"Con “H” xuất hiện sau ngày ma túy có mặt tại xã Đồng Văn (Quế Phong, Nghệ An) và lớn nhanh thành một “cơn bão”, do sử dụng kim tiêm chung khi dùng ma túy.
Một lý do nữa là thiếu hiểu biết, dân trí thấp, hoàn cảnh khó khăn, người dân mơ hồ về căn bệnh thế kỷ này nên dù vẫn biết nó gây chết người nhưng không biết cách phòng tránh.
Anh Đ. theo nhóm bạn chích hút vài lần nhưng đã lây nhiễm HIV |
"Con “H” về bản
Trước đây, xã Đồng Văn không hề biếtt đến ma túy hay bệnh HIV/AIDS là gì, chỉ sau khi ma túy xâm nhập và tấn công vào từng bản làng, xót xa thay cho đến nay họ vẫn không hề hình dung ra được con virus nó như thế nào, lây bệnh ra sao…
Tìm về xã Đồng Văn, chưa đến nhưng nghe người ta nói gần nói xa, đến nơi đó rất nguy hiểm, người nhiễm HIV rất lớn, không may mắn có thể bị lây H. Cũng có thông tin thì bảo rằng, người trong xã Đồng Văn nếu có tai nạn xảy ra ở các xã khác hay ở phố huyện mà bị trầy xước máu chảy hỏi nếu là người Đồng Văn thì họ không ai giám đến giúp đỡ dậy vì sợ lây.
“Ngày trước, bản làng yên bình lắm, thanh niên ăn rồi đi làm rẫy, làm nương, con gái đi hái măng, hái quả, trồng lúa… Bây giờ, thì thanh niên con trai thì chỉ ham chơi lắm phần lớn là nghiện ngập hết, con gái thì rủ nhau xuống miền xuôi làm việc, không biết làm việc chi nhưng đi rồi về mang bệnh nhiều, chết nhiều lắm…”, già Vi Văn Đậu, bản Na Chảo với giọng buồn buồn nói.
Cũng xuất phát từ đó, những con người nơi đây vì thiếu hiểu biết và kiến thức về phòng chống HIV nên đã vô tình biến nó thành “cơn bão H” bao trumg lấy bản làng. Theo số liệu thống kê, danh sách mà các trung tâm xét nghiệm chuyển về thì trong năm 2010, toàn xã phát hiện 52 trường hợp dương tính với HIV/AIDS.
Tháng 1/2011 có đoàn xét nghiệm của tỉnh lên, phát hiện thêm được 13 trường hợp nữa. “Cơn bão” xuất hiện và tàn phá một cách chóng mặt, khi số người nhiễm HIV ngày một tăng và ngày càng trẻ hóa. Anh Vi Thanh Hà - Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đồng Văn cho biết, riêng trong năm 2010 - 2011, xã Đồng Văn đã có 21 người chết vì HIV, chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng có khoảng hơn 10 người chết vì HIV từ đầu năm 2012 cho đến nay.
“Có nhiều cái chết không ai nghĩ đến được. Năm 2011 ông Lương Văn Đại (bản Huôi Muồng) nhiễm “H” và chết sau đó ít lâu, cuối năm thì đến lượt thằng con trai là Vi Văn Cáng (2 tuổi). Oái oăm thay là đầu năm 2012 vợ ông là chị Lương Thị Tiêm cũng mất vì lây “H” từ chồng. Gia đình bữa ni bi đát lắm, khổ thân dừ chỉ còn có con nhỏ Lương Thị V. (12 tuổi) sống với ông nội đã nhiều tuổi. Hầu hết là đàn ông lây nhiễm do tiêm chích ma túy rồi lấy vợ sinh con bị lây nhiễm theo”, anh Vi Thanh Hà cho biết.
Mơ hồ về HIV
Dù số người nhiễm và chết về HIV nhiều như thế, nhưng khi được hỏi về cách phòng tránh lây nhiễm hầu hết mọi người đều có câu trả lời bằng một nụ cười ngặt ngẻo nếu không muốn nói là ngờ nghệch, và cái lắc đầu rất tự nhiên. Cũng vì thế, nên đây là điều kiện thuận lợi để cho “cơn bão” đổ bộ và tàn phá những bản làng vùng biên.
Chị Hà Thị H. (SN 1991, tại bản Na Chảo) tuy mới 22 tuổi nhưng đã bị con “ết” cướp mất chồng cách đây chừng nữa tháng. Chỉ cách nhau 2 ngày nhưng chồng chị anh Lương Văn Thành (SN 1987) và bố chồng là Lương Văn Thương (SN 1965) liên tục bỏ chị đi. “Không biết chồng bị bệnh chi, chỉ nghe người làng nói chồng với bố bị HIV chết thôi, nghe nói có thể mình cũng bị lây bệnh”, H. nói. Cô gái người Thái trẻ tuổi còn hồn nhiên hỏi: “Con HIV nớ ra răng anh, có bắt nó ra khỏi người được không anh?” (!).
Hà Thị H. vẫn không thể hình dung ra căn bệnh HIV như thế nào? |
Chồng chị là con nghiện lâu năm, dính vài ma túy từ khi còn trẻ, chuyển từ hút, hít sang tiêm chích ma túy, tuy nhiên vì thiếu hiểu biết và kiến thức về căn bệnh thế kỷ này đã dùng cùng kim tiêm với nhiều người khác. Điều đau xót nhất là khi phát hiện nhiễm HIV thì cũng là khi con trai anh chị tròn 1 tuổi, thằng nhỏ kháu khỉnh nhưng không biết nó có phải là nạn nhân của “H” không thì cả mẹ nó cũng không hề biết vì không có tiền đưa cháu đi xét nghiệm.
Căn bệnh tàn phá cả bản làng và anh Hà Văn Đ. cũng là một nạn nhân của căn bệnh này, chàng thanh niên 23 tuổi nhưng toàn thân hình gầy guộc, có thể ví như không có da bọc xương thì thân hình anh là một bó củi khô.
Đôi bàn ta đen như than cháy, xương xẩu đưa lên dụi dụi mắt ngơ ngác nói: “Ngày trước theo mấy bạn trong bản đi nhậu rồi có hút, có chích cùng mấy lần rứa mà cũng bị nhiễm HIV”. Gia đình của Đ. không chỉ riêng Đ. mà còn có em trai là Hà Văn N. (SN 1988) cũng đang lay lắt trong những ngày cuối đời cùng vợ và 2 đứa con nhỏ vì “H”.
Đồng bào nghĩ rằng và mường tượng hình ảnh con “ết” là con sâu chui vào bụng làm mình đau nên rủ nhau uống rượu để giết “con sâu ết”. Với những hiểu biết còn quá hạn hẹp như vậy thì tình trạng lây nhiễm H không ngững tăng cũng là điều dễ hiểu. Theo lời của cn bộ phụ nữ xã Đồng Văn, một thực trạng đang tiếp diễn làm cho tình trạng lây nhiễm HIV cao là một số phụ nữ có chồng chết vì AIDS vài tháng sau lại thấy sống chung như vợ chồng với người đàn ông khác.
Với những hiểu biết còn quá hạn chế như vậy khiến cho căn bệnh thế kỷ có cơ hội để lây lan rộng hơn, đối với họ, phòng chống HIV xem ra còn là một điều quá “xa xỉ” khi điều kiện kinh tế còn khó khăn và trình độ dân trí còn thấp. Không biết, rồi đây sẽ có bao nhiêu người bao nhiêu trẻ em còn vô tình là nạn nhân của “H” (?), cần có những buổi tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về căn bệnh thế kỷ này cũng như các biện pháp phòng chống lây nhiễm “H” sang người khác.
Phóng sự của Ngô Toàn