Theo UBND tỉnh Phú Yên, Phú Yên là vùng đất có bề dày lịch sử, nơi đây phát hiện ra nhiều di chỉ khảo cổ minh chứng cho sự hiện diện rất sớm của con người trên vùng đất Phú Yên như di tích Eo Bồng (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) phát hiện nhiều công cụ bằng đá có niên đại cách ngày nay khoảng 16.000 năm, được xếp vào văn hóa Hòa Bình thuộc thời kỳ đồ đá mới.
Bên cạnh đó, thời đại kim khí trên địa bàn Phú Yên phát hiện được các di chỉ thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh phân bố dọc ven biển. Trong đó, tiêu biểu là các di tích Gò Ốc (xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu), di tích Cồn Đình (xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu) và di tích Khe Ông Dậu (xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa). Hiện vật thu được tại di tích chủ yếu là đồ gốm, xương răng động vật và đồ đá có cùng đặc điểm giống nhau phản ánh về đời sống săn bắt hái lượm của người nguyên thủy chủ yếu dựa vào môi trường ven biển.
Từ thế kỷ I, II đầu công nguyên cho đến khoảng thế kỷ XV, Phú Yên là vùng đất thuộc nền văn hóa Chămpa phát triển rực rỡ với các công trình kiến trúc đền tháp. Các dấu ấn của nền văn hóa đó còn lưu giữ đậm nét trên vùng đất Phú Yên với các công trình kiến trúc Tháp Nhạn, Thành Hồ, Núi Bà. Những di tích này phân bố dọc theo trục sông Đà Rằng, được các nhà nghiên cứu xác định đủ yếu tố của mô hình một tiểu quốc với trục quy chiếu theo sông Đà Rằng, gồm: hải cảng (khu vực Núi Nhạn) - kinh thành (khu vực Thành Hồ) - thánh địa (khu vực Núi Bà).
Một góc di tích thắng cảnh quốc gia đầm Ô Loan ở Phú Yên. |
Hiện nay, toàn tỉnh Phú Yên có 112 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng (2 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia, 89 di tích cấp tỉnh), với các loại hình di tích lịch sử, kiến trúc - nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Ngoài ra, địa phương này còn có 263 di tích nằm trong danh mục kiểm kê được UBND tỉnh công bố theo tiêu chí quy định của Luật Di sản văn hóa.
Trong những năm gần đây, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Phú Yên có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Phú Yên vẫn còn nhiều hạn chế như: nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh chưa được tu bổ, tôn tạo; công tác phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch hiệu quả chưa cao, chưa thu hút khách du lịch; công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn bất cập, vướng mắc về cơ chế, chính sách nên chưa thu hút được sự đầu tư đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích.
Do vậy, việc lập đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2023 - 2030 là rất cần thiết nhằm đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đẩy mạnh xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích để phục vụ phát triển du lịch. Mục tiêu tổng quát của đề án là nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, đồng bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.