Hộp bánh ghi đầy đủ nguyên liệu, thành phần, các chất hàm chứa trong bánh, nhưng không hề ghi có chất bảo quản. Khi cắt thử một chiếc thì có mùi vị lạ khó ngửi, không ai dám ăn thử.
Bà La khoe với phóng viên hai trong số những chiếc bánh vẫn như mới sau 8 năm bị vứt xó trong góc nhà. |
Bà La sau một hồi suy nghĩ đã nhớ lại, đây là hộp bánh loại đắt tiền do một khách sạn lớn sản xuất được một người bạn tặng dịp Trung thu 8 năm trước. Trong hộp bằng thiếc rất đẹp có 2 lớp bánh gồm 8 chiếc. Khi đó, cả nhà đã mở ra ăn 4 chiếc, còn để lại 4 chiếc. Những chiếc bánh ăn rất ngon nên gia đình có ý để dành, nhưng quên mất.
Vấn đề sử dụng chất bảo quản cho bánh Trung thu gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng đã không ít lần được báo chí Trung Quốc đề cập đến. Hồi tháng 7, bà Trần ở khu Cửu Long Ba, thành phố Trùng Khánh cũng tìm thấy trong nhà hộp bánh bỏ quên đã 3 năm, mở ra vẫn không thấy bị mốc liền mang đến nơi sản xuất nó để hỏi, thì được nhà sản xuất trả lời “lượng chất chống mốc sử dụng không quá quy định”, song không giải thích được vì sao bánh để 3 năm vẫn không biến chất.
Trả lời phóng viên về việc tại sao bánh Trung thu để 8 năm vẫn “tươi, mềm” như thế, giáo sư Thạch Nguyên Cương, chuyên về Dinh dưỡng và Vệ sinh thực phẩm ở Đại học Quân y 3 Lan Châu cho rằng sở dĩ hộp bánh này có tuổi thọ siêu phàm bởi nhà sản xuất đã quá lạm dụng hóa chất chống thối rữa.
Mùi hôi thối trong nhân bánh chính là kết quả của quá trình oxy hóa các chất dầu, mỡ. Giáo sư Thạch cũng cho biết, việc lạm dụng chất phụ gia này sẽ khiến người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm.
Sau đó, phóng viên trực tiếp liên hệ với nhà hàng sản xuất loại bánh “trường thọ” này. Ông Thường, cán bộ hành chính tại đây, cho biết sản phẩm của nhà hàng đều giao cho một xưởng sản xuất có quy mô lớn trực tiếp chế biến.
Thực tế, nhà hàng chưa gặp trường hợp nào tương tự. “Bà La có thể đem hộp bánh tới để chúng tôi tiến hành kiểm định thật giả. Nếu đúng như những gì báo chí phản ánh, nhà hàng sẽ nghiêm túc điều tra lại quy trình sản xuất”.
Thanh Quang (theo Xinhua)