Cố tình gây thương tích cho cảnh sát đang làm nhiệm vụ
Mới đây nhất ngày 18/10, tổ công tác Đội CSGT số 14 làm nhiệm vụ ở khu vực ngã ba Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ phát hiện chiếc xe Hyundai mang BKS 98A-080.94 chạy quá tốc độ, lạng lách, vượt phải sai quy định. Trung úy Phạm Đức Ngọc đã ra hiệu lệnh từ xa, yêu cầu lái xe dừng xe để kiểm tra xử lý.
Tuy nhiên, lái xe Phạm Đức Ân không chấp hành mà cho xe tông thẳng vào Trung úy Ngọc, hất tung chiến sỹ này lên cao, rơi xuống đường. Sau khi gây ra vụ việc, Ân cho xe bỏ chạy. Trung úy Ngọc bị vỡ xương mỏm đầu gối chân phải và xây xát vùng đầu, mặt.
Đối tượng Ân tại cơ quan công an. |
Trước đó ngày 13/10, công an phường Giáp Bát nhận tin báo có người đàn ông đang cầm rìu gây rối tại một nhà nghỉ trên phố Kim Đồng. Có mặt tại hiện trường lực lượng công an ghi nhận một người dàn ông tay lăm lăm chiếc rìu, liên tục chửi bới, đe dọa những người xung quanh.
Cán bộ công an phường Giáp Bát tiếp cận mời người đàn ông này về trụ sở nhưng người này liên tục múa rìu, dọa tấn công lực lượng công an vè những người xung quanh. Trong quá trình tiếp cận Thượng úy Nguyễn Văn Minh, Cảnh sát khu vực (công an phường Giáp Bát), đã bị dối tượng dùng rìu chém bị thương ở vai. Đối tượng được xác định là Bùi Ngọc Dương (SN: 1977, trú tại tổ 16 phường Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội) bị tạm giữ về hành vi chống người thi hành công vụ.
Một vụ xôn xao dư luận không kém, khoảng 21h tối 5/10, tổ công tác Đội CSGT số 14 làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông tại khu vực đầu đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ phát hiện một nam thanh niên có biểu hiện bất thường. Người này miệng không ngừng la hét, có biểu hiện như say rượu hoặc “ngáo đá”, liên tục nhặt gạch, đá ném vào người tham gia giao thông trên đường. Nhiều người tham gia giao thông bị đối tượng ném gạch hoảng sợ, phải đi sát vào lề đường.
Trước tình huống trên, Trung tá Phạm Văn Tuyến đã tiến lại gần hô lớn, yêu cầu nam thanh niên này dừng ngay hành động gây nguy hiểm cho người dân lại. Thấy CSGT tiến đến, đối tượng không những không chấp hành yêu cầu của người thực thi nhiệm vụ mà còn hung hăng tiếp tục cầm gạch ném thẳng về Trung tá Tuyến. Hậu quả khiến Trung tá Tuyến bị gãy cánh tay phải.
Đối tượng được xác định là Phạm Huỳnh Đức (SN 1995, ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên- Huế)
Bức xúc trước hành vi bất chấp pháp luật
Có thể thấy, các vụ chống người thi hành công vụ liên tiếp xảy ra trong thời gian ngắn, với tính chất ngày càng nghiêm trọng, các đối tượng chống người thi hành công vụ ngày càng manh động, liều lĩnh và nguy hiểm.
Trung tá Phạm Văn Tuyến phải phẫu thuật cánh tay bị gãy. |
Theo thống kê của phòng CSGT (PC 67) - Công an TP. Hà Nội, từ Tết Nguyên đán Ất Mùi đến nay, riêng địa bàn Thủ đô đã có 13 trường hợp chống người thi hành công vụ. Trong đó, các đối tượng chống người thi hành công vụ đều liên quan đến hành vi vi phạm giao thông đường bộ.
Hiện nay, các tài xế rất manh động, đặc biệt khi đã sử dụng rượu bia sẵn sàng lao thẳng vào lực lượng CSGT gây nguy hiểm lực lượng chức năng. Đáng chú ý là các đối tượng chống người thi hành công vụ rất đa dạng, có đối tượng có tiền án tiền sự đến và có cả học sinh, sinh viên vi phạm lần đầu.
Thậm chí có đối tượng là công chức nhà nước cũng lăng mạ, chống đối, dùng vũ khí tấn công, lao xe vào lực lượng công an đang làm nhiệm vụ, khiến dư luận hết sức bất bình.
“Trong mấy ngày nay, thông qua báo chí tôi thấy hiện tượng chống người thi hành công vụ liên tiếp xảy ra. Bản thân tôi cảm thấy vô cùng bức xúc trước hành động trên”, anh Nguyễn Trung Kiên (Ba Đình, Hà Nội) nói.
Thực tế, nhiều vụ việc, đối tượng mới chỉ bị khởi tố vì hành vi chống người thi hành công vụ mặc dù hành vi vi phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn và tính mạng của các cán bộ, chiến sỹ công an. Trong một số trường hợp, người vi phạm thậm chí chỉ bị phạt hành chính.
Chị Phạm Mai Liên (Đông Anh, Hà Nội) đề xuất: “Cần phải có các chế tài xử phạt mạnh hơn với các đối tượng có hành vi chống đối này. Ngoài ra, với những người vi phạm nhiều lần thì có thể truy tố hình sự trước pháp luật.”
"Hiện nay, nhiều người băn khoăn về dấu hiệu hậu quả của tội chống người thi hành công vụ. Một trong những nội dung mà nhiều người vẫn hay nhầm lẫn liên quan đến hành vi chống người thi công vụ, đó chính là việc nhiều người lầm tưởng cứ có hành vi xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, tính mạng của người thi hành công vụ mới là phạm tội chống người thi hành công vụ" - chị Liên phản ánh.
Anh Nguyễn Mạnh Cường là tài xế taxi của hàng xe Mai Linh cho rằng: “Bên cạnh việc cần có chế tài xử phạt mạnh hơn thì cũng cần phải có các buổi tuyên truyền cho mọi người dân hiểu được rõ vấn đề. Những tài xế như tôi cần phải biết rõ trường hợp nào xảy ra việc chống người thi hành công vụ”.
Theo nhiều ý kiến, các cơ quan bảo vệ pháp luật ngoài việc xử lý nghiêm đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật, cần phải có thêm chế tài tăng hình thức xử phạt đối với hành vi này để hạn chế và ngăn chặn tối đa hành vi chống người thi hành công vụ, góp phần bảo vệ an toàn cho các lực lượng thực thi pháp luật.