Thuốc BVTV nhập lậu không kiểm soát được về chất lượng, nguồn cung của mặt hàng đặc thù này bị thả nổi, người dân lạm dụng sử dụng thuốc BVTV ngày càng gia tăng kéo theo những nguy hại về sức khỏe của người sử dụng và nguy cơ tồn dư hóa chất độc hại trong các sản phẩm nông nghiệp bán ra thị trường.
Phần nổi của tảng băng
Sau đợt cao điểm ra quân truy quét thuốc BVTV nhập lậu, thuốc BVTV giả trên thị trường của Cục BVTV và các cơ quan chức năng, 7 tháng đầu năm 2016, cả nước đã phát hiện 40 vụ việc vi phạm về vận chuyển, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV nhập lậu, ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, thu giữ trên 7 tấn thuốc BVTV với hơn 25 loại bao gồm các nhóm: thuốc trừ sâu/nhện; thuốc trừ bệnh; thuốc kích thích sinh trưởng; thuốc trừ cỏ. 100% số thuốc trên có xuất xứ từ Trung Quốc, có độc tính cao, nghiêm cấm sử dụng và buôn bán trên thị trường.
Bao bì, nhãn mác cũng bằng tiếng Trung Quốc, được thu giữ chủ yếu ở các tỉnh biên giới như Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, trong đó thuốc trừ cỏ chủ yếu ở Lào Cai. Hiện đã có 54 cá nhân vi phạm đã bị xử phạt hành chính theo Nghị định 31/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Tháng 4/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành khi thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, buôn bán thuốc BVTV, kiểm tra việc sử dụng thuốc BVTV tại các tỉnh: TPHCM, Hà Nội, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hòa Bình và Hưng Yên đã phát hiện và xử lý 1 vụ buôn bán thuốc BVTV nhập lậu, ngoài danh mục tại Hòa Bình, thu giữ 1.263 chai, gói với trọng lượng 200kg.
Ngày 30/5/2016, tại xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, Công an tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện một lô hàng nhập không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, trong đó có 2.000 chai thuốc BVTV được sản xuất tại Trung Quốc. Ngày 7/7/2016, tại xã Gia Cát (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn), công an đã thu giữ 520 chai thuốc trừ sâu cực độc không được phép sử dụng, có xuất xứ từ Trung Quốc. Chủ hàng khai đã mua số hàng lậu này tại khu vực biên giới Lạng Sơn với ý định vận chuyển vào nội địa để tiêu thụ.
Thống kê các cơ quan chức năng cho thấy ở Lào Cai hiện đang có trên 18 loại thuốc BVTV của Trung Quốc nhập lậu qua biên giới được bày bán, tất cả đều không được phép sử dụng ở Việt Nam. Trong đó, có những loại thuốc ở Việt Nam đã cấm sử dụng từ những năm 1980 như: thuốc trừ sâu 666, thuốc trừ cỏ 2.4.5 T (Brochtox, Decamine, Veon...).
Các vụ việc liên quan đến thuốc BVTV nhập lậu bị phát hiện, thu giữ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Việt Nam hàng năm sử dụng hết khoảng 100 tấn hóa chất thuốc BVTV, lượng hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu không đủ đáp ứng nhu cầu và giá cả cao nên lượng thuốc BVTV nhập lậu rất cao. Trên thực tế, số lượng mặt hàng nguy hiểm này được mua bán trôi nổi trên thị trường còn lớn hơn rất nhiều.
Theo đánh giá của Cục BVTV, hiện mỗi năm có khoảng từ 30 - 40 tấn thuốc BVTV nhập lậu, chủ yếu từ Trung Quốc được tuồn vào Việt Nam. Không kể những loại thuốc BVTV được nhập qua đường chính ngạch đã được các cơ quan hữu quan kiểm tra, kiểm soát, giám định, còn nhiều “luồng” nhập thuốc một cách lén lút qua đường tiểu ngạch, phần lớn có xuất xứ từ Trung Quốc.
Đây cũng là nguyên nhân gây nên tồn dư hóa chất BVTV độc hại, nhất là trên rau, trái cây bởi các loại thuốc BVTV nhập lậu độc dược rất cao, không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, lại được các chủ đại lý lén lút phân phối và khuyến cáo sử dụng một cách tràn lan.
Vẫn đang chờ chế tài hình sự
Theo Cục BVTV, cả nước có trên 32.000 đại lý kinh doanh buôn bán thuốc BVTV, trong đó trên 12.000 đại lý đã ký cam kết không buôn bán thuốc BVTV nhập lậu, hết hạn sử dụng, cấm sử dụng. Theo đánh giá của các nhà quản lý, tình trạng buôn lậu thuốc BVTV chỉ xuất hiện khi có sự chênh lệch về giá. Hiện thuế nhập khẩu thuốc BVTV là 0%. Thuốc BVTV nhập lậu chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc. Khu vực phía Nam không có các vụ việc vận chuyển thuốc BVTV nhập lậu.
Sở dĩ thuốc từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam ồ ạt là vì giá của họ rẻ hơn ta nhiều lần. Trong khi đó, hiện nay năng lực của các cơ sở sản xuất thuốc BVTV trong nước chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân, phần còn lại chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu. Hiện nay, Việt Nam phải nhập của nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) gần 100% hoạt chất, 90% phụ gia và 50% chế phẩm thuốc BVTV.
Giá của những loại thuốc nhập từ Trung Quốc thường rẻ hơn một nửa so với cùng loại có nguồn gốc từ Nhật hay các nước phát triển. Cho nên các sản phẩm thuốc BVTV của Trung Quốc hiện đang tràn ngập trên thị trường Việt Nam với nhiều chủng loại khác nhau. Những loại thuốc BVTV mà Trung Quốc tuồn sang Việt Nam qua đường nhập lậu được đánh giá: giá cực rẻ, có độ độc hại nguy hiểm, có tác dụng gây độc hại mạnh cho môi trường và con người, nhiều loại thuốc BVTV bị cấm sử dụng.
Đặc biệt tại thị trường Việt Nam hiện nay đang trôi nổi một số loại thuốc trừ sâu đặc biệt nguy hiểm cho sức khỏe con người như: Thuốc Cypermethrin, Propiconazole và Fipronil là những loại thuốc có thể gây ung thư cao.
Dù thuốc BVTV nhập lậu được bán tràn lan nhưng nhiều năm qua chưa có vụ buôn bán, vận chuyển mặt hàng này qua biên giới bị bắt. Khi bắt giữ thì việc lưu trữ, tiêu hủy cũng gặp khó khăn. 5/7 tấn thuốc BVTV nhập lậu đã được tiêu hủy vào ngày 24/8/2016. Kinh phí xử lý là 50 triệu đồng/tấn do Bộ NN&PTNT lo liệu.
Theo Luật Bảo vệ và Kiểm định thực vật và các văn bản hướng dẫn, việc bắt giữ thuốc BVTV nhập lậu và kinh phí cho vận chuyển, lưu trữ, tiêu hủy thuộc về rách nhiệm của địa phương phải lo, có thể lấy từ ngân sách nhà nước trung ương, hoặc ngân sách địa phương. Tuy nhiên, lâu nay do khó khăn về kinh phí, các địa phương bắt giữ hàng lậu lúng túng trong việc lưu trữ, tiêu hủy.
Việc buôn lậu các loại thuốc BVTV đã được đưa vào Bộ luật Hình sự 2015 nhưng thời điểm này đang tạm hoãn thi hành đã gây ra những khó khăn nhất định trong việc xử lý hành vi mua bán trái phép loại hàng hóa đặc thù này.