Người con vượt khó
TAND TP.Hà Nội một ngày nắng như đổ lửa. Người phụ nữ gầy guộc, gò má hốc hác, dáng người tiều tụy ngồi ôm đứa cháu gái nhỏ 4 tuổi đang chăm chú nhìn bị cáo với ánh mắt xót xa, đau khổ như vừa mới bị cướp đi một thứ gì đó vô cùng quan trọng của mình.
Thỉnh thoảng, bà lại rơi lệ nấc lên tiếng nghẹn ngào khi hướng mắt nhìn dáng vẻ buồn bã, đang cố gắng gượng nghe xét xử của người con dâu ngồi ngang hàng ghế. Bà là Nguyễn Thị Hoan mẹ của Nguyễn Văn Hiếu (thị trấn Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), nạn nhân trong vụ án mạng xảy ra hơn 1 năm về trước tại Hà Nội.
Bà Hoan kể, vợ chồng bà sinh được hai người con trai, trong đó Hiếu là con cả. Chồng bà do bị ảnh hưởng từ chiến tranh nên sức khỏe yếu đi nhiều nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà bà gần như gánh vác. Hàng tháng, ngoài số tiền được trợ cấp của nhà nước thì chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên kinh tế gia đình bà không được dư giả.
Học hết cấp 3, Hiếu tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau khi hết nghĩa vụ quân sự, năm 200, Hiếu quyết tâm thi lại và đỗ vào một trường đại học ở Hà Nội. Hiếu ở trọ để thuận lợi cho việc học hơn, đồng thời làm thêm tại công ty bao bì trên Hà Nội để lấy tiền trang trải học phí và cuộc sống.
Sau khi ra trường với tính cách hiền lành, siêng năng và biết việc, Hiếu được công ty giữ lại làm thủ kho. Đây cũng là thời gian Hiếu bén duyên với chị Hương người con gái cùng quê. Thấy Hiếu có ý chí, ra trường lại có việc làm ổn định và sớm yên bề gia thất nên vợ chồng bà Hoan cũng vui mừng.
Theo lời bà Hoan: “Vợ chồng Hiếu có hiếu với bố mẹ lắm, tháng nào chúng nó cũng gửi cho tôi tiền. Tôi cũng chỉ mong con cái nó sống hạnh phúc với nhau là gia đình mãn nguyện rồi”.
Thế nhưng, không ngờ án mạng xảy ra, rồi Hiếu là nạn nhân trong 1 vụ việc lãng xẹt.
Thành sát nhân vì bị “dìm hàng”
Theo nội dung cáo trạng, Nguyễn Văn Hiếu và Giáp Quang Duyệt (ngụ thôn Chản Làng, xã Yên Sơn, Lục Nam, Bắc Giang) đều là công nhân cho nhà máy nói trên. Hiếu là nhân viên kho hàng, còn Duyệt là bảo vệ theo dõi giờ giấc làm việc của công nhân trong công ty.
Làm ở hai vị trí khác nhau ngỡ “nước sông không phạm nước giếng” nhưng mâu thuẫn lại thường xuyên xảy ra giữa hai người, nguyên nhân chính xuất phát từ việc Hiếu có đôi lần đi muộn và bị Duyệt nhắc nhở và từ đó cả hai càng trở nên hiềm khích nhau hơn.
Ngày 7/9/2015, Hiếu đến công ty vô tình bắt gặp hình ảnh Duyệt đang ngủ gật trong phòng bảo vệ nên vội chụp ảnh và đăng lên tài khoản facebook với nội dung: “Đây là cá nhân xuất sắc loại A” và lấy đó làm hả hê. Duyệt được một số người trong công ty cho xem ảnh trong lòng bực bội và nảy sinh ý đồ trả thù Hiếu.
Nghĩ là làm ngày 09/09/2015, sau khi tan ca làm Duyệt đã chuẩn bị sẵn hung khí đứng đợi Hiếu đến để trả thù, có người hỏi thì Duyệt thẳng thừng trả lời: “Tao đứng đây đợi thằng Hiếu đến để xử lý vụ này”.
Sau khi biết được tin Duyệt đang đứng đợi mình để trả thù, Hiếu cũng chả vừa cùng em vợ chuẩn bị hung khí và cùng nhau đến gặp Duyệt. Gặp nhau, cả 2 cùng lao tới như muốn giải tỏa mọi bực tức trong lòng.
Sau một hồi giằng co quyết liệt, Hiếu bị Duyệt đâm trực tiếp một nhát vào ngực gục xuống đường bất tỉnh. Gây án xong, Duyệt cầm dao và rời khỏi hiện trường. Ngay sau đó Hiếu được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện 19/8 - Bộ Công an. Nhưng vết thương quá nặng nên Hiếu đã tử vong. Đến 8h30 phút cùng ngày Giáp Quang Duyệt đã đến Công an quận Bắc Từ Liêm đầu thú.
Trả giá
Trong phiên tòa, mọi hành vi phạm tội đều được bị cáo bình tĩnh khai rõ ràng, rành mạch trước vành móng ngựa. Rồi bị cáo lý giải thêm: “Do nghĩ Hiếu đăng ảnh cá nhân của mình lên mạng xã hội facebook để chơi xấu mình nên mới nhất thời nảy sinh ý định trả thù”.
Bị cáo cũng lý giải hậu quả xảy ra là điều “không mong muốn” vì ý định ban đầu chỉ để đe dọa “bị cáo xin thề mang hung khí đi chỉ để phòng thân chứ không phải để giết người”.
Nghe những lời thanh minh của bị cáo, chủ tọa bất bình: “Tôi thấy thanh niên bây giờ lãng xẹt, chẳng ra việc gì cũng đánh nhau. Chỉ vì thiếu suy nghĩ, nóng vội không đủ tỉnh táo mà gây nên án mạng, bị cáo nên biết suy nghĩ về bản thân mình và sống có trách nhiệm với gia đình và xã hội hơn”.
Người mẹ già không giấu nổi cảm xúc khi đứng trước tòa, bà ôm di ảnh Hiếu vào lòng rồi nghẹn ngào: “Tại sao sự việc nhỏ không đáng mà lại xảy ra chết người. Tôi sống thế nào đây, còn con nhỏ của nó nữa từ hôm xảy ra vụ việc cháu nó khi nào cũng hỏi bố con đi đâu rồi bà, giờ thì nó biết rồi cứ nhắc đến bố là khóc thôi. Ông nhà tôi từ hôm con mất đi tinh thần ông ấy giờ không còn ổn định nữa”. Chúng tôi không biết động viên bà thế nào, ngoài việc vịn vào 2 từ “số phận” để an ủi người mẹ đau khổ ấy.
Về phía gia đình bị cáo, hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn, hai vợ chồng bị cáo có con nhỏ nhưng phải gửi về quê để người thân chăm sóc, còn bản thân thì đi làm ăn xa, thi thoảng mới về thăm gia đình. Bị cáo làm bảo vệ, vợ làm nghề giúp việc, ở trọ nên trừ mọi chi phí ăn tiêu tiết kiệm lắm mới dành dụm được ít ỏi đồng lương gửi về nuôi con.
Từ khi án mạng xảy ra, gia đình bị cáo cũng đã cố gắng phần nào gom góp chút kinh phí hạn hẹp để phần nào xin chia buồn và làm vơi đi nỗi đau mất con của gia đình bị hại, cũng mong chuộc lại lỗi lầm giúp bị cáo.
Tại tòa bị cáo thực sự thấy ăn năn hối lỗi với hành vi mình đã gây ra. “Tôi xin lỗi gia đình bị hại, xin nhận được sự tha thứ từ gia đình bị hại. Vì những phút không kiềm chế được cảm xúc nên bị cáo đã tước đoạt mạng sống của người khác và gây đau thương cho gia đình bị hại. Đồng thời bị cáo cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ tội để bị cáo sớm trở về đoàn tụ với gia đình và làm lại cuộc đời”, bị cáo Giáp Quang Duyệt nói lời sau cùng trước tòa .Với hành vi trên, bị cáo bị tuyên phạt 11 năm tù với tội danh: “Giết người”.
Kết thúc phiên tòa chiếc xe chở bị cáo đã khuất dạng, nhưng cha mẹ và vợ nạn nhân vẫn đứng ôm cháu nội ngồi ngây dại. Lúc lâu sau cả gia đình mới thất thểu ôm cháu bước xiêu vẹo ra khỏi phòng xét xử. Họ buồn vì nỗi bởi bởi Duyệt dù có trả giá như thế nào thì con trai họ cũng không sống lại.
Đứa trẻ mới 4 tuổi, còn quá nhỏ để nhận biết đó là hung thủ giết cha nó, và nó sẽ mãi mãi không được nằm trong vòng tay yêu thương của cha nó nữa. Giá như bị cáo ý thức được hành vi của mình như lúc đứng trước vành móng ngựa ăn năn tội lỗi thì có lẽ sẽ không phạm tội và bi kịch cũng không đau buồn như ngày hôm nay.