“Việc bảo tồn cổ tích là việc rất cần trong công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”, chính là quan điểm được nhấn mạnh trong Sắc lệnh số 65 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành vào ngày 23/11/1945. Ngoài ra, Sắc lệnh còn có quy định cụ thể về việc “cấm phá huỷ những đình chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, thành, quách cùng lăng mộ chưa được bảo tồn”. Điều này cho thấy, gần 8 thập kỷ trước, việc bảo tồn di sản kiến trúc đã được xem là một nhiệm vụ quan trọng của đất nước, gắn liền với quá trình phát triển của nước ta qua các thời kỳ, các thế hệ.
Văn kiện nêu trên đã trở thành di sản tư liệu quốc gia và nhiệm vụ bảo tồn vẫn tiếp diễn, trên cơ sở kế thừa và điều chỉnh theo những yêu cầu của thời đại. Một minh chứng cụ thể là Quyết định 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025. Văn bản pháp luật này đã ghi nhận mục tiêu của quốc gia trong giai đoạn hiện tại chính là “bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu quốc gia, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước”.
Phố cổ Hà Nội trong ống kính của du khách nước ngoài. (Nguồn: Nicolas McComber/Getty Images) |
Di sản kiến trúc - sự giao thoa văn hóa, lịch sử
Nói đến di sản kiến trúc, chắc rằng khó có nơi nào trên đất nước Việt Nam có thể vượt qua Thủ đô Hà Nội về số lượng di tích, di sản kiến trúc; bởi vì Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội vốn là vùng đất đã trải qua cả ngàn năm tuổi. Với bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, có những đường nét kiến trúc chỉ còn được lưu giữ trong những trang sử sách của người xưa, hé lộ một góc độ của lịch sử đã qua trên mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Đơn cử, dưới lòng đất khu di sản Hoàng thành Thăng Long, kết quả khai quật khảo cổ học từ năm 2002 - 2017, đã xác định được một quần thể nền móng kiến trúc Đại La, Lý, Trần, Lê. Mặt khác, các nhà khảo cổ còn phát hiện một số hiện vật điêu khắc tinh xảo thể hiện tư duy kiến trúc của ông cha ta trong thời đại lập quốc. Đơn cử các loại vật liệu trang trí cung điện thời Lý như ngói gắn lá đề trang trí rồng, phượng, các tượng đầu rồng, phượng trang trí trên nóc mái… Trong đó, biểu tượng rồng trong lá đề - sự kết hợp hài hòa giữa biểu tượng và triết lý của Phật giáo với biểu trưng uy quyền của hoàng gia trong kiến trúc thời Lý, đã cho thấy sức sáng tạo trong quá trình học hỏi nghệ thuật kiến trúc từ các nền văn hóa khác để tạo nên dấu ấn riêng của người Việt xưa.
Hiện nay, Hà Nội đã kiểm kê gần 6.000 di tích, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố... Nếu xét theo niên đại, Hà Nội ghi nhận 44 di tích có niên đại khởi dựng thời Lý - Trần, 1.135 di tích có niên đại khởi dựng thời Lê, 3.491 di tích có niên đại khởi dựng thời Nguyễn, 1.252 di tích được khởi dựng từ năm 1945 đến nay. Ngoài ra di sản kiến trúc của Thủ đô còn hiện hữu trong các công trình đình, chùa, đền, miếu, nghè, quán, nhà thờ họ, lăng mộ, văn chỉ và các loại hình khác.
Nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu của Hà Nội đã nổi tiếng vượt ra ngoài phạm vi đất nước, nhận được mối quan tâm lớn từ cộng đồng quốc tế, có thể kể tới Chùa Một Cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hồ Gươm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà hát lớn, … Một không gian kiến trúc cảnh quan đặc biệt của Thủ đô chính là khu phố cổ, hiện là di tích cấp quốc gia. Giá trị kiến trúc và quy hoạch của phố cổ đặc biệt ở chỗ đây là phố nghề, phường nghề, đậm chất truyền thống và nét bản sắc Á Đông - nhìn sang Trung Quốc, Nhật Bản cũng có những khu phố nghề kết hợp với buôn bán như vậy.
Kể từ thế kỷ 20, những kiến trúc sư người Pháp đã đưa vào Việt Nam những kỹ thuật mới, những loại hình kiến trúc mà chúng ta chưa có (nhà thương, nhà ga, thư viện, bảo tàng, nhà hát, khách sạn…). Trải qua hơn 100 năm tồn tại, các công trình do người Pháp đang mang lại nét độc đáo, duyên dáng riêng cho đô thị ngàn năm văn hiến của Hà Nội. Công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu đầu tiên là cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng, trước đây được đặt theo tên toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (Pont Paul-Doumer) do Công ty Dayde’ et Pille’ thiết kế và được hoàn tất xây dựng năm 1903.
Trong khu vực nội thành Hà Nội hiện còn ghi dấu hàng loạt các công trình kiến trúc Pháp. Năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 7177/2013/QĐ-UBND về danh mục nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ được phân loại, bảo tồn, trên địa bàn Hà Nội. Theo thống kê của Sở Xây dựng, trên địa bàn thành phố có 1.216 biệt thự được xây dựng trước năm 1954 theo kiến trúc Pháp, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước; 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.
Du khách tìm hiểu về di sản tại Triển lãm “Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử” ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. (Ảnh: Đỗ Trang) |
Làm gì để xứng tầm với vị thế “Thủ đô di sản”?
Việc bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản kiến trúc của Thủ đô luôn là bài toán khó trong nhiều năm nay. Khi mỗi công trình di sản bị phá bỏ để làm mới, hay tu sửa lại đều trở thành chủ đề có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Thông qua nhiều cuộc hội thảo, góp ý, hiến kế, các chuyên gia đều cho rằng nhiệm vụ này bao gồm ba nội dung cơ bản là: Bảo vệ di tích về mặt pháp lý và khoa học, bảo vệ di tích về mặt vật chất kỹ thuật và phát huy giá trị di tích nhằm phục vụ nhu cầu hiện đại của xã hội.
Du lịch được xem là một trong những giải pháp bảo tồn kết hợp khai thác giá trị di sản kiến trúc. Trên thế giới, những thành phố di sản luôn có những sức hút đặc biệt với du khách. Đơn cử, cố đô Philadelphia (Hoa Kỳ) nổi tiếng với kiến trúc “Red Brick” của châu Âu vào đầu thế kỷ 18, khi những ngôi nhà, bờ tường được xây bằng gạch đỏ. Thành phố Paris (Pháp) hiện nay vẫn còn gợi về cuộc tái quy hoạch dưới thời Napoleon III do Nam tước Haussman khởi xướng vào thế kỷ thứ 19. Thành phố Bath (Vương quốc Anh) được mệnh danh là thành phố đẹp nhất nước Anh bởi lối kiến trúc tiêu biểu thời La Mã, hiện hữu trên từng nhà thờ, dinh thự, đền đài cho đến những viên đá lót đường. Còn tại Hà Nội, rất nhiều du khách thập phương cũng không thể để bỏ lỡ dịp ngắm nhìn những công trình kiến trúc tuyệt đẹp được xây dựng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cùng với các công trình cổ xưa khác.
Mới đây, một trong số những dự án trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di sản kiến trúc đang được phần đông dư luận quan tâm là Dự án Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự Pháp cổ tại 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội làm chủ đầu tư, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia vùng Ile-de-France (Pháp). Được biết, căn biệt thự này có diện tích đất lên tới hơn 990m2, được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, là một trong những công trình còn giữ nguyên được nhiều giá trị kiến trúc. Đến nay, sau 1 năm thi công, dự án đã hoàn thành tu bổ toàn bộ kiến trúc bên ngoài. Sau khi hoàn thành, căn biệt thự sẽ được đưa vào khai thác với chức năng là trung tâm giao lưu văn hóa Pháp của Hà Nội, nơi người yêu di sản có thể tìm hiểu về quá trình hình thành khu phố Pháp ở Hà Nội, cũng như các khía cạnh giao thoa văn hóa giữa hai nước Pháp - Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.
Tuy nhiên, du lịch cũng có thể là “con dao hai lưỡi” nếu không có chiến lược khai thác hợp lý, lâu dài và bền vững. Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng cần có những cơ chế, chính sách phù hợp, có tác dụng thúc đẩy sự nghiệp bảo tồn như: Quy hoạch toàn bộ các di tích đã được công nhận; Xã hội hóa hoạt động bảo tồn; Ưu tiên đầu tư ngân sách; Nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ; Phát huy vai trò và trách nhiệm của người dân;… Hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ tạo nguồn lực vật chất, tài chính hỗ trợ nâng cao khả năng bảo trì thường xuyên và hiệu quả. Ngược lại, nếu để hoạt động này ồ ạt, vượt quá kiểm soát có thể gây tổn hại, thậm chí phá huỷ di sản.