Nếu muốn kháng nghị giám đốc thẩm thì Tòa có thể viện dẫn nhiều lý do bất kể lý do đó có đáng để xem xét kháng nghị hay không, còn ngược lại, nếu không muốn kháng nghị thì đương sự luôn nhận được văn bản mang tính công thức “không đủ căn cứ kháng nghị”.
Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 29/8/2012 có bài “Kháng nghị để kéo dài vụ án”, phản án việc TAND tối cao kháng nghị hủy án sơ thẩm và phúc thẩm vụ kiện đòi nhà số 2 Hàng Bút, Hà Nội khiến vụ án này kéo dài gần một thập kỷ mà chưa có hồi kết.
Chủ sở hữu hợp pháp của tài sản đã “thắng” trong tất cả các phiên tòa trước đó đã xử đi, xử lại vụ kiện này nhưng không thể chạm tay vào tài sản bởi Quyết định Kháng nghị số 187/2012/DS-KN ngày 25/5/2012 của TAND tối cao đã chặn đứng kết quả tố tụng mà các cấp tòa án đã giải quyết trong gần 10 năm qua. Người dân bị đẩy vào một ma trận tố tụng mà không biết đường ra bởi trên con đường tố tụng, còn quá nhiều “lối rẽ” bất ngờ được mở ra một cách thiếu căn cứ pháp luật.
Sau khi bài báo được đăng tải, nhiều bạn đọc, đặc biệt là giới luật sư đã phản ứng tích cực về những vấn đề “nóng” trong việc xét xử của ngành Tòa, đặc biệt là tình trạng kháng nghị giám đốc thẩm còn nhiều tranh cãi.
Trong đó, một vấn đề rất cần phải làm rõ là có nhiều vụ án cấp sơ thẩm, phúc thẩm “sai lè lè” nhưng TAND tối cao không quan tâm, xem xét mà trả lời đương sự một cách công thức là “không đủ căn cứ kháng nghị” (như vụ kiện đòi hủy hợp đồng vô hiệu toàn bộ mà các cấp tòa ở Bình Dương xét xử trong gần 10 năm qua).
Ngược lại, có những vụ án mà cấp sơ thẩm đã làm tốt đến mức “không thể kháng nghị” thì vẫn bị kháng nghị hủy án với các lý do không thể vô lý hơn, như vụ kiện đòi nhà số 2 Hàng Bút mà Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh trong số báo trước.
Trở lại với nội dung vụ kiện này, căn nhà số 2 Hàng Bút (2 tầng), thuộc sở hữu của cụ bà Dư Thị Hảo. Từ năm 1968, con trai của cụ Hảo đã cho thuê căn nhà này vì lý do vợ chồng ông phải đi công tác xa. Từ năm 1975, gia đình cụ Hảo đã đòi nhà cho thuê nhưng người thuê là gia đình ông Nhữ Duy Hải (thuê tầng 1) không chịu trả. Thậm chí, con ông Hải là chị Nhữ Thị Vân còn bán căn nhà này cho vợ chồng anh Nguyễn Hồng Sơn ngay trong quá trình mà chủ nhà đòi lại nhà cho thuê.
Cụ Hảo (sau này là các con thừa kế) đã khởi kiện đòi nhà tại Tòa án. Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, từ TAND quận Hoàn Kiếm đến TAND TP Hà Nội và Tòa phúc thẩm, TAND tối cao đều kết luận, căn nhà này là sở hữu hợp pháp của cụ Hảo, không thuộc đối tượng nhà vắng chủ và cũng không thuộc đối tượng nhà thuộc sở hữu nhà nước trong quá trình cải tạo công thương. Tòa buộc chị Nhữ Thị Vân và vợ chồng anh Nguyễn Hồng Sơn phải trả lại nhà cho những người thừa kế của cụ Hảo (vì cụ Hảo đã mất).
Phán quyết của tòa án dựa trên cơ sở hồ sơ quản lý nhà đất đang có, trong đó, cụ Hảo có tên trong bằng khoán điền thổ và đăng ký trước bạ của chính quyền cũ.
Sở Xây dựng Hà Nội đã có báo cáo chi tiết về lịch sử ngôi nhà gửi UBND TP Hà Nội, trong đó khẳng định rõ ràng rằng “ngôi nhà số 2 Hàng Bút đứng tên bà Hảo, đăng ký năm 1946, không có hồ sơ quản lý Nhà vắng chủ và cũng không thấy thể hiện Nhà nước đã quản lý trong quá trình thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà đất. Hiện nay, ngành tài nguyên và môi trường cũng không quản lý và cho thuê tài biển số nhà này”.
Nội dung này một lần nữa được UBND TP Hà Nội, cơ quan quản lý nhà đất cao nhất của Thủ đô một lần nữa khẳng định bằng văn bản gửi Tòa án. Như vậy, việc Tòa ra phán quyết buộc bên thuê trả nhà là quyết định công bằng, đúng pháp luật. Đáng tiếc, quyết định đúng đắn này của tòa án sơ thẩm, phúc thẩm đã bị vùi dập bởi một quyết định không thể vô lý hơn của TAND tối cao mà Báo Pháp luật Việt Nam đã đề cập trong bài báo ngày 29/8/2012.
Để làm rõ hơn sự “không có tình” và thiếu căn cứ pháp lý của quyết định kháng nghị, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn về căn cứ kháng nghị nêu trong Quyết định 187/2012/DS-KN ngày 25/5/2012 của TAND tối cao:
Thưa Luật sư, rất nhiều ý kiến cho rằng, lấy cớ “đương sự không khởi kiện đòi tầng hai để cùng giải quyết trong một vụ án” để hủy án là vô lý, ông có thể giải thích rõ hơn điều này?
- Rất dễ nhìn thấy sự bất hợp lý trong căn cứ mà TAND tối cao viện dẫn. Căn nhà số 2 Hàng Bút được gia đình cụ Hảo cho 2 hộ thuê, trước đó gia đình cụ Hảo kiện đòi toàn bộ căn nhà. Nhưng, trong vụ án gần đây, gia đình cụ Hảo chỉ đòi tầng 1 căn nhà.
Như thế, có hai khả năng xảy ra là gia đình cụ chưa đòi hoặc không đòi tầng 2. Việc đòi hoặc không đòi là quyền của chủ sở hữu tài sản, nhà nước không được quyền can thiệp đối với việc định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Đây là điều mà pháp luật về sở hữu đã quy định khá rõ ràng.
Cũng vì căn cứ pháp lý này, trong Bộ Luật tố tụng dân sự cũng đã thể hiện thành nhiều nguyên tắc và quy định cụ thể để tôn trọng quyền của chủ sở hữu. Theo đó, nếu chủ sở hữu không kiện thì tòa không được thụ lý, xét xử. Đây là nguyên tắc bất di, bất dịch của tố tụng dân sự. Đương sự không kiện thì không có vụ kiện, đương sự không kháng cáo thì không xử phúc thẩm.
Như vậy, không thể viện cớ đương sự không khởi kiện đòi tầng 2 để cùng xử trong một vụ kiện để hủy án. Đây chính là một bằng chứng về sự tùy tiện và trái pháp luật trong quyết định kháng nghị.
Nếu quyết định kháng nghị rất trái pháp luật như vậy thì theo quy định của pháp luật, cơ quan có trách nhiệm giám đốc thẩm có thể bác kháng nghị không, thưa ông?
- Theo quy định của pháp luật thì có 2 cơ quan có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm là TAND tối cao và VKSND tối cao. Nhiều người cho rằng, nếu VKSND tối cao kháng nghị thì dễ bị “bác” hơn còn TAND tối cao là cơ quan kháng nghị lại là cơ quan xét giám đốc, tuy người kháng nghị và xem xét kháng nghị là khác nhau, thì việc bác kháng nghị có ít cơ hội hơn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, với tinh thần thương tôn pháp luật, minh bạch và công khai trong xét xử giám đốc thẩm thì có lẽ những Bản kháng nghị như 187/2012/DS-KN cần phải bị bác. Nếu không nó sẽ làm khó cho chính ngành Tòa, làm mất uy tín của cơ quan xét xử cao nhất và khó lấy lại niềm tin về sự “chí công vô tư, phụng công thủ pháp” trong hoạt động giám đốc thẩm của Tòa.
Bình Minh