Do tính chất xã hội của quan hệ tiêu dùng mà người tiêu dùng khó có thể có cơ hội trở thành tự do, bình đẳng vì họ buộc luôn phải tham gia vào mối quan hệ này với đặc tính truyền kiếp là “thông tin bất cân xứng”.
Bao giờ người tiêu dùng được tự do và bình đẳng với người cung cấp
Mối quan hệ “bất cân xứng”
Đây chính là nhìn nhận của PGS – TS. Nguyễn Như Phát đưa ra tại Hội thảo Pháp ngữ khu vực “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Từ hai góc nhìn Á - Âu” diễn ra trong 2 ngày 27 - 28/9 do Nhà Pháp luật Việt – Pháp và Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao CH Pháp và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ. Cũng theo ông Phát, bên cạnh sự bất cân xứng về thông tin, người tiêu dùng còn có thể rơi vào tình trạng mất khả năng mặc cả khi họ buộc phải sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nhà cung cấp độc quyền.
Một chuyên gia người Pháp nhấn mạnh, xã hội hiện đại với đặc trưng của nó là sự ra đời liên tiếp của các thành tựu khoa học đã khiến cho nhu cầu được đảm bảo an toàn của người tiêu dùng tăng lên. Dĩ nhiên, việc người tiêu dùng mong muốn hàng hóa mà tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất và lưu hành trên thị trường không gây nguy hiểm hoặc tối thiểu phải kèm theo thông tin hướng dẫn cách sử dụng an toàn là hoàn toàn chính đáng. Và các doanh nghiệp dù quy mô lớn đến đâu cũng không thể không biết đến mong muốn này.
Nhưng vẫn có không ít những kẻ dám “đầu độc” cả xã hội vì lợi nhuận của mình đã bị báo chí vạch mặt chỉ tên. Điển hình gần đây là vụ sữa có trộn melamine nhằm tăng hàm lượng protein trong sản phẩm đã khiến một số trẻ em bị nhiễm bệnh, có trường hợp tử vong ở Trung Quốc năm 2008. Hay ngay trong tháng 8 - 9/2010, đã phát hiện ra 2 vụ nuôi bò bằng rác tại Thái Nguyên và An Giang…
“Bổ sung” khả năng tự do và bình đẳng?
Thực tiễn pháp luật và tư pháp của nhiều nước đều coi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng là công cụ bảo vệ hiệu quả, trong đó có những nước láng giềng của Việt Nam. Chẳng hạn, ở Lào, Luật bảo vệ người tiêu dùng được Quốc hội nước này thông qua ngày 30/6/2010 đề cao ý nghĩa của Luật là công cụ bảo vệ tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tiêu dùng trước những hậu quả do tiêu dùng hàng hóa.
Ông S.Vilaychreun cho biết thêm, Luật cũng giải quyết các vấn đề, tranh chấp xảy ra giữa người tiêu dùng và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Còn GS N. Nawatrakulpisut tự tin đánh giá, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Thái Lan, tương đối tiến bộ, bao gồm các biện pháp bảo vệ về mặt nội dung phong phú lẫn các quy định về mặt thủ tục.
Tại Việt Nam, chúng ta có rất nhiều quy định nằm rải rác trong các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Và đặc biệt, dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng đang được xây dựng, trong đó xây dựng nhiều biện pháp về mặt hành chính, dân sự nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Với quan niệm “mọi hệ thống pháp luật nhân đạo đều phải ưu tiên bảo vệ kẻ yếu”, PGS-TS Nguyễn Như Phát cho rằng, pháp luật bảo vệ người tiêu dùng giống như một thứ bổ sung về khả năng tự do và bình đẳng của người tiêu dùng trong quan hệ với nhà cung cấp.