phiên tòa, thẩm phán Bình lại tiếp tục đồng ý và ngày 19/8/2013, ban hành Quyết định 1895/2013/QĐPT-LĐ đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm ngày 04/9/2013. Điều khó hiểu là tại sao thẩm phán Bình vẫn xác định người đại diện theo pháp luật là ông Bùi Khắc Sơn - Tổng Giám đốc và bà Bình, bà Linh là người đại diện hợp pháp của bị đơn?. Phiên tòa lại tiếp tục được hoãn.
Một vụ án lao động rất đơn giản nhưng không hiểu sao các PV tham dự đưa tin lại bị làm khó, cụ thể khi tại phiên tòa ngày 15/8/2013, PV xuất trình thẻ và yêu cầu được chụp hình thì thẩm phán Bình không cho.
Theo ông Bình muốn chụp hình, ghi âm phải có văn bản trước và qua TAND TPHCM, số 131, Nam Kỳ Khởi Nghĩa xin phép. Trao đổi với PV, ông Bùi Hoàng Danh – Chánh án TAND TPHCM - khẳng định, nếu PV đang tác nghiệp tại tòa thì trực tiếp xin phép chủ tọa, chủ tọa là người quyết định, nếu không đồng ý cho PV tác nghiệp thì chủ tọa phải nêu lý do…
Lam Sơn