Báo động du khách nước ngoài gây tai nạn chết người

Cảnh sát giao thông xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông
Cảnh sát giao thông xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông
(PLO) - Nhiều năm nay trên các địa bàn tỉnh, thành phố (TP) thu hút du lịch đã xảy ra nhiều vụ tai nạn gây chết người hoặc thương vong nghiêm trọng đều liên quan tới người nước ngoài vi phạm giao thông. Các cơ quan chức năng đang phải “mạnh tay” siết chặt kiểm soát để ngăn ngừa những diễn biến ngày càng phức tạp. 

Tai nạn thương tâm

Cách đây không lâu, ở địa bàn xã Yên Sơn (Quốc Oai, Hà Nội), người dân “hoảng hồn” phát hiện một người đàn ông ngoại quốc tử vong trên vỉa hè, cùng chiếc xe máy có dấu hiệu bị hư hỏng; được biết đoạn đường xảy ra vụ việc đang thi công và đã được đặt biển cảnh báo.

Cũng khoảng thời gian này, tại tỉnh Quảng Ninh, một nữ du khách người Ba Lan đã tử nạn khi va chạm với chiếc xe máy của đồng hương chạy cùng chiều, cô ngã xuống đường và bị xe tải chạy cùng chiều cán phải.

Ở Sài Gòn, lại có nhiều trường hợp như một người đàn ông quốc tịch Singapore, do uống rượu say lại tự mình chạy xe trên đường va vào gốc cây; một người Hàn Quốc không làm chủ tốc độ, lại gặp phải khúc cua nên đâm vào dải phân cách trồng cây xanh; cả hai trường hợp đều tử vong tại chỗ.

Thời gian gần đây, trên các địa bàn thu hút du lịch như Hà Nội, TP HCM, Nha Trang, Vũng Tàu, Mũi Né… đã xảy ra nhiều vụ tai nạn gây chết người hoặc thương vong nghiêm trọng do người nước ngoài gây ra.

Qua thống kê, hầu hết các vụ tai nạn giao thông xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông là người ngoại quốc đến du lịch, đầu tư, đào tạo ngoại ngữ nhưng không có giấy phép lái xe mô tô, xe máy theo quy định. Đa số các phương tiện giao thông được người nước ngoài thuê của các khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở lưu trú, các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, hướng dẫn viên du lịch. 

Nguyên nhân gây tai nạn là do người nước ngoài khi đến Việt Nam, họ không am hiểu địa hình, đường sá, Luật Giao thông đường bộ của Việt Nam; ví như điều khiển xe không có bằng lái, lưu thông không đúng phần đường, chuyển hướng không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn, không chú ý quan sát, đi vào đường cấm, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ…

Trong đó có nhiều trường hợp thường xuyên đi về khuya, không tránh khỏi có tình trạng sử dụng rượu, bia hoặc các chất kích thích, lạc tay lái tự gây tai nạn. Ở trung tâm các TP, nơi tập trung khá đông du khách đến làm việc, tham quan… chủ yếu các trường hợp người nước ngoài vi phạm vào các lỗi dừng, đỗ ô tô không đúng nơi quy định.

Tuy nhiên, nhóm người này thường được Cảnh sát giao thông (CSGT) “ưu ái” cho đi bởi vì… bất đồng ngôn ngữ. Không hiểu ngôn ngữ, không hiểu luật, hay biết nhưng vờ không biết là những “chiêu” phổ biến mà nhiều người nước ngoài hay sử dụng để đối phó với CSGT khi bị tuýt còi.

Lực lượng CSGT ở các địa phương, tỉnh, TP rất vất vả khi người nước ngoài từ chối hợp tác, né tránh trách nhiệm; khiến nhiều vụ việc phải kéo dài hoặc bỏ dở. Nhiều người gây khó dễ cho công tác xử lý tai nạn như được mời đến làm việc thì không đến, không sử dụng tiếng Anh mà dùng tiếng bản địa, từ chối ký biên bản vì không hiểu tiếng Việt…, nhiều trường hợp CSGT buộc phải nhờ đến các đại sứ quán hỗ trợ. 

Phối hợp “mạnh tay” xử lý

Theo quy định, đối với người nước ngoài đến Việt Nam mà điều khiển phương tiện lưu thông trên đường phải có giấy phép lái xe quốc tế và tuân thủ chấp hành Luật Giao thông đường bộ Việt Nam. Các trường hợp vi phạm cũng bị xử lý bình thường như các công dân Việt Nam. Đối với các trường hợp người nước ngoài thuê xe máy thì chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm vì lỗi giao xe cho người không đủ điều kiện sử dụng. 

Mới đây, Tổng cục Du lịch (TCDL) vừa ban hành Văn bản số 1697/TCDL - LH gửi Sở Du lịch, Sở VHTT&DL các tỉnh, TP, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế về việc đảm bảo an toàn cho người nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam.

Văn bản đề nghị Sở Du lịch, Sở VHTT&DL các địa phương thông tin, tuyên truyền tới các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn để nắm được quy định pháp luật về các vấn đề liên quan; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động cung ứng dịch vụ cho thuê xe mô tô, xe máy tự lái, xử lý kịp thời các vi phạm; kiên quyết dừng hoạt động đối với các tổ chức, cá nhân không đảm bảo điều kiện an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ; phối hợp với các ban ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, triển khai các biện pháp đồng bộ để đảm bảo an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ cho khách du lịch.

Đối với các doanh nghiệp lữ hành quốc tế, TCDL đề nghị tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho khách du lịch nước ngoài trong việc chấp hành quy định của pháp luật về Luật Giao thông đường bộ; đồng thời cảnh báo cho du khách những điểm du lịch có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao, đoạn đường thường xảy ra sạt lở đất vào mùa mưa, sương mù vào mùa đông. 

Bên cạnh đó, các đơn vị cung ứng dịch vụ cho thuê xe mô tô, xe máy tự lái phải tiến hành rà soát, kiểm tra chất lượng dịch vụ và điều kiện đảm bảo an toàn của phương tiện; chủ động cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng địa phương liên quan đến việc người nước ngoài thuê mượn xe; phối hợp kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam khi có yêu cầu.

Theo đó, hầu hết các tỉnh, TP trên toàn quốc đều đã có những khuyến cáo đến các cơ quan chức năng, đại lý du lịch, cơ sở cho thuê xe tự lái, và các doanh nghiệp liên quan… tự kiểm tra, phối hợp và chấp hành theo quy định pháp luật.

Thiết nghĩ, đây là một động thái đáng quan tâm nhằm hạn chế xảy ra các tai nạn thương tâm cũng như liên đới trách nhiệm pháp lý khi tai nạn xảy ra. Tuy vậy, giao thông ở Việt Nam có những tính chất đặc thù khiến việc xử lý người nước ngoài vi phạm luật giao thông trở nên phức tạp hơn so với người Việt. Dù vậy, nếu đã xử lý cần phải mạnh tay, triệt để nêu gương; kèm theo tích cực tuyên truyền, phổ biến luật để người nước ngoài được tiếp cận, tuân thủ luật pháp một cách bài bản./.

Đọc thêm

Giao thông Hà Nội cận Tết - 'Giờ nào cũng là giờ cao điểm'

Giao thông Hà Nội cận Tết - 'Giờ nào cũng là giờ cao điểm'
(PLVN) - Những ngày cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao khiến giao thông trên địa bàn Hà Nội trở nên đặc biệt sôi động. Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường ứng trực ngày nghỉ, bảo đảm việc di chuyển của người dân diễn ra thuận lợi và an toàn...

"Thay áo" cho cầu Phố Mới - Điểm nhấn hạ tầng tại Lào Cai

"Thay áo" cho cầu Phố Mới - Điểm nhấn hạ tầng tại Lào Cai
(PLVN) - Thành phố Lào Cai vừa nâng cấp, cải tạo dự án cầu Phố Mới với tổng vốn đầu tư gần 15 tỷ đồng. Dự án nhằm mang lại diện mạo mới cho cây cầu quan trọng này, đồng thời nâng cao an toàn giao thông và phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

Tỉnh Bình Định chỉ đạo xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn

Tỉnh Bình Định chỉ đạo xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn
(PLVN) - UBND tỉnh Bình Định vừa có công văn về việc xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ đạo các đơn vị quản lý tập trung kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT cho phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường ĐT.638 và quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn tỉnh. 

TP Hồ Chí Minh: Khuyến cáo tuân thủ văn hóa metro

Metro số 1 bắt đầu vận hành thương mại từ 22/12/2024.
(PLVN) - Cty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 (HURC 1) vừa tổng kết 2 tuần đầu vận hành thương mại metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tuân thủ văn hóa Metro.

Giá vé máy bay Tết tăng, chặng TP.HCM đi các tỉnh miền trung “cháy vé”

Giá vé máy bay Tết tăng, chặng TP.HCM đi các tỉnh miền trung “cháy vé”
(PLVN) - Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết đến thời điểm hiện tại, giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20% so với trước kỳ nghỉ, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đến các địa phương đang tăng nhanh chóng trong giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 22-28/1.

'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam

'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam
(PLVN) - Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam được đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, dự án này đang chậm tiến độ, mặt đường xuất hiện chi chít “ổ voi, ổ gà” sau mưa lớn gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tăng mức phạt có đủ để xây dựng văn hoá giao thông?

Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân có sự chuyển biến rõ rệt sau khi Nghị định 168 có hiệu lực. (Ảnh: QĐND)
(PLVN) - Những ngày qua, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Tuy nhiên, để thực sự xây dựng văn hóa giao thông cần nhiều hơn thế.